Người Hà Nội đang mất dần 'nét thanh lịch'

Chủ nhật, 09/12/2012, 08:04
Tình trạng xả rác bậy ra đường, coi hè phố như của mình, nói trống không với người lớn tuổi, chặt chém khách, cân điêu bán thiếu... đang thay thế dần cho lối cư xử nhã nhặn, lịch thiệp vốn có của người Hà Nội.

>> Thực hư làm công chức Hà Nội giá... 100 triệu đồng? 
>> Hà Nội: Thu nhập 3 triệu thừa ăn tiêu, để dành được 1 triệu
>> Hà Nội: Bàn bạc quy hoạch "chỗ ở" cho người chết
>> 'Chạy biên chế Hà Nội không dưới 100 triệu đồng' 

Tại Hội thảo Xây dựng quy tắc ứng xử sáng 8/12, nhiều chuyên gia bày tỏ thực trạng đáng buồn về hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một số người sống ở Hà Nội hiện nay.

 
Bà Lê Thị Bích Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, lối cư xử nhã nhặn của người Hà Nội đang mất dần, thay vào đó là lối nói xô bồ, tục tĩu, “lệch chuẩn” nhất là giới trẻ.

Ngoài đường phố, người ta xả bậy ra đường, vứt rác bừa bãi, coi hè phố như của mình. Chỉ một va chạm nhỏ cũng dễ nổi khùng chửi bới, thậm chí đánh nhau không thương tiếc.

 
"Ở cơ quan hành chính, người ta hách dịch, hất hàm, nói trống không với khách lớn tuổi", bà Hồng nói.
 
Văn hóa phục vụ khách hàng đã bị biến đổi, không còn giữ được những nét đẹp vốn có của người Hà Nội xưa. Ngoài bún mắng, cháo chửi là vấn nạn “chặt chém” khách, “đong lừa, cân điêu, bán thiếu”, bán hàng kém chất lượng.

Bà Vụ phó dẫn chứng: “Đến các khu di sản như Văn Miếu phải chứng kiến đầu rùa bị mòn nhẵn, người dân vứt rác ra vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè buôn bán. Ứng xử của người Hà Nội hiện nay tôi thấy rất buồn, không khỏi đau lòng”.

 
Cũng theo bà Hồng, Hà Nội không phát triển được du lịch do không trở thành điểm đến thân thiện như Hội An. Người dân Hội An biết bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa, ứng xử thân thiện với du khách và họ đã được hưởng lợi từ du lịch.
 
Bà

Bà Lê Thị Bích Hồng. Ảnh: ĐL

Đồng quan điểm, ông Trương Mạnh Tiến, chuyên gia Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, Hà Nội phải tìm lại những tinh hoa, nét đẹp của truyền thống. Vấn đề là phải chọn lọc những cái cần thiết nhất khi ứng xử và bổ sung thêm những nét tinh túy của người thủ đô, đưa ra các nguyên tắc đơn giản mà cộng đồng có thể làm.
 
Ông Tiến đề xuất, với các hành vi ảnh hưởng đến môi trường như xả rác, phóng uế phải bị xử phạt và có hình thức phạt đánh vào lòng tự trọng. Ví dụ, Singapore có biện pháp xử phạt bằng đòn roi và lao động công ích, thậm chí chúng ta có thể yêu cầu người bị phạt treo biển và đưa lên truyền hình. Tuy nhiên, trên hết, phải làm sao để người dân hiểu và làm theo pháp luật, đi kèm là biện pháp khuyến khích.
 
Trưởng phòng Văn hóa quận Tây Hồ Vũ Hoài Phương cho rằng, từ xa xưa mỗi làng có hương ước và người dân đều phải tuân theo. Thời nay, cộng đồng dân cư được mở rộng song vẫn phải coi hương ước là nguyên tắc chung và được bổ sung cho phù hợp thời đại.

Ở mỗi địa phương, người dân bản địa sẽ quyết định được ý thức của dân vãng lai. Do vậy, hồn cốt người Hà Nội là nét đặc trưng, điều chỉnh ý thức của người dân khác đến thủ đô.

 
Ông dẫn chứng, phường Quảng An có gần 1.000 hộ dân cho người nước ngoài thuê nhà, nên phải xây dựng nhiều quy tắc ứng xử, như quy định về nuôi chó vì không ai có thể chấp nhận được tình trạng chó thả rông. Hành vi ứng xử tốt có tác động tích cực đến kinh tế xã hội của dân cư toàn phường.
 
Ông Nguyễn Khắc Lợi: 'Bản quy ước sẽ được lấy ý kiến người dân'. Ảnh: ĐL

Ông Nguyễn Khắc Lợi: "Bản quy ước sẽ được lấy ý kiến người dân". Ảnh: ĐL

Ông Nguyễn Hòa, Trưởng ban tuyên truyền lý luận, Báo Nhân dân, cũng bày tỏ, trong bối cảnh văn hóa Hà Nội đang diễn biến phức tạp và có biểu hiện như “văn hóa bãi bia” thì hệ thống quy tắc ứng xử là rất cần thiết, không thể chậm trễ. Tuy nhiên, không thể chỉ có vài ba cuộc vận động mà phải coi như công việc lâu dài.
 
“Hệ thống quy tắc ứng xử cần bắt đầu từ gia đình, từ mỗi người lớn. Phải làm cho người dân có lòng tự trọng và biết xấu hổ khi làm những việc xấu. Sống có văn hóa là biết tôn trọng người khác, là ứng xử chân thành, biết chia sẻ và đồng cảm với nỗi đau của đồng loại, biết làm cho chính mình và đồng loại ngày càng lương thiện”, ông Hòa nhận xét.
 
Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia văn hóa, xã hội, cơ quan này sẽ xây dựng Đề án Quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và nơi công cộng, nhằm thay đổi hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Dự kiến, đề án lấy ý kiến người dân vào cuối năm sau và thí điểm năm 2014.

 
Theo VNE

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn