BS Lê Trường Giang cho biết sẽ kết thúc được đại dịch HIV/AIDS nếu được đầu tư và đi đúng đường. Ảnh TN |
- Với tuyên bố đã kiềm chế và sẽ chấm dứt đại dịch nguy hiểm nhất hành tinh này trong thời gian tới, vậy ông có thể cung cấp các thông tin, bằng chứng và yếu tố để chứng minh?
Cách đây vài năm, đúng là nằm mơ cũng không thể nghĩ được chúng ta sẽ chấm dứt được đại dịch này. Còn đến thời điểm hiện tại, TP.HCM không chỉ kiềm chế được tốc độ phát triển mà còn đẩy lùi đại dịch với những kết quả khả quan.
Bởi nhìn vào thực tế, kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên là một phụ nữ có quan hệ tình dục với người nước ngoài vào tháng 12/1990 và bùng phát vào năm 1993 đến nay đã được hơn 20 năm, cho thấy, số người bị nhiễm HIV mới do lây qua đường máu và quan hệ tình dục đã giảm đáng kể, ước tính ngăn ngừa được 16.187 ca nhiễm mới. Đồng thời, đã ngăn ngừa được hơn 10.000 ca tử vong do AIDS.
Có được điều này là nhờ vào thành công của quá trình đưa các chương trình HIV quy mô, kết hợp trong nhiều năm qua như đẩy mạnh mô hình giáo dục đồng đẳng tiếp cận những nhóm nguy cơ cao là người nghiện chích, gái mại dâm giúp họ có kiến thức, phân phát miễn phí bao cao su và bơm kim tiêm... Đặc biệt là sự xuất hiện của các loại thuốc mới để giảm nguy cơ nhiễm HIV và số bệnh nhân chết vì AIDS.
Trong đó, năm 1995 có một loại thuốc điều trị AIDS được gọi là liệu pháp kháng retrovirus đã kéo dài được sự sống của rất nhiều người. Và mới đây nhất chính là sự phát minh ra thuốc kháng vi rút HIV với tên gọi ARV.
Hiện tại, nếu một người mới nhiễm HIV ở độ tuổi 25 điều trị bằng ARV mà tuân thủ các phương pháp điều trị tốt, họ có thể sống thêm 50 năm nữa. Dó đó, HIV/AIDS đang chuyển đổi dần từ “một bệnh tử hình” sang một bệnh mãn tính có thể kiểm soát được như tiểu đường, tim mạch…
Như vậy, đến thời điểm này, chúng ta đã có cơ sở khoa học để tự tin khẳng định sẽ kết thúc đại dịch này, sớm nhất là 10 năm nữa, muộn nhất có thể lên đến 20 năm.
- Vậy ông có thể cho biết các điều kiện để tuyên bố một nước đã kết thúc được dịch này?
Muốn chấm dứt đại dịch này, điều kiện đầu tiên là phải có tổng nguồn tiền đầu tư tăng mạnh. Trong đó, thuốc ARV cho điều trị và dự phòng là một vũ khí mạnh mẽ để hướng đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS.
Tiếp theo chúng ta phải làm đúng đường, không được mắc những sai lầm. Hiện Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM đang tiến hành soạn thảo những giải pháp và quy định cho việc này và sẽ trình UBND TP.HCM trong thời gian sớm nhất.
- Tuy nhiên, mới đây, nhiều tổ chức hỗ trợ trên thế giới như Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) tuyên bố sẽ rút lui dần nguồn hỗ trợ thuốc ARV vào Việt Nam. Theo ông, yêu cầu kết thúc đại dịch trong vòng từ 10 – 20 năm có khả thi?
Đúng là Việt Nam đang bị cắt giảm nguồn viện trợ điều trị HIV/AIDS từ các tổ chức thế giới do các nước đang bị khủng hoảng kinh tế và Việt Nam đã vượt ngưỡng nước nghèo.
Trong khi từ trước đến nay, có đến hơn 95% nguồn thuốc ARV dùng để điều trị cho người bị bệnh được nhận miễn phí từ những tổ chức này.
Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang tìm một biện pháp khác cũng hiệu quả như vậy nhưng ít tốn kém hơn. Trước hết sẽ bàn bạc với Công ty liên doanh Stada để cung cấp thuốc điều trị cho các bệnh nhân với mức giá gần bằng PEPFAR. Ngoài ra, những công ty dược khác sản xuất thuốc trên thế giới đều có mặt ở Việt Nam và cũng sẵn sàng đưa thuốc với mức giá hợp lý.
Song, bài toán đặt ra là phải làm sao quản lý được chất lượng thuốc tốt và giá thành ổn định, người dân chấp hành. Do đó, Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM đang soạn quy định, trong đó nhắm đến 4 đối tượng: Bác sĩ phải được huấn luyện và có giấy chứng nhận mới được kê đơn; các nhà thuốc muốn bán thuốc này phải đăng ký và chỉ được quyền bán thuốc theo toa của những bác sĩ nằm trong danh sách của Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM cung cấp; công ty dược sẽ đăng ký tham gia để được cung ứng thuốc; cuối cùng, bệnh nhân phải chứng minh đầy đủ năng lực tài chính của mình.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đưa những đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS vào danh sách được hưởng bảo hiểm xã hội để giảm bớt chi phí. Đồng thời, Nhà nước phải tăng cường ngân sách từ 30%/năm trước đây lên ít nhất 50% so với thời điểm hiện tại…
- Có thời gian, nhiều nước trên thế giới tuyên bố sẽ khống chế được dịch lao nhưng thời gian sau lại bị bùng phát trở lại do khuẩn lao kháng thuốc. Theo ông, liệu việc kết thúc đại dịch HIV/AIDS có lặp lại sai lầm như đối với bệnh lao hay không?
Có thể nói, dịch lao là trường tồn và không thể chấm dứt được do nhiều lý do, nhất là nguyên nhân khuẩn lao kháng thuốc. Trước đây, tỉ lệ kháng thuốc không nhiều nhưng hiện nay, tình hình kháng thuốc ngày một tăng và trở thành vấn đề sống còn. Việc tăng các chủng kháng thuốc đã trở thành mối đe dọa lớn đối với khả năng chữa khỏi bệnh lao.
Riêng, đối với bệnh nhân mắc HIV/AIDS, WHO cũng đã cảnh báo hiện tượng virus kháng thuốc ARV do đột biến gen tự nhiên. Nhưng đa số trường hợp là do các nguyên nhân có thể phòng tránh được như gián đoạn trong điều trị hoặc sử dụng thuốc không đúng liều.
Vì vậy, để loại trừ các nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự kháng thuốc của vi rút, các loại ARV cần được sản xuất với tiêu chí dễ sử dụng, nguồn cung cấp thuốc ổn định và tin cậy.
Đồng thời, theo dõi người bệnh chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp virus kháng thuốc. Những điều này sẽ nằm trong quy định sắp tới mà chúng tôi đang nghiên cứu.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không được lơ là với đại dịch này mà cần có sự phối hợp tích cực từ việc phòng ngừa đến điều trị mới có thể kết thúc đại dịch.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Infonet