Miến nào an toàn?
Chị Dương Thị Nhâm, ở ngõ 173 phố Hoàng Hoa Thám cho biết, lâu nay nhà chị vẫn ăn miến có màu vàng vì được chị bán hàng quen tư vấn: Miến màu vàng là miến "thô", chưa bị tẩy trắng; miến thô về hình thức trông xấu nhưng an toàn.
Ấy thế nhưng hôm vừa rồi nhà chồng có giỗ, do thiếu miến nên chị chạy ra quầy tạp hóa gần nhà ông anh chồng (ở đường Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội) mua miến, chị bán hàng ở đây lại bảo: Miến màu trắng mới là miến ngon và an toàn, còn miến vàng là miến đã bị "nhuộm màu". Chị bán hàng còn quả quyết: "Không tin cứ mua về ăn thử".
Đành mua miến màu trắng theo lời chị bán hàng (vì cửa hàng này cũng chỉ có duy nhất loại miến này), nhưng chị Nhâm mang băn khoăn trên chia sẻ với PV và kết luận: "Chả biết đâu mà lần!".
Người tiêu dùng luôn mong muốn chọn được loại miến an toàn cho gia đình. |
Tẩy không đáng ngại bằng nhuộm
Đây là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội khi phóng viên hỏi về các loại miến trên thị trường, miến nào là an toàn...
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, người dân không nên hoang mang trước tin đồn miến được tẩy trắng bởi vì việc tẩy trắng là có cơ sở khoa học. Vấn đề là khi tẩy, người sản xuất phải dùng nước rửa hóa chất dư nhiều lần.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh giải thích: Giống như khi rửa tay xà phòng, không ai để tay đầy xà phòng rồi bốc thức ăn mà người ta thường rửa hết xà phòng rồi mới ăn. Chất dùng để tẩy miến thường là sunfit natri, sunfit kali, hoặc nước mà thu được khi đốt lưu huỳnh (dùng SO2 sục vào nước).
Ở nông thôn, trong quá trình làm miến, người ta thường dùng tinh thể sunfit natri (trông như đường, muối) - là chất khử mạnh để làm sạch chất màu. Sở dĩ phải tẩy vì miến thường làm từ củ dong riềng. Trong quá trình sản xuất, do xay lẫn cả vỏ và củ, vỏ củ dính lại nên sản phẩm không trắng...
Nếu rửa sạch nhiều lần bằng nước sau khi dùng chất tẩy thì ăn miến đó vẫn an toàn. Đáng ngại là một số địa phương dùng chất màu vàng cho vào bột để "đẹp" miến trong khi chất màu hiện nay không kiểm soát được. Thực ra, miến không nhất thiết phải tẩy trắng và cũng không cần phải nhuộm màu. Nếu người sản xuất nghĩ được như vậy, cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thì người tiêu dùng được nhờ.
PGS.TS Trần Đình Toán, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, bây giờ miến không làm hoàn toàn tự bột dong mà người ta phối trộn nhiều loại củ khác như khoai tây, khoai lang. Vì thế, màu sắc của miến sẽ không đồng nhất (tùy thuộc vào sự phối trộn trong quy trình sản xuất). Để chọn được miến an toàn rất khó bởi người dân bằng mắt thường không thể biết miến nào an toàn.
PGS.TS Trần Đình Toán cho rằng, nên chăng mặt hàng này cũng như nhiều mặt hàng thực phẩm khác phải có tiêu chuẩn sản xuất theo từng lô, đồng thời các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra giám sát, xử phạt nghiêm nếu phát hiện vi phạm - có như thế thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mới được đảm bảo. Không nên để chất lượng sản phẩm mập mờ như hiện nay, và người mua thì bán tín bán nghi chỉ biết theo lời người bán.
Theo Kienthuc