Đầu xuân, Thần Tài gõ cửa!

Thứ bảy, 16/02/2013, 16:49
Ông là người rất đỗi bình thường, kiếm cơm bằng cái nghề mà người nghèo khó, ít vốn liếng thường chọn, nhưng với ý tưởng độc đáo của mình, bỗng chốc ông trở nên nổi danh, cũng vì thế mà tiền kiếm được nhiều hơn đồng nghiệp gấp bộn.

Có lẽ nhiều người Sài Gòn từ lâu đã quen với hình ảnh một ông “Thần Tài”  với râu ria, hia mão, quần áo chỉnh tề… y chang như trên sân khấu, phim ảnh đi bán vé số dạo. Đến đâu ông cũng thu hút ánh nhìn của người tò mò, họ tỏ ra thích thú và mua vé số của ông với hy vọng hưởng… vía Thần Tài, biết đâu chiều nay trúng độc đắc! Không chỉ bán tại TP.HCM, “Thần Tài” còn ngao du xuyên Việt khắp các tỉnh, thành miền Trung và ĐBSCL để bán vé số, đi đến đâu người ta đều… ngoái nhìn, vây quanh.

t

Bán vé số ở đâu, "Thần Tài" cũng được người dân ủng hộ

Ông là Trương Minh Tấn (60 tuổi), người Sài Gòn gốc, đã có thâm niên gần 25 năm bán vé số. Dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh, khuôn mặt luôn toát lên vẻ vui tươi, hóm hỉnh, vậy nhưng cuộc đời dâu bể của “Thần Tài”  cũng lắm gian truân.

Sau 1975, ông  bôn ba lên tận vùng sâu xa của tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước) sống bằng nghề dạy học. Không  quen thủy thổ, cuộc sống lại thiếu thốn nên bệnh tật triền miên, nhất là sốt rét rừng hành hạ. Chịu không thấu ông đành từ giã bục giảng, cùng gia đình quay về Sài Gòn kiếm kế sinh nhai.

Không vốn liếng, nghề ngỗng, như bao người nghèo khó khác, ông Tấn chọn  bán vé số để đắp đổi qua ngày. Thế nhưng nghề này cũng không dễ dàng gì, bởi đồng nghiệp đông kín, giăng khắp hang cùng ngõ hẻm, cạnh tranh khốc liệt, muốn chen chân quả thật gian nan! “Thần Tài” bộc bạch: “Tui suy nghĩ, trằn trọc nhiều đêm, làm sao có thể bán được nhiều vé số mà không phải năn nỉ, quỵ lụy người mua, có cách nào để họ móc tiền ra mua một cách vui vẻ và tôn trọng mình”.  Ông đặt vị thế của mình vào người mua vé số, tâm lý ai cũng muốn Thần Tài gõ cửa nhà mình, để mau chóng phát tài, đổi đời trong chốc lát!

 

"Thần Tài" Tấn bán vé số ở chợ Bến Thành

Ý nghĩ lóe lên trong đầu ông : “Mặc bộ y phục của Thần Tài đi bán vé số”. Nghĩ là làm, ông cất công tìm hiểu cặn kẽ từ quần áo, hia, mũ, râu tóc cũng như cách hóa trang sao cho thiệt giống với chân dung Thần Tài mà người dân tôn kính, rồi ra tiệm đặt may. Ông còn tìm hiểu qua các tác phẩm sân khấu để học lối đi đứng, cười nói, cách vuốt râu… sao cho giống với Thần Tài.

Những ngày đầu đi bán, ông chịu không ít khổ sở, bởi lẽ quần áo tầng tầng lớp lớp nóng nực, lại trang điểm, râu ria rất khó chịu. Đã vậy nhiều người còn tưởng ông có vấn đề về thần kinh, trẻ con bu quanh trêu ghẹo. Nhưng đa phần khi hiểu ra sự việc họ tỏ ra thích thú với ý tưởng độc đáo của ông, sẵn sàng mua vé số ủng hộ, ông bán nhiều gấp đôi bình thường.

Các... fan của "Thần Tài" xin chụp hình kỷ niệm

Mới đó mà đã gần 25 năm theo nghề, giờ đây hình ảnh ông “Thần Tài” mang niềm hy vọng đổi đời đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân. Phong thái Thần Tài cũng đã nhiễm vào máu ông, ở nhà mặc quần áo bình thường nhưng nhiều lúc ông vẫn có những cử chỉ đá hia, vuốt râu… tưởng  tượng.

Trừ những lúc ốm đau, sớm nào ông cũng mặc bộ y phục Thần Tài đi bán vé số, không phải nài nỉ nhiều nhưng người mua vẫn đông. Sau khi mua vé, khách còn nhận được những câu chúc tốt đẹp từ “Thần Tài” nên ai cũng vui vẻ trong lòng. Ông kết thúc một ngày làm việc vào đầu giờ buổi chiều và bán trên dưới 300 tờ (nhiều gấp đôi người bán vé số dạo bình thường). Bận rộn nhất đối với “Thần Tài” là những ngày Tết, ông đi bán từ sáng sớm đến khuya, vừa thấy “Thần Tài” là nhiều người đã vời đến mua để mong tài lộc phát đầu năm.

Tuy cuộc sống không mấy dư dả, nhưng “Thần Tài” có tấm lòng luôn hướng thiện, dễ xúc động, đã không ít lần ông chia sẻ những đồng tiền ít ỏi trong túi mình, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh  gặp trên đường rong ruổi kiếm sống. Nhiều người mua số của ông trúng giải, họ tìm đến tặng tiền cám ơn, có lộc, ông lại trích một phần để giúp những người nghèo khó hơn mình. Ông tự nhủ, làm việc thiện, giúp người trong cơn hoạn nạn là cách tích đức, trời cao sẽ soi xét cho mình được mạnh khỏe, làm ăn phát tài!

Năm qua với nhiều khó khăn, đầu xuân mới ai cũng mong phát tài!

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái như mấy năm vừa qua, có lẽ đầu xuân mới mỗi cá nhân, gia đình, doanh nghiệp không mong mỏi gì hơn là làm ăn phát đạt, được Thần Tài gõ cửa! Thần Tài là quan niệm tâm linh, nét văn hóa đẹp, thờ phượng ngài để mong mua may bán đắt, cuộc sống tươi vui.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là dù khó khăn bao nhiêu, cạnh tranh khốc liệt đến mấy, nhưng nếu chúng ta có ý tưởng sản xuất kinh doanh độc đáo, sáng tạo với chữ tín và lòng trung thực, hướng thiện làm gốc, như ông “Thần Tài” Trương Minh Tấn thì xuân mới này, Thần Tài sẽ gõ cửa nơi nơi!

Theo CATP

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích