Lạnh lùng tờ giấy cam đoan “xin mổ”

Chủ nhật, 24/02/2013, 13:36
20h25 ngày 29/1/2013, nữ sinh viên NTTT đã trút hơi thở cuối cùng. Em bị tai nạn giao thông, được cấp cứu vào bệnh viện V trước đó 5 tiếng đồng hồ. Bác sĩ xác định là chấn thương sọ não cần phải mổ. Nhưng do chỉ có bạn mà không có người nhà đến kịp để ký vào “giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức”, nên đã quá muộn.

Nhìn mẹ em giàn giụa nước mắt kể lại, chúng tôi thêm quyết tâm đi tìm hiểu về cái tờ giấy cam đoan chấp nhận... kia.

Chưa ký không phẫu thuật

“Giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức” được ra đời theo Quyết định số 4069/2001/QĐ-BYT ngày 28 tháng 9 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành mẫu hồ sơ, bệnh án.

Theo ThS.BS Trần Thế Hưng, Trung tâm mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giấy cam đoan... là một thủ tục cần có ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nó đảm bảo quyền tự quyết về thân thể của mỗi cá nhân. Chính vì thế, khi cần làm những can thiệp y tế trên cơ thể bệnh nhân như phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức, đều phải có sự đồng ý bằng văn bản của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.

Chị Nguyễn Thị Tâm ở Thượng Hiền, Thái Bình phản ánh: gia đình có anh trai là Nguyễn Văn Tuấn đang làm công nhân lái cẩu tại Hà Nội. Trong quá trình sửa máy cẩu, anh Tuấn bị một mẩu vụn sắt bắn vào cổ, mất nhiều máu và được chuyển vào khoa ngoại của Bệnh viện B, Hà Nội. Sau khi chụp, chiếu, bác sĩ kết luận trong cổ anh Tuấn có một mẩu mạt sắt bằng đầu móng tay nằm cách thanh quản 2cm, phải tiến hành mổ gấp.

Trước khi mổ, một y tá trong phòng đưa cho người đồng nghiệp của anh Tuấn một tờ giấy cam kết và yêu cầu ký vào tờ giấy này. Do người nhà không có mặt, phía công ty lái cẩu của anh Tuấn không dám đứng ra ký nên việc mổ bị trì hoãn. Khoảng 8h tối, người nhà anh Tuấn mới tới được và ký vào tờ “giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức”, các bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật lấy mẩu sắt ra.

Chị Tâm bức xúc, phản ánh lại với y tá, thì được giải thích đó là quy định của bệnh viện, bắt buộc phải đợi người đứng ra ký mới tiến hành mổ. “Bác sĩ nói thế thì mình cũng chỉ biết nghe, nhưng nếu gia đình tôi không có mặt ngày hôm đó thì chắc các bác sĩ cũng mặc kệ”. Chị Tâm đặt câu hỏi: “Trước tính mạng con người như “ngàn cân treo sợi tóc”, việc quy định phải ký giấy cam đoan... mới mổ, liệu có cần thiết?”.

cap cuu

Bắt ký Giấy cam đoan liệu có thỏa đáng trong những ca khẩn cấp?

Không tư vấn trước khi ký giấy cam đoan...

Chúng tôi đã đi hầu khắp các bệnh viện để tìm gặp các bệnh nhân trước và sau phẫu thuật, thì được biết họ hầu như không được tư vấn về việc phẫu thuật. Giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức thì chỉ có một bản do bệnh viện lưu giữ trong khi giấy khám chữa bệnh theo yêu cầu “được lập thành 2 bản, 1 bản bệnh viện và 1 bản người bệnh giữ để thực hiện”.

Anh N.V.T (Nghệ An) hiện đang điều trị tại khoa Ngoại, bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tôi bị bệnh liên quan đến mật, đã điều trị được gần một tháng nhưng không khỏi nên bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Hiện tôi đã làm thủ tục xong chỉ đợi ngày mổ. Trong các giấy tờ phải ký trước khi phẫu thuật cũng có giấy cam đoan. Tôi biết đây là thủ tục nên cũng ký”.

Trả lời câu hỏi về việc có được các bác sĩ tư vấn về các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật hay không, anh cho biết: “Nói chung là bác sĩ nói bệnh cần phải mổ thì mổ thôi, chứ tôi cũng không quan tâm lắm đến vấn đề này. Mình dân quê, bác sĩ có nói thì cũng không hiểu anh ạ”.

Bác Đ.T.P (TP Nam Định) có người nhà đang điều trị tại Viện tim mạch Việt Nam cũng cho biết: “Ông cụ nhà tôi đã ngoài 80 tuổi. Cụ bị bệnh tim cũng lâu rồi nhưng dạo này bệnh nặng ra nên các bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Trước khi mổ, các bác sĩ cho chiếu chụp rồi làm các thủ tục, cũng phải ký một cái giấy cam đoan. Nói chung là nếu có chuyện gì xảy ra thì gia đình xin chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Trả lời chúng tôi về việc ký như vậy thì có nắm được những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình phẫu thuật hay không, bác P cho hay: “Cũng không nắm được đâu anh ạ, cái đấy thì bác sĩ biết chứ tôi cũng chẳng rõ. Mình biết cũng có để làm gì đâu. Cái đấy nó là thủ tục, ở đâu mà chả thế. Mình không ký thì ai người ta mổ cho”.

Cần thiết phải có sự sòng phẳng

Bác sĩ Nguyễn Văn Luyến, khoa Tim–Mạch, bệnh viện 103, Học viện Quân y, thừa nhận tình trạng các bác sĩ gần như không tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân về những rủi ro và nguy cơ có thể có khi tiến hành và sau phẫu thuật. Ông lý giải là do bệnh viện quá tải, không bác sĩ nào có thời gian để tư vấn.

Hơn nữa, nhiều người không hiểu được những tiên liệu khoa học. Tuy nhiên, ông nói ở bệnh viện nước ngoài có bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ tư vấn cho bệnh nhân. Họ là những người có thể tốt nghiệp phổ thông và sau đó theo học những khóa đào tạo để có chuyên môn về tư vấn.

Luật sư Nguyễn Văn Tú – Giám đốc Công ty luật Fanci cho rằng: “Giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức” thực tế được coi là một hợp đồng dân sự giữa bệnh viện và bệnh nhân. Bệnh nhân thừa nhận, chấp nhận những can thiệp y tế lên cơ thể mình.

Ngược lại, bệnh viện có nghĩa vụ cử ra những người có chuyên môn để thực hiện tốt các can thiệp y tế. Đồng thời trước đó phải có trách nhiệm tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân những khả năng có thể xảy ra trong và sau can thiệp”.

Đã đến lúc bệnh viện cần thiết phải có sự tư vấn đầy đủ và giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức cũng cần được làm thành 2 bản, 1 bản được trao cho bệnh nhân giữ thì đó mới là sự sòng phẳng, đảm bảo quyền lợi cho các bệnh nhân.

Theo Khampha

Các tin cũ hơn