“Cá mập” ở bệnh viện công

Thứ tư, 09/10/2013, 11:51
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã kết luận và yêu cầu 5 cán bộ tại Bệnh viện Bình Dân phải nộp lại với tổng số tiền sai phạm lên đến hơn 3 tỉ đồng, trong đó riêng cựu Giám đốc Nguyễn Chí Hùng hơn 1,1 tỉ đồng.

Đầu năm nay, Thanh Niên đã phanh phui một số sai phạm có tính hệ thống tại Bệnh viện (BV) Bình Dân, nêu đích danh ông Nguyễn Chí Hùng, lúc đương nhiệm giám đốc BV đã cùng ê kíp qua mặt Đảng ủy và Công đoàn móc nối với các đơn vị, cá nhân bên ngoài đưa máy móc thiết bị vào kinh doanh móc túi người bệnh, chia nhau hưởng lợi.

Khi sự việc bị phát hiện, Sở Y tế vào cuộc thì ông Hùng thông báo người phụ trách trang thiết bị y tế của BV mắc bệnh tâm thần, nhằm trì hoãn việc thanh tra…

Hàng loạt thiết bị liên kết trái quy định ở Bệnh viện Bình Dân để khai thác bệnh nhân - Ảnh: Thanh Tùng

Cõng máy móc về cắn bệnh viện

5 cá nhân chia nhau hơn 3 tỉ đồng

Số tiền chia nhau cho 5 người của BV từ việc liên kết sai quy định gồm ông Nguyễn Chí Hùng hơn 1,165 tỉ đồng, BS Nguyễn Văn Vĩnh (Phó giám đốc) hơn 723 triệu đồng, BS Vũ Lê Chuyên (Phó giám đốc) hơn 415 triệu đồng, Kế toán trưởng Trần Thị Xuyến hơn 531 triệu đồng và BS Hoàng Vĩnh Chúc (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp) hơn 254 triệu đồng. Thanh tra đã yêu cầu BV Bình Dân phải thu hồi lại toàn bộ số tiền này, tổng cộng hơn 3 tỉ đồng.

Theo kết luận thanh tra được Sở Y tế TP.HCM công bố chiều 7.10, vào thời điểm ông Nguyễn Chí Hùng làm giám đốc, nhóm lợi ích của ông tại BV Bình Dân đã tự tung tự tác, để lại hàng loạt những sai phạm.

Cụ thể, liên doanh liên kết đặt máy CT scanner với Công ty TNHH Việt Nhật, đặt hệ thống kỹ thuật số máy X-quang và đặt máy siêu âm với Phòng khám đa khoa Lạc Việt không có đề án và chủ trương phê duyệt của Sở Y tế; hợp đồng đặt máy siêu âm trắng đen năm 2012, máy siêu âm màu năm 2008 nhưng hoàn toàn không có biên bản họp đồng ý của Ban giám đốc, Đảng ủy và Công đoàn BV; liên kết đặt máy tán sỏi năm 2008 và năm 2012 với Công ty TNHH Huynh Đệ Phương Đông không có đề án; sai quy định khi liên doanh liên kết với doanh nghiệp mở nhà thuốc trong BV, đồng thời trong hợp đồng không tính đến lợi thế thương mại của BV khi góp vốn liên kết nhà thuốc...

Việc liên kết đặt máy siêu âm màu (KTC), tỷ lệ ăn chia lúc chưa hoàn vốn thì đối tác (bên ngoài) hưởng 70% trên tổng số tiền thu được từ hoạt động máy, phía BV hưởng 30%; sau khi hoàn vốn thay đổi tỷ lệ ăn chia - đối tác 60%, BV 40%. Trên thực tế, chỉ trong năm 2009 phía đối tác bên ngoài đã thu hồi đủ vốn, nhưng BV vẫn chấp nhận ăn chia theo tỷ lệ cũ, gây thiệt hại cho BV số tiền ước tính hơn 497 triệu đồng.

Việc đặt máy siêu âm trắng đen thời hạn 5 năm, từ 2006 đến 2011, cũng ăn chia theo tỷ lệ 70% và 30% như vậy, nhưng thực tế BV vẫn không thực hiện đúng, tự làm thiệt hại cho mình hơn 135,6 triệu đồng.

Tương tự, liên kết đặt máy X-quang kỹ thuật số gây thiệt hại cho BV hơn 149,5 triệu đồng; liên kết mở nhà thuốc trong 4 năm thất thu gần 1,9 tỉ đồng. Ngoài ra còn hàng loạt thiết bị khác như máy tán sỏi, máy CT... có giá trị hàng tỉ đồng/máy cũng được đưa vào BV kinh doanh ăn chia theo phương thức như vậy.

Đặc biệt, có trường hợp máy CT scanner liên kết 5 năm (2006 - 2011), giá trị máy 4,5 tỉ đồng. Tỷ lệ ăn chia đối tác bên ngoài hưởng 80%, BV 20%, chỉ 3 năm đã thu hồi đủ vốn nhưng đến cuối năm 2011 ông Hùng vẫn tiếp tục cho ký hợp đồng liên kết sử dụng máy cũ này thêm 2 năm nữa và vẫn để cho phía đối tác hưởng 80%!

Tăng cường “chụp chiếu” để lấy tiền

Như Thanh Niên phản ánh trước đây, sau khi liên kết đưa máy móc thiết bị hàng loạt vào BV, ê kíp của ông Nguyễn Chí Hùng cũng đồng thời tìm đủ mọi cách khai thác bệnh nhân sử dụng máy móc để thu tiền. Nhiều bác sĩ (BS) được khuyến khích tăng cường chỉ định chụp chiếu bằng cách chi tiền trên từng ca chụp, thậm chí chi tiền cả cho người đọc kết quả chụp. Thực tế này cũng đã được thanh tra làm rõ.

Kết quả thanh tra còn cho thấy, vì khuyến khích như thế nên cả BS không làm ở khâu khám bệnh cũng chỉ định cho người bệnh chụp nhằm hưởng tiền. Như trường hợp BS Đặng Đình Hoan (Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh) không phải là BS khám bệnh nhưng lại ra chỉ định chụp và lãnh tiền chỉ định, lãnh cả tiền đọc kết quả...

Không dừng lại ở đó, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ hàng loạt những sai phạm khác trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế từ năm 2009 - 2011, như không thành lập các tổ đấu thầu; không thực hiện duyệt dự toán gói thầu, không lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu; không có báo cáo thẩm định kết quả đấu thầu... tạo lợi thế cho một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng dẫn đến giá trúng thầu cao hơn giá kế hoạch, thậm chí có máy mua về không sử dụng.

Ở một khía cạnh khác, thanh tra còn phát hiện có 6 BS, dược sĩ chưa đủ tiêu chuẩn ký hợp đồng nhưng vẫn được ký.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích