Nghề nào cũng có người tốt kẻ xấu
* Tuổi Trẻ: Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc và nên xử lý trách nhiệm cơ quan đó ra sao?
"Chúng tôi luôn nghiêm khắc nhất có thể đối với những người thiếu trách nhiệm, y đức yếu kém..." |
- Để một thẩm mỹ viện hoạt động khi chưa có giấy phép hành nghề là lỗi của ngành, là công tác quản lý hành nghề, thanh tra chưa tốt. Nói không biết nhân viên dưới quyền có thẩm mỹ viện ngay đối diện bệnh viện là không hợp lý.
Việc một thẩm mỹ viện hoạt động không đúng chức năng trong nửa năm là trách nhiệm trực tiếp của Sở Y tế Hà Nội, cụ thể là thanh tra Sở Y tế, Phòng quản lý hành nghề và Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh: Việt Dũng |
Nửa năm, trên một con phố nhiều phòng khám tư nhân mà họ không phát hiện một cơ sở y tế hoạt động trái phép thì khó có thể có lý do nào bao biện được. Do không có thẩm quyền trực tiếp xử lý, Bộ Y Tế đã đề nghị và UBND TP Hà Nội vào cuộc và sẽ xử lý nghiêm tất cả cá nhân và tập thể có liên quan.
* Thanh Niên: Bộ Y tế có trách nhiệm gì trong vụ việc này?
- Trước tiên là lỗi quản lý của ngành. Trong mấy ngày qua nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu, tôi rất đồng tình với phát biểu của đại biểu Phạm Trường Dân, phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho rằng “để xảy ra vụ việc mất nhân tính này chứng tỏ Sở Y tế Hà Nội không làm hết trách nhiệm,
Sở Y tế Hà Nội phải nhận khuyết điểm chứ không phải cứ nói rằng không cấp phép là xong. Nếu không cấp phép thì trong lĩnh vực quản lý của mình, Sở phải đi kiểm tra bởi Sở có đầy đủ các phòng ban theo từng lĩnh vực và có cả lực lượng thanh tra y tế”.
Nói như vậy không có nghĩa Bộ Y tế đứng ngoài cuộc. Trước mắt, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để giải quyết vụ việc một cách nghiêm minh theo đúng pháp luật hiện hành. Song song, Bộ Y tế sẽ có cuộc họp với Sở Y tế Hà Nội để thanh tra, kiểm tra và rà soát toàn bộ hoạt động của thẩm mỹ viện cũng như hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên để hoạt động hiệu quả, chúng tôi cần sự chung tay của toàn xã hội, phối hợp chặt chẽ của cơ quan truyền thông, của chính quyền địa phương và nhất là của người dân. Nhân đây tôi cũng đề nghị người dân hãy cẩn thận khi lựa chọn dịch vụ y tế.
* Người Lao Động: Bộ Y tế đã và sẽ có những động thái nào để giáo dục y đức, quản lý cán bộ nhân viên hành nghề tư nhân sau vụ việc này?
- Vấn đề đạo đức không chỉ có ở ngành y. Giáo dục đạo đức nói chung (hay y đức nói riêng) bắt đầu ngay từ khi chúng ta được sinh thành. Đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp hay y đức có những giao thoa nhất định và nghề nào cũng có người tốt kẻ xấu.
Vẫn còn rất nhiều thầy thuốc tận tâm với nghề, ngày đêm cứu sống bệnh nhân dù cuộc sống cá nhân của họ còn nhiều vất vả và thiếu thốn. Tất nhiên, y đức vẫn là vấn đề quan trọng và chúng tôi tiếp tục gia tăng các hoạt động giáo dục, kêu gọi và tiếp tục áp dụng những kỷ luật nghiêm khắc hơn không chỉ với các em sinh viên ngành y mà còn với các bác sĩ chuyên khoa, các y tá, hộ lý... Chúng tôi cũng mong muốn xã hội giúp chúng tôi thực hiện trọn vẹn công việc này.
* TS NGUYỄN HUY THỌ (nguyên chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình và hàm mặt, Bệnh viện 108): Xin phép cho tôi được khám bệnh Theo quan điểm của tôi, y đức là tâm huyết với nghề nghiệp và bệnh nhân. Ở nước ngoài, mỗi khi khám cho bệnh nhân họ rất cẩn thận, họ xin phép “cho tôi được khám bệnh”. Với bệnh nhân là trẻ em, bệnh viện và phòng khám đều có phòng chơi cho các cháu. Đó cũng là thể hiện y đức. Trong quá trình giao tiếp cũng phải thể hiện đạo đức của mình. Bên cạnh đó là quan hệ với đồng nghiệp, có một tính cách dở của người Việt là không ai phục ai, nghề y kỵ nhất chuyện đó. Thầy thuốc phải đoàn kết, thông cảm, có gì chưa thông thì trao đổi, khiêm tốn là điều rất quan trọng... Thời gian qua, trình độ chăm sóc sức khỏe ở VN đã tiến kịp nhiều nước trong khu vực. Ở lĩnh vực thẩm mỹ nói riêng, nhiều chị em đã được hỗ trợ để tự tin hơn, đẹp hơn. Tuy nhiên, khi phát triển “nóng” quá sẽ nảy sinh nhiều chuyện mà quá tải bệnh viện là một vấn đề. Tôi từng ngồi phòng khám, nếu trong 8 giờ khám bệnh có 20 bệnh nhân thì đủ sức làm việc đúng quy trình, nhưng phòng khám 100 bệnh nhân thì sức nào chịu nổi. Thời gian khám một bệnh nhân chỉ 5-7 phút nên không thể chỉn chu, tâm huyết nhiều vì thần kinh tiếp xúc chưa kịp phục hồi để có thể vui cười, xã giao với bệnh nhân. Về chuyên môn thì với thời gian ấy cũng không đủ để nhận định thêm, nếu nói đảm bảo chính xác 100% các biểu hiện bệnh đã được chẩn đoán thì 5-7 phút chưa thể chẩn đoán hết. Vì thế, có thể nhiều người bỏ qua một số quy trình chuyên môn, mà bỏ qua thì dễ gặp biến chứng trong chăm sóc, điều trị. Nâng cao y đức là câu hỏi cho cả ngành y tế. Tôi biết ngành y tế đang có những nỗ lực với vấn đề này. Ở vị trí một bác sĩ đã làm việc 37 năm trong quân đội, tôi thấy biểu hiện y đức vẫn rất rõ trong môi trường quân đội, như giờ giấc của chúng tôi là đảm bảo, 8 giờ làm việc là 8 giờ, mà 10 giờ là 10 giờ, đặc biệt không có vi phạm. * GS.TS ĐỖ KIM SƠN (nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức): Thầy thuốc phải học suốt đời Nghề y là một nghề vất vả, vì vậy thầy thuốc phải học suốt đời, phải giỏi đến mức độ trở thành tinh thông, có trách nhiệm cao. Giờ đây có nhiều anh em trẻ rất giỏi nghề, học giỏi ngoại ngữ hơn thế hệ chúng tôi. Nhưng cũng có những anh em có cách làm, cách nghĩ không đúng mực. Có nhiều người nói về chuyện y đức xuống cấp, đúng là có những biểu hiện đó. * Viện sĩ - tiến sĩ NGUYỄN DUY CƯƠNG (nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch Hội Dược học VN, tổng biên tập tạp chí Thuốc & Sức Khỏe): Những đời bộ trưởng trước rất nghiêm khắc Ngành y tế vài năm trở lại đây có sa sút, lãnh đạo không chặt chẽ. Tôi phục vụ ngành y từ thời Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên, đến bây giờ đã qua 7-8 đời Bộ trưởng. Tôi thấy 4-5 đời Bộ trưởng đầu tiên hết sức nghiêm khắc và rất chú trọng vấn đề y đức của đội ngũ. Về sau này tôi thấy vấn đề y đức bị xem thường, ít được nhắc nhở. Chưa kể khi xảy ra những việc không hay trong ngành thì không có quyết định đúng đắn, quyết liệt để giải quyết, răn đe và chỉ rõ ngành y là ngành chăm lo sức khỏe của dân, ai xâm phạm sức khỏe của dân phải có thái độ xử lý nghiêm khắc. Tôi hơi buồn vì có sự sa sút y đức trong đội ngũ những năm gần đây. Nhìn sang một số vụ việc sai phạm khác trong ngành y tế gần đây cho thấy cán bộ quản lý về y tế cũng sa sút y đức. Nhưng nhìn khách quan, không chỉ ngành y tế khiếm khuyết mà nhiều cán bộ bây giờ có phần sa sút phẩm chất. Chấn chỉnh, nâng cao y đức cho đội ngũ thầy thuốc khó lắm, nhưng nếu dám nhìn thẳng vào vấn đề và quyết tâm sẽ làm được. Việc chấn chỉnh bắt đầu từ từng đơn vị y tế, từ chương trình đào tạo bác sĩ y khoa và mỗi cán bộ y tế phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện y đức. Giám đốc các bệnh viện phải quan tâm về vấn đề y đức của đội ngũ, phải nghiêm khắc, thường xuyên kiểm tra và lãnh đạo cũng phải luôn gương mẫu. Khi thấy cán bộ của mình sai, phải nghiêm khắc xử lý, chấn chỉnh. * Bác sĩ TRƯƠNG XUÂN LIỄU (nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM): Phải rèn luyện từ nhỏ Phải đặt vấn đề y đức của thầy thuốc trong bối cảnh đạo đức xã hội nói chung để nhìn nhận và chia sẻ. Nhìn chung đạo đức xã hội của tất cả các ngành đang là vấn đề xã hội quan tâm, nhưng với ngành y đặc biệt phải chú ý hơn vì người bệnh đã giao phó tính mạng của mình cho thầy thuốc. Giáo sư - bác sĩ Ngô Gia Hy lúc sinh thời từng nói “muốn làm giàu thì đừng chọn ngành y”. Từ thời Hippocrates, Hải Thượng Lãn Ông đều nhắn nhủ về vấn đề y đức. Rõ ràng các vị tiền bối đều thấy y đức phải được coi trọng nên luôn khuyên người bác sĩ ngoài tay nghề còn phải chú ý rèn luyện y đức. Không thể chỉ có mấy năm học tập trong trường y khoa là hình thành được nhân cách tốt của một thầy thuốc. Giáo dục con người không phải chỉ một khoảng thời gian ngắn, mà cần phải có nền tảng giáo dục từ khi còn nhỏ ở gia đình đến nhà trường và từ xã hội đi lên. Ngành y cũng phải chọn những người có tâm, biết thương người, muốn cứu người, chứ đừng lấy đồng tiền làm mục tiêu để chọn nghề y. Thứ hai là phải chọn người có trình độ giỏi và trong quá trình học ở trường y ngoài đào tạo chuyên môn còn phải đào tạo cả nhân cách. Thầy cũng phải là tấm gương trong sáng về y đức để sinh viên làm theo. Thầy làm sai, sinh viên làm sai theo. Do đó vấn đề đào tạo nhân lực y tế rất quan trọng. Nếu chỉ giảng lý thuyết không cũng chưa đủ mà phải lăn lộn trong thực tế, tiếp xúc với bệnh nhân ở bệnh viện thì đầu ra mới có những bác sĩ tử tế, giỏi tay nghề và có tấm lòng với bệnh nhân. Làm ngành y mà không có tấm lòng là không được. Khi ra trường, người bác sĩ vẫn phải tiếp tục rèn luyện y nghiệp để giỏi chuyên môn và giữ gìn y đức mới phục vụ tốt người bệnh. Nếu có y đức mà chuyên môn dở cũng gây tai biến, còn chuyên môn giỏi nhưng không có đạo đức tốt thì cũng bỏ đi. Nghề nào cũng phải rèn luyện nhưng nghề y càng phải rèn luyện và phải được rèn luyện từ nhỏ. |