Xấu hổ vì cảnh người Việt chen ăn buffet miễn phí

Thứ hai, 28/10/2013, 13:58
Sau khi Đất Việt đăng tải bài viết "Chen lấn, xô đẩy để được ăn buffet miễn phí" tại một cửa hàng sushi mới khai trương trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội), độc giả đã vô cùng bức xúc trước những hành động được coi là đáng xấu hổ. 

Kinh tế suy thoái, miếng ăn cao hơn nhân phẩm con người

Trong hàng trăm ý kiến phản hồi của độc giả, thì 100% ý kiến đồng tình với nhận định hành động chen lấn, xô đẩy nhau để được ăn miễn phí chính là minh chứng cho lòng tự trọng và nhân phẩm thua 1 phần buffet.
Độc giả Thanh Tuấn bức xúc: "Đạo đức của xã hội ngày càng xuống cấp, lòng tự trọng, nhân phẩm, tự ti không còn nữa, kinh tế suy thoái và trở nên khó khăn với người dân cho nên miếng ăn giờ nó cao hơn nhân phẩm con người".
Cảnh chen chúc trong nhà hàng

Chung một quan điểm bạn Minh Hưng bình luận: "Chẳng lẽ Bộ giáo dục quên dạy người dân ta nói chung và nhất là người dân Hà Nội nói riêng cách sống văn minh trong khi Hà Nội đang trên đường xây dựng mẫu hình thủ đô thanh lịch.

Đi đâu cũng thấy làm ăn chộp giựt, xếp hàng thì tranh giành xô đẩy, con người sống thì bon chen chèn ép lẫn nhau. Tôi nói thật, ý thức dân ta còn thua một em bé mẫu giáo bên Nhật".

Rất nhiều ý kiến đồng tình với việc đây là minh chứng cho sự suy thoái kinh tế, bạn Ba Toa đưa ra ý kiến: "Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, ta giờ thấy nhiều người thiếu ý thức".
Trong khi đó, bạn Phạm Văn Thành đưa ra chính kiến: "Không hiều nổi mang tiếng là dân thủ đô nghìn năm văn hiến, để đánh đổi một suất ăn miễn phí, mà phải bỏ thời gian vài tiếng đồng hồ chờ đợi và chen lấn. Gây cản trở giao thông làm xấu hình ảnh Quốc gia, sao không cân nhắc và quan tâm đến để cả nước học tập làm theo".
Đáng buồn khi toàn thanh niên xếp hàng
Không chỉ có vậy, điều đáng thất vọng và xấu hổ đó chính là việc những người xếp hàng ăn miễn phí toàn thanh niên, người trẻ tuổi, bạn An Thái bức xúc: "Miếng ăn là miếng nhục, ai có tiền thì thôi đi, để nhường cho người không có tiền, ăn một lần cho biết. Trông toàn thanh niên, chắc không có việc làm, chứ ai có thời gian xếp hàng thế, xấu hổ".
Dòng người xếp hàng hơn nghìn người
Độc giả có tên Việt Nam cũng không thể hết bàng hoàng sau khi xem sự việc: "Nếu như không có chú thích tôi sẽ tưởng đây là một cuộc bạo loạn".

Điều đáng phải suy ngẫm đó là những hình ảnh đã nói lên tất cả, không còn nữa những con người "Tràng An" giờ chỉ còn lại người sống ở Hà Nội mà thôi.

Nhưng theo bạn Thu Huyền thì: "Người dân tỉnh lẻ dãi nắng dầm sương quen nên lúc nào họ cũng đội nón, nên khi ra đường là đội nón bảo hiểm thay cho nón lá, còn dân Hà Nội thì thấy đầu mình lịch sự nên cứ đầu trần mà chạy nhong ngoài phố, còn gặp đèn đỏ thì họ xem như bị mù màu mà cứ ngỡ là đèn xanh rồi cứ phăng phăng chạy vượt. Hãy chấp nhận sự thật của văn hóa thủ đô, đừng đổ lên đầu người dân các tỉnh".
Theo Báo Đất Việt

Các tin cũ hơn