TAND TP HCM đã lên lịch đưa ra xét xử vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) thuộc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Vụ án được cơ quan tố tụng đánh giá là một trong những “đại án” về tham nhũng trong thời gian qua, được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo sớm đưa ra xét xử.
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 6/11 đến 20/11 do thẩm phán Vũ Thanh Lâm làm chủ tọa.
Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: Người Lao động. |
Trong số 11 bị cáo bị đưa ra xét xử lần này, có đến 7 vị cán bộ nguyên là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, trưởng phòng cho thuê, kế toán của Công ty ALC II bị cáo buộc về các tội danh Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 4 bị cáo khác là chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp là khách hàng của Công ty ALC II.
Riêng Vũ Quốc Hảo, nguyên tổng giám đốc công ty ALC II, người cầm đầu trong vụ án này bị truy tố 3 tội danh Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 2008, Hảo nhiều lần vay của một đối tác 60 tỷ đồng đưa cho bạn làm ăn Lê Văn Phong (giám đốc công ty Anh Phương) để đầu tư vào việc xây dựng khu căn hộ Trường An (Bình Dương) và mua đất ở quận 7. Đến đầu năm 2009, đối tác nhiều lần đòi nợ nhưng không có khả năng trả nên Hảo và Phong ký nhận khoản nợ 75 tỷ đồng bao gồm cả lãi.
Để có tiền thanh toán, Hảo đã bàn với Đặng Văn Hai (cựu chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh) ký hợp đồng khống về thuê tài chính và mua bán tài sản là máy cẩu thủy lực bánh xích để rút tiền của Công ty ALCII.
Ngày 2/3/2009, Hảo chỉ đạo cấp phó Nguyễn Văn Tài đứng ra ký hợp đồng thuê tài chính còn mình trực tiếp ký hợp đồng mua bán với công ty Quang Vinh. Sau đó vị tổng giám đốc công ty ALCII duyệt chi cho công ty Quang Vinh 120 tỷ đồng. Khi tiền được giải ngân, ông này yêu cầu Hai chuyển cho đối tác của mình 75 tỷ đồng trả nợ.
Ngoài ra, Hảo còn chỉ đạo cho một phó phòng gọi điện cho Hai yêu cầu chi 950 triệu đồng tiền chi phí huy động vốn mà công ty Quang Vinh được giải ngân.
Trong một phi vụ khác, Hảo thông qua việc ký kết hợp đồng thuê tài chính với doanh nghiệp tư nhân Anh Phương tham ô 4,9 tỷ đồng của công ty ALC II. Số tiền này Hảo dùng để trả nợ cho việc đầu tư mua đất của một công ty tại Tiền Giang.
Không chỉ “bỏ túi” hàng chục tỷ đồng, người đứng đầu Công ty ALC II và các đồng phạm là dàn lãnh đạo cấp dưới được cho là "đã cố ý làm trái quy định ký 9 hợp đồng cho thuê tài chính và cung ứng tài sản khống" gây thiệt hại hơn 386 tỷ đồng của Nhà nước.
Cụ thể, trong thời gian điều hành hoạt động của Công ty ALC II từ năm 2008 đến đầu năm 2009, Hảo đã để xảy ra tình trạng nợ xấu lớn, gây khó khăn cho việc cổ phần hóa. Để giảm tỷ lệ nợ khó đòi, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, ông này cùng một số lãnh đạo công ty đã ký 9 hợp đồng khống với nhau để được giải ngân gần 622 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lại dùng chính số tiền này để thanh toán các khoản nợ xấu cho Công ty ACL II.
Ngoài việc đóng vai trò là đồng phạm tích cực giúp Hảo chiếm dụng số tiền 80 tỷ của Công ty ALC II, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh Đặng Văn Hai còn thành lập 7 công ty tư nhân, thuê người làm đại diện ký các hợp đồng cho thuê tài chính, mua bán tài sản khống để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Trong đó, Hai được cho là đã làm giả chứng từ nâng khống trị giá của bộ máy cần cầu thủy lực từ 2 triệu USD lên 5 triệu USD, sau đó bán cho Công ty ALC II với giá 93 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Hai dùng để trả nợ xấu cho các công ty con của mình tại ALC II và tiêu xài cá nhân.
Theo cơ quan công tố, tổng giá trị thiệt hại mà Hảo và các đồng phạm gây ra trong phạm vi vụ án này là hơn 530 tỷ đồng. Ngoài ra, trong nhiều hợp đồng khác được Công ty ALC II ký với nhóm các công ty của Hai, cơ quan điều tra xác định "còn hàng trăm tỷ đồng được giải ngân trái pháp luật đã được tách ra để tiếp tục thu thập tài liệu, xác minh và xử lý sau".
Liên quan đến việc để xảy ra tình trạng sai phạm tại Công ty ALCII còn có nguyên chủ tịch HĐQT Công ty ALCII và 2 người nguyên là lãnh đạo cấp trên của công ty được cho là có dấu hiệu "thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế", không thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động của ALCII trong thời gian từ năm 2007 đến đầu năm 2009. Do vụ án còn nhiều nội dung phải tách ra để điều tra xử lý tiếp nên cơ quan điều vẫn tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu để xem xét xử lý các cá nhân này theo quy định của pháp luật.
Theo Vnexpress