Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Phương Thảo - Phó trưởng khoa Nội tiết, Chuyển hóa và Di truyền, Bệnh viện Nhi trung ương về bệnh dậy thì sớm ở trẻ.
Thưa ông thời gian qua báo chí đã phản ánh rất nhiều về hiện tượng dậy thì sớm. Tuy nhiên đến nay tình trạng dậy thì sớm vẫn được dự báo gia tăng. Ông có thể cho biết nguyên nhân của hiện tượng này không?
Dậy thì sớm ở trẻ nhỏ được chẩn đoán khi trẻ có biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi ở nữ và trước 9 tuổi ở nam. Dậy thì sớm ở trẻ tồn tại ở hai nhóm là dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương.
TS Bùi Phương Thảo đang khám bệnh cho bệnh nhi dậy thì sớm |
Dậy thì sớm ngoại biên do nguồn gốc như khối u tăng tiết hormone sinh dục. Ví dụ ở nữ có u buồng trứng. Ở nam có u vỏ thượng thận, u tinh hoàn, tăng sản thượng thận bẩm sinh. Điều trị theo căn nguyên của bệnh. Điều trị phẫu thuật khối u. Còn đối với tăng sản thượng thận bẩm sinh phải dùng thuốc hormone để ức chế tăng tiết hormone môn nam.
Dậy thì sớm trung ương nguyên nhân do kích hoạt trục dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục. Bệnh gặp ở nam và nữ. Ở nam giới, khoảng 30% do u não gây ra dậy thì sớm trung ương. Nguyên nhân quan trọng thứ hai là tăng sản thượng thận bẩm sinh do phát hiện và điều trị muộn gây dậy thì sớm trung ương, chiếm 25%. Nhưng đối với trẻ em nữ, dưới 10% là do u não gây ra, trên 90 % là vô căn kể cả khi chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ não cũng không phát hiện được nguyên nhân.
Thưa TS, ngày xưa các cụ vẫn có câu "nữ thập tam, nam thập lục" nhưng ông lại nói trẻ nam dưới 9 tuổi mới coi là dậy thì sớm, nữ dưới 8 tuổi. Ở giai đoạn từ 8 - 13 tuổi đối với nữ, 10 đến 16 tuổi đối với nam có bị coi là dậy thì sớm hay không?
Quan niệm nữ thập tam, nam thập lục của các cụ ngày xưa nay không còn đúng. Nếu trẻ gái 13 tuổi, nam 14 tuổi chưa dậy thì sẽ bị coi là dậy thì muộn. Ngưỡng tuổi từ 8 đến 13 ở nữ, 9 đến 14 tuổi ở nam được xem là giai đoạn dậy thì ở trẻ. Dưới ngưỡng đó mới bị coi là dậy thì sớm. Thực tế, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận trẻ dậy thì sớm từ dưới 1 tuổi.
Quan niệm lớn nhanh, phát triển sớm bị coi là dậy thì sớm có đúng không? Biểu hiện của dậy thì sớm như thế nào thưa TS?
Biểu hiện của trẻ dậy thì sớm ở trẻ nam như dương vật phát triển, có lông nách, giọng nói ồm, mụn trứng cá... Còn ở trẻ gái tuyến vú phát triển, có lông mu, kinh nguyệt.
Kèm theo sự phát triển các đặc tính sinh dục phụ như vậy, trẻ tăng chiều cao nhanh hơn các trẻ cùng tuổi và chưa dậy thì. Để chẩn đoán dậy thì sớm cần phải làm các xét nghiệm chụp tuổi xương, các xét nghiệm sinh hóa, các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng, CT hoặc MRI não để tìm nguyên nhân.
Trẻ bị dậy thì sớm gặp phải khó khăn như thế nào trong cuộc sống? Điều trị trẻ dậy thì sớm hiện nay có khó khăn không, thưa ông?
Trẻ bị dậy thì sớm sẽ thường bị lùn khi trưởng thành. Điều trị trẻ dậy thì sớm thì phải tìm nguyên nhân trước. Điều trị dậy thì sớm trung ương do có u não của trẻ em thì phối hợp với khoa thần kinh, ngoại thần kinh hội chẩn để có thể xem xét loại bỏ khối u cho trẻ, trong trường hợp can thiệp phẫu thuật, thì sẽ dùng thuốc ức chế dậy bằng thuốc đồng vận GnRH-Dipherelin có tác dụng ức chế dậy thì.
Khi dùng thuốc này sẽ kéo dài thời gian không có kinh nguyệt ở trẻ gái, làm gia đình và bệnh nhân đỡ lo lắng các nguy cơ không mong muốn như bị xâm hại tình dục, tổn thương tâm lý.
Tác dụng về dài hạn là thuốc cải thiện chiều cao khi trưởng thành bởi vì thuốc làm dừng/chậm quá trình dậy thì, làm tăng thời gian để tăng trưởng, cải thiện chiều cao khi trưởng thành. Tuy nhiên điều trị bằng GnRH có tác dụng tốt hơn khi điều trị sớm. Điều trị muộn thì tác dụng về chiều cao giảm hơn.
Điều trị trước 6 tuổi cải thiện chiều cao 10 cm. Có nghĩa nếu không điều trị ví dụ chỉ cao 1,4 m khi trưởng thành, còn nếu điều trị chiều cao đạt được khi trưởng thành là 1,5 mét. Nếu điều trị trong thời gian 6 đến 8 tuổi thì cải thiện khi trưởng thành lên được khoảng 5-7 cm. Nếu điều trị sau 8 tuổi cải thiện chiều cao ít hơn khoảng 3 cm.
Khi nói với bệnh nhân tôi thường nói với phụ huynh như thế nên quyết định dùng thuốc hay không phụ thuộc vào gia đình đặc biệt khi xác định chẩn đoán ở trẻ lớn. Nếu gia đình và trẻ chấp nhận việc dậy thì và hài lòng về dự kiến chiều cao trưởng thành (khi dựa vào chiều cao và tuổi xương) thì chúng tôi không dùng thuốc cho bệnh nhân.
Việc sử dụng GnRH có tác dụng tăng trưởng chiều cao cho trẻ dậy thì sớm tránh nguy cơ bị lùn, vậy thuốc này có tác dụng phụ như thế nào?
Đây cũng là điều mà các bậc phụ huynh hay lo lắng. Có người sợ khi sử dụng thuốc này nó sẽ có ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng, vấn đề sinh sản cho trẻ sau này... Tuy nhiên chúng tôi đều tư vấn kỹ cho bệnh nhân. Thuốc điều trị dậy thì sớm đã dùng được 20 năm trên thế giới và chưa ghi nhận tác dụng phụ đặc biệt nào. Thuốc không ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng sau này.
Sau khi dùng thuốc từ 10 đến 60 tháng thì bệnh nhân nữ vẫn có kinh nguyệt bình thường. Nhiều gia đình lo lắng có vô sinh hay không chúng tôi cũng đưa ra bằng chứng các nhà nghiên cứu đã so sánh phụ nữ đã từng dùng thuốc này với phụ nữ bình thường( mà không dùng thuốc này) thì khả năng sinh sản của họ như nhau nên họ kết luận thuốc này không gây vô sinh.
Điều khiến các bậc phụ huynh lo lắng nhất là chế độ thức ăn cho trẻ để tránh dậy thì sớm, nhiều chuyên gia về thực phẩm cũng đưa ra khuyến cáo về thực phẩm đối với bệnh dậy thì sớm. Đặc biệt vài năm trước ở Trung Quốc đã có hiện tượng sữa làm trẻ dậy thì sớm. Vậy tiến sĩ có lời khuyên nào cho các bậc cha mẹ để phòng tránh được dậy thì sớm cho trẻ không?
Tôi không phải là chuyên gia về thực phẩm nên khó đưa ra nhận định cụ thể về tác dụng của thực phẩm với bệnh dậy thì sớm ở trẻ. Nhưng về mặt dinh dưỡng, tôi chỉ nhấn mạnh những đứa trẻ béo phì có nguy cơ bị dậy thì sớm nhiều hơn. Cách tốt nhất phòng tránh dậy thì sớm là hạn chế béo phì. Trên thế giới đã có những chất có thể có chất gây dậy thì.
Vâng xin cảm ơn ông!
Theo Infonet