Tại cuộc họp, Phó thủ tướng nêu rõ: “Thời gian phòng chống chỉ còn trong sáng 6-11 nên phải làm khẩn trương, đến 13g phải hoàn tất. Vùng ít bị bão đổ bộ càng phải lưu ý khi có bão”. Phó thủ tướng cũng nhận định mưa có thể nghiêm trọng hơn dự báo nên phải sẵn sàng phòng chống ngập lụt trong mọi tình huống.
Không cho ôtô chở người chạy trên đường
Với 55 hồ chứa thiếu an toàn từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu và 51 hồ chứa không đảm bảo an toàn ở Tây nguyên, Phó thủ tướng đề nghị các tỉnh cử cán bộ đến trực tiếp kiểm tra, có phương án xử lý sự cố. Cùng với việc kiểm soát, hướng dẫn đi lại ở các nơi ngập nước, Phó thủ tướng giao Bộ Công an toàn quyền cấm đường, không cho ôtô chở người chạy trên đường khi có gió mạnh do bão đổ bộ.
Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - Đồ họa: V.Cường |
Ông Bùi Minh Tăng, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết với tốc độ di chuyển nhanh, nếu sớm thì 15-16g, muộn thì 19-20g hôm nay (6-11) bão số 13 sẽ đổ bộ vào bờ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, tối qua (5-11) ATNĐ cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 130km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (từ 50-61 km/giờ), giật cấp 8-9. ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được 25-30km và có khả năng mạnh lên thành bão số 13.
Dự báo sáng nay (6-11), bão cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 360km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (từ 62-88 km/giờ), giật cấp 10-11. Tiếp theo bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu, đi sâu vào đất liền rồi suy yếu thành ATNĐ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ sau mạnh lên thành bão, vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-9, giật cấp 10-11. Ở các tỉnh Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ngoài ra, cơn bão Haiyan di chuyển nhanh theo hướng giữa tây và tây tây bắc với tốc độ khoảng 25km/giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Dự báo chiều và đêm 8-11, cơn bão này có khả năng đi vào biển Đông trở thành bão số 14.
Cảnh báo ngập
Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trọng tâm ảnh hưởng của bão số 13 là các tỉnh từ Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mặc dù vậy, tại cuộc họp triển khai các biện pháp ứng phó bão tại TP.HCM, ông Phan Thanh Minh - giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ - nhận định TP.HCM cũng là một trong những địa phương bị ảnh hưởng của bão.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 13, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã yêu cầu các đơn vị, sở ngành, quận huyện triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng tránh, không được chủ quan.
Đặc biệt ông Liêm yêu cầu UBND huyện Cần Giờ lên phương án di dời 2.000 người dân tại xã đảo Thạnh An và khu vực trũng thấp trên địa bàn huyện khi có yêu cầu.
Theo kế hoạch, sáng nay (6-11), ông Lê Thanh Liêm trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống ứng phó với bão số 13 cũng như công tác di dời dân trên địa bàn huyện Cần Giờ. Cũng theo ông Liêm, nếu tình hình hôm nay tại TP.HCM có mưa, dông lớn do ảnh hưởng của bão sẽ tiến hành cấm các phương tiện đường thủy hoạt động cho đến thời điểm an toàn.
Ngoài khả năng xảy ra dông gió, ông Phan Thanh Minh cảnh báo khả năng ngập tại TP.HCM khi bão gây mưa lớn cộng với thời điểm triều cường lên mức cao. Không chỉ vậy, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng ATNĐ, các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, khu vực nam Tây nguyên và miền Đông Nam bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, khu vực nam Tây nguyên và miền Đông Nam bộ ở mức báo động 1-2, các sông từ Bình Định đến Bình Thuận ở mức báo động 2-3. Riêng miền Tây Nam bộ vùng hạ nguồn sông Cửu Long, do ảnh hưởng của kỳ triều cường kết hợp với mưa, mực nước nhiều nơi sẽ lên trên báo động 3 từ 0,2-0,6m, một số nơi có khả năng cao hơn.
Theo Tuổi Trẻ