Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, một vị nguyên là cán bộ cấp cao của Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, việc oan sai xảy ra trong quá trình tố tụng không phải bây giờ mới có. Vị này cho rằng, đây là một “lỗ hổng” trong hệ thống pháp luật của chúng ta.
Việc điều tra, khởi tố, truy tố, kết án ẩu, thiếu kỹ lưỡng đã dẫn đến không ít vụ oan sai. Theo như vị này được biết, đã từng có trường hợp đi tù 17 năm rồi mới được minh oan.
Trong trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, vị này cho hay: “Hiện tại mới chỉ có kháng nghị của Viện kiểm sát tái thẩm nên cũng chưa biết thế nào. Từ tái thẩm đến hội đồng tái thẩm, hủy đi rồi đến xác minh này kia… phải khi nào có quyết định ông Chấn bị oan thì mới tính đến việc đó được”.
Ông Chấn khóc òa như một đứa trẻ trong vòng tay của dân làng. |
Ông cũng cho biết thêm, nếu có quyết định bị oan, bồi thường về vật chất cho ông Chấn được tính theo luật bồi thường của nhà nước. Còn về tinh thần, ông Chấn sẽ được nhận thêm 60 triệu đồng.
Về vụ việc, trên báo Người Lao Động đã có đoạn viết. Hơn 10 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn phải chịu án chung thân là hơn 10 năm tinh thần và thể xác ông bị giày vò với tội danh kinh khủng. Đó cũng là quãng thời gian dài đằng đẵng mà cả gia đình ông phải sống trong bần hàn, cay đắng, tủi hổ giữa làng xóm với tiếng xấu “người nhà thằng giết người”.
Hơn 10 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng lao lý cũng là hơn 10 năm hung thủ thật sự của vụ án giết người lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Rồi đây, ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ được minh oan, cởi bỏ tội lỗi khủng khiếp mà các cơ quan tố tụng với quyền lực của mình đã khoác lên mình ông. Ông cũng sẽ được đền bù thiệt hại bằng vật chất cho hơn 10 năm tù giam.
Thế nhưng, vật chất nào có thể bù đắp được những tổn hại tinh thần của hơn 3.600 ngày đi tù mà mỗi ngày đều được tính bằng “thiên thu tại ngoại”? Những giày vò, đớn đau của người hàm oan tội danh “giết người” thì vật chất nào có thể so sánh được!
Đó là chưa kể “lỗ hổng” quá lớn của pháp luật hiện nay khi cuộc đời 4 người con của ông Nguyễn Thanh Chấn rẽ sang một ngả khác, phải bỏ học giữa chừng, còn vợ ông phải vào viện tâm thần vì án oan của người cha, người chồng mà không có bất kỳ một sự đền bù nào có thể thỏa đáng.
Theo thông báo chính thức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cách đây hơn 10 năm, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan.
Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp … dẫn đến tử vong.
Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự để tiến hành điều tra. Từ một số thông tin ban đầu, ngày 30/8/2003, Cơ quan điều tra đã mời ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me) đến trụ sở làm việc để lấy lời khai.
Đến ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo. Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm.
Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan. Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Viện KSND tối cao và TAND tối cao xem xét. Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn cũng có đơn kêu oan cho chồng.
Ngày 4/11/2013, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hoà Bình đã ký quyết định số 01/QĐKNTT-VKSNDTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Cùng ngày, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Hữu Thể ký quyết định số 04/QĐTĐCTHA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.
Theo GDVN