Lần đầu tiên lạc vào thế giới đó, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng đến giật mình khi chứng kiến những đồng tính nam nhập mình vào "đồng cô" trong tiếng hát văn nỉ non và khói hương nghi ngút...
Tìm về "ngôi nhà thật" của giới tính
Có mặt trong một buổi hầu đồng diễn ra tại đền Hương Tượng (Hà Nội), tôi gặp anh Ngọc (46 tuổi), người làm nhiệm vụ hầu dâng cho "bà đồng" hôm đó. Anh Ngọc cho biết, hầu hết những người lên đồng đều là đồng tính nam và không dám công khai giới tính thật của mình với người thân.
Chính anh cũng vậy, anh không dám công khai với gia đình và bạn bè. Và chỉ khi hầu đồng, anh mới có cơ hội được thể hiện bản thân.
Khi được hỏi về lý do tại sao anh đang có sự nghiệp thành đạt, gia đình đề huề thì lại muốn ra hầu đồng, anh Ngọc chia sẻ: "Đây là việc không tránh khỏi, người nào có căn có số thì người đó phải ra hầu đồng để tránh khỏi những điều không may mắn. Nếu không theo thì vận hạn sẽ vô cùng đen đủi, chủ yếu là về đường sức khỏe, bệnh tật. Nhiều người đang bình thường bỗng nhiên ốm liệt giường hay trở nên điên điên dại dại, thuốc thang tứ phương, tám hướng cũng không sao ngớt bệnh".
Quang cảnh một buổi hầu đồng.
Theo quan niệm thì những người đó thường có căn số hợp mệnh với các vị Thánh, chỉ cần họ lên hầu đồng thì tự khắc bệnh tật gì cũng sẽ khỏi. Anh Ngọc nói: "Gia đình tôi cấm đoán cái việc lên đồng này ghê lắm, nhưng nếu tôi không đi thì quanh năm đau ốm, không thuốc nào chữa khỏi. Thấy vậy nên gia đình cũng đành chịu chứ sao".
Nguyện gắn đời mình vào "mệnh của các vị Thánh", anh Ngọc nói: "Một phần là do căn số, một phần là tôi muốn sống đúng với bản thân của mình". Chuyện là từ khi bắt đầu nhận thức được giới tính của mình thì anh đã cố gắng sống khép kín và giấu giếm bằng mọi cách.
Đối với anh, cảm giác khi hầu đồng và gặp gỡ các "chị em" giống như được về chính ngôi nhà thật sự của mình, ở đó anh được tự do thể hiện bản thân mà không sợ thiên hạ dị nghị. Ở đây, anh gặp được những người cũng có hoàn cảnh giống mình, không còn nỗi lo lắng bị người đời khinh bỉ, xa lánh, tránh xa được con mắt tò mò của người bình thường.
Một nghi lễ hầu đồng đúng nghĩa phải có đầy đủ bốn thành phần. Đầu tiên là đền thờ hoặc ác tư di lập diện thờ mẫu, nơi đàn tràng được tổ chức. Thứ hai là pháp sư, người cúng lễ mời Thánh về chứng giám cho đàn tràng. Thứ 3 là đội Cung Văn có nhiệm vụ hát những bài hát ca ngợi công đức các vị Thánh trong suốt quá trình hầu đồng. Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là "bà đồng", người làm chủ đàn tràng hôm đó.
Ngoài ra còn một số người hầu dâng có nhiệm vụ dâng trà, pha nước, châm thuốc, sửa soạn quần áo... phục vụ cho "bà đồng". Một buổi lễ hầu đồng lớn hay nhỏ phụ thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi người, có thể dao động từ vài trăm nghìn cho đến những đàn tràng tốn vài tỷ đồng. Vì lẽ đó, nghi lễ hầu đồng vẫn thường bị xã hội cho là một hình thức mê tín dị đoan.
Khi nói đến "bà đồng" - người làm chủ buổi lễ, người ta sẽ nghĩ ngay rằng phụ nữ sẽ đảm nhiệm công việc này nhưng thực tế phần lớn bà Đồng" lại là đàn ông, trong đó có cả người đồng tính nam.
Những người đàn ông này được coi là có căn có số với các Thánh, thân xác là đàn ông nhưng tinh thần lại là đàn bà, được gọi là "đồng cô". Chính vì thế, khi chấp nhận làm công việc hầu đồng thì đồng nghĩa với việc những người đàn ông đó sẽ phải chịu định kiến về công việc này.
Quang cảnh một buổi hầu đồng.
Tình một đêm của "đồng cô"
Ở cộng đồng này, họ không phải chịu sự miệt thị như ngoài xã hội, luôn có không khí vui vẻ tưng bừng và họ được thể hiện bản thân mình, đó là nhu cầu tất yếu trong đời sống của mỗi người. Hầu đồng dần trở thành nhu cầu thiết yếu của họ cho nên dù trải qua nhiều giai đoạn bị luật pháp cấm đoán và phải diễn ra lén lút nhưng hoạt động hầu đồng vẫn tồn tại và phát triển.
Việc hầu đồng không phải một nghề mà theo quan niệm là do căn số của người đó bắt buộc phải làm. Bên cạnh việc người đồng tính khi lên đồng được hóa thân thành các giá chầu bà, thánh cô, vào vai một người phụ nữ thực sự, không phải che giấu thân phận hay tính cách của mình thì một bộ phận người đã thừa cơ biến việc đó thành hình thức kinh doanh, lợi dụng lòng tin để moi tiền của những "con nhang đệ tử".
Anh Ngọc ngậm ngùi kể: "Đã có rất nhiều sự việc xảy ra như lừa tình, lừa tiền, yêu đương nhau chỉ vì địa vị và quen biết trong xã hội. Tôi đã được biết nhiều mối quan hệ tình cảm "qua tay" và "chóng vánh" giữa những người đồng tính quen biết nhau qua hầu đồng. Cũng có trường hợp biết nhau sau một đêm hầu đồng và sau đó gặp nhau để thỏa mãn sinh lý. Chính vì điều này mà ngày càng có thêm định kiến về cụm từ đồng cô".
Không phải tất cả những người đồng tính đều lên đồng và không phải tất cả những người lên đồng đều là người đồng tính. Tín ngưỡng thờ "Thánh Mẫu" là một trong những hình thức tín ngưỡng tôn giáo cổ xưa của người Việt, đã từng được coi như một loại dị giáo hay mê tín dị đoan và cho đến bây giờ thì đây là hoạt động quy tụ nhiều người đồng tính nam.
Số người đồng tính lên đồng là một phần nhỏ so với tổng thể nhưng không thể phủ nhận vị thế quan trọng của họ trong hoạt động này. Cộng đồng người đồng tính nam tham gia hoạt động này vì cái căn cái số "ép" hay vì muốn gặp gỡ người "bạn tâm giao" hay một mục đích khác nào đó thì hầu đồng vẫn là một thế giới tâm linh đặc biệt của người đồng tính.
Bên cạnh những hoạt động dành cho cộng đồng người đồng tính họ coi hầu đồng là nơi để sống đúng với bản thân, đúng với tín ngưỡng tâm linh của riêng mình...
"Việc quản lý đang bị thả nổi"
GS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: "Do quan niệm từ nhiều đời trước, người ta coi đồng tính là bệnh hoạn và lệch lạc nên người đồng tính luôn cảm thấy cô đơn trống trải và thiếu thốn về mặt tinh thần. Vì lẽ đó, họ thường hướng đến những điều huyền bí, một thế giới tâm linh mới để làm chỗ dựa tinh thần. Khi họ xác định đã mang cái căn, cái số và tìm đến hầu đồng thì họ cũng nhận được sự tôn trọng của những người cùng cảnh. Ở đó, họ được xem là "người bình thường" trong thế giới huyền bí. Tuy nhiên hiện nay, việc quản lý lên đồng đang bị thả nổi. Bởi vậy, giải pháp quan trọng hiện nay là phải đưa vào khuôn phép, Nhà nước nên quản lý và tạo hành lang để nó phát triển, phát huy các giá trị tốt đẹp". |
Theo Nguoiduatin