Ảnh minh họa - Nguồn: EVA
Bộ Công an chọn Hải Phòng là nơi đầu tiên triển khai cấp mã số định danh cá nhân, dự kiến bắt đầu từ tháng 10.
Ông Trần Hồng Phú (Phó Cục trưởng Cảnh sát Đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Tổng cục 7, Bộ Công an) cho biết, số định danh cá nhân sẽ là dãy số có 12 chữ số trên chứng minh nhân dân (CMND) mới. Dãy số này bảo đảm đủ cấp cho toàn bộ công dân suốt 5 thế kỷ. Trong 12 số này, 3 số đầu là mã tỉnh nơi công dân sinh ra, số thứ 4 là giới tính (nam hoặc nữ).
Bộ Công an có thẩm quyền cấp cho công dân ra đời trước ngày 1/1/2016. Những công dân sinh ra từ ngày 1/1/2016 sẽ do Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Công an triển khai cấp.
Ngày 25/9, tại hội thảo khoa học về mã số định danh cá nhân do Tổng cục 7 tổ chức, ông Hồ Chí Hùng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), băn khoăn việc dãy số định danh mới chỉ nhằm phân biệt công dân nam, nữ mà chưa tính đến những người đồng tính, song tính, chuyển giới.
Đồng tình, ông Bùi Xuân Huấn (Cục phó Tin học nghiệp vụ - Bộ Công an), cho rằng việc bảo đảm quyền lợi cho nhóm người chuyển giới không đơn giản bởi số định danh theo quan điểm của Bộ Công an là con số không đổi, được cấp cho công dân từ khi sinh ra tới khi chết.
Trả lời về vấn đề này, đại tá Vũ Xuân Dung (Cục trưởng C72) cho biết, đến nay, pháp luật Việt Nam chưa công nhận và cho phép chuyển đổi giới tính. Hơn nữa, số định danh được cấp cho công dân ngay từ khi sinh ra, khi đó chỉ có giới tính là nam hoặc nữ, việc thay đổi giới tính chỉ được phát hiện khi công dân lớn lên.
“Nếu sau này pháp luật cho phép được chuyển đổi giới tính thì thông tin về họ sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia”, ông Dung nói.
Không đồng tình, ông Hồ Chí Hùng cho rằng với một CMND có dãy 12 số (có số phân biệt nam, nữ) thì khi ra đường hoặc thực hiện các giao dịch dân sự, người chuyển giới sẽ gặp vô vàn khó khăn, phiền phức, thậm chí có thể xảy ra xung đột. “Vậy thì cần phải xem xét trong dãy số đó có nên quy định về giới tính hay không?”, vị này bày tỏ.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, dân số Việt Nam sẽ đạt mốc 90 triệu người từ ngày 1/11 tới. Với tốc độ tăng dân số hiện nay, tới năm 2020, dân số Việt Nam sẽ đạt mốc ổn định khoảng 105 triệu người. Với dãy 12 chữ số mà Bộ Công an đang định dùng làm số định danh cá nhân đủ để bảo đảm cấp trên 500 năm vẫn dư thừa.
Theo ông Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp), khó khăn lớn nhất là cách thức để thu thập dữ liệu về công dân đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Qua khảo sát, Bộ Tư pháp phát hiện nhiều nơi hầu như không lưu trữ được thông tin về cư trú của công dân.
“Mã số định danh cá nhân này có thể kết nối được với các ngành như thuế, bảo hiểm, lao động… để giảm tải giấy tờ cho công dân không? Nếu chỉ bảo đảm được yêu cầu quản lý của Bộ Công an và Bộ Tư pháp thì không đạt yêu cầu”, ông Khanh nhận định.
Từ kinh nghiệm cấp mã số thuế cho 31 triệu người (và sắp tới sẽ cấp cả mã số cho người phụ thuộc), bà Nguyễn Thị Thuận, Cục phó Công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), cho rằng việc cấp mã số công dân thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào phương pháp triển khai và hạ tầng kỹ thuật, công nghệ ở các địa phương, xã, phường.
“Muốn giảm được giấy tờ công dân thì việc kết nối thông tin giữa mã số định danh với các ngành như thuế, ngân hàng, lao động… hết sức quan trọng. Khi đã kết nối rồi thì mã số thuế thu nhập cá nhân, mã số của người phụ thuộc sẽ phải bỏ”, bà Thuận nói.
Ông Trần Văn Vệ (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 7) cho biết Tổng cục 7 sẽ triển khai thí điểm việc cấp mã số định danh cá nhân, quản lý dân cư trên toàn Hải Phòng, làm cơ sở trước khi mở rộng ra cả nước.
Theo ông Vệ, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia phải lấy thất bại của Hà Nội làm bài học. Đó là việc Công an Hà Nội thuê tư vấn người Nhật Bản thực hiện một dự án hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư ở 4 quận nội thành nhưng sau nhiều năm thực hiện, đến nay “chưa đâu vào đâu” và coi như thất bại.
Theo Người lao động