Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), một nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí như lâu nay là do cơ quan dân cử không kiểm soát được đầu tư. Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Dự án Luật đầu tư công được trình Quốc hội lần này chứng tỏ có sự đổi mới rất mạnh mẽ về thể chế, giúp chúng ta tái đầu tư công mạnh mẽ hơn.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nêu dẫn chứng: Như đường cao tốc của ta có chi phí đến 12 triệu USD/km, trong khi Trung Quốc làm chỉ có 5 triệu USD/km, còn Mỹ thì chỉ mất 4,5 triệu USD/km. Rồi đường Hà Nội - Hải Phòng quá nhiều bất cập mà không làm, đường Hồ Chí Minh ta quan tâm rất nhiều nhưng hiệu quả thấp, rất ít người đi: đi đêm là không dám đi, ban ngày mà xe không tốt cũng không dám đi vì không có nơi sửa chữa. Ông Thạch cho rằng nguyên nhân của những bất cập khiến đầu tư của ta rất dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả là do thời gian đó ta chưa có Luật đầu tư công.
Dự án cấp nào - cấp đó quyết
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí như lâu nay là do cơ quan dân cử không kiểm soát được đầu tư. “Tôi nói thẳng Quốc hội đâu có nhìn thấy từng dự án đầu tư, chúng ta không thấy dự án nào cả, HĐND cũng vậy. Chúng ta chỉ quyết định bội chi từng này, ngân sách từng kia chứ đâu có nhìn thấy dự án nào. Lẽ ra cơ quan nào quyết định đầu tư, cấp ngân sách thì cơ quan ấy phải kiểm soát được từng dự án. Đây là nguyên tắc cả thế giới đều làm, chỉ khi nào VN làm được như vậy thì mới kiểm soát tốt được đầu tư công” - ông Lịch phân tích.
Từ những lập luận trên, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị quy định việc quyết định chủ trương đầu tư không nên phân theo dự án nhóm A, B, C như dự thảo luật mà nên phân theo dự án thuộc ngân sách cấp nào thì cấp đó quyết định. Ví dụ dự án to nhưng nguồn từ ngân sách địa phương thì HĐND địa phương quyết định chủ trương đầu tư, dự án nhỏ nhưng do ngân sách trung ương tài trợ hoàn toàn thì phải do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Đại biểu Bùi Mạnh Cường (Gia Lai) cho rằng đầu tư công lâu nay bên cạnh những mảng sáng còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Chẳng hạn tình trạng có dự án đầu tư không mang lại hiệu quả nhưng vẫn cho đầu tư, đến khi tái cơ cấu thì mới phát hiện với khoản đầu tư đến vài ngàn tỉ đồng đó nếu tiếp tục đầu tư thì lỗ, vì cho ra sản phẩm không cạnh tranh được bởi hai nguyên nhân là chọn công nghệ và chọn địa bàn không đúng.
Ông Cường cho rằng ban soạn thảo dự thảo luật này cần nghiên cứu kỹ lưỡng về định mức, tiêu chuẩn của công trình, tránh tình trạng khi xây dựng định mức, tiêu chuẩn thì kê lên nhiều lần so với thực tế, chính vì xây dựng định mức quá cao nên nếu có “rút ruột” một phần cũng không ảnh hưởng nhiều đến công trình.
Ông Cường cũng đặt vấn đề trường hợp quyết định đầu tư dàn trải, đầu tư sai thì ai chịu trách nhiệm? Quốc hội quyết định chủ trương sai thì trách nhiệm thế nào? Cần quy định trách nhiệm của Quốc hội chứ không chỉ đối với Chính phủ hay các bộ ngành, và với Chính phủ cũng tương tự như vậy, trong các quy định có liên quan cần phải thể hiện nội dung về trách nhiệm chứ không chỉ nhiệm vụ, quyền hạn.
Điều 55 dự thảo luật quy định các công trình, dự án đầu tư công phải chịu sự giám sát của cộng đồng. Điều này khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: “Vậy ai là cộng đồng? Một công trình đang xây dựng mà mấy ông dân ở đâu chạy vào đòi giám sát thì có khi bị đuổi đánh chạy không kịp. Nói là quyết định đầu tư sai thì phải chịu trách nhiệm, vậy chịu trách nhiệm thế nào?”.Theo ông Nghĩa, cần phải quy định là người đứng đầu nếu quyết định đầu tư sai thì phải đem ra xem xét cho thôi chức.
Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) nhận định: “Trong Luật đầu tư công, cái khó là xác định chủ đầu tư. Trong đầu tư công thì chủ đầu tư công không có vốn mà chỉ là cấp có thẩm quyền. Mà như thế thì tham mưu thế nào ta làm thế đó. Điều này dẫn tới hậu quả các dự án vượt trần dự toán rất lớn và khi lãng phí thì chẳng ai bị gì cả”. Ông Khiết cho rằng đây là một yếu tố tạo điều kiện cho tham nhũng rất lớn, đề nghị dự thảo luật phải xác định cho rõ chủ đầu tư các dự án công là ai.
Doanh nghiệp “chết” nhiều, “chôn” ít
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đưa ra con số: “Thực hiện Luật phá sản: trong 10 năm chỉ tuyên bố phá sản được 83 trường hợp. Nếu so sánh 3 năm gần đây mỗi năm khoảng 50.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động thì thấy rằng phá sản theo thủ tục của luật là rất ít”. Phân tích nguyên nhân, ông Ngân cho rằng do Luật doanh nghiệp hiện nay cho phép đăng ký kinh doanh quá dễ dàng, khi doanh nghiệp “chết” rồi người ta vẫn để đó và làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp mới. Ở nhiều nước, chỉ khi đăng ký "khai tử" doanh nghiệp này thì mới được "khai sinh" doanh nghiệp khác.
Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) ví von: “Chết thì phải chôn, chết không chôn thì ô nhiễm môi trường”. Theo ông Hùng, việc thực hiện nghiêm túc Luật phá sản là một trong những yếu tố đánh giá sự lành mạnh của nền kinh tế. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn chưa xác định rõ tiêu chí phá sản.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề tình hình doanh nghiệp “chết mà không chôn được” lâu nay, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có phải do Luật phá sản hay không? Theo bà Nga, đối với doanh nghiệp tư nhân khi càng làm càng lỗ thì người ta tự nhiên phải tính toán phương án có lợi nhất theo nhu cầu, như vậy dự thảo luật sửa đổi lần này phải trả lời được câu hỏi liên quan đến DNNN nêu trên.
Theo tờ trình của Chính phủ, trong bối cảnh hiện nay việc triển khai xây dựng Luật phá sản (sửa đổi) là cần thiết và cấp bách, nhằm thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga cho rằng ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải làm rõ mối liên quan giữa phá sản và tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu DNNN (như đã được đặt vấn đề trong tờ trình) nhằm tránh tình trạng lẽ ra DNNN phải phá sản theo luật thì lại tái cơ cấu theo hướng chia nhỏ một cách cơ học, càng làm tình trạng thua lỗ kéo dài hơn.
“Khi đặt nhiệm vụ cho Luật phá sản (sửa đổi) là nhằm thực hiện tái cơ cấu thì nội dung sửa đổi để phục vụ mục đích này là ở chỗ nào?”, bà Nga nói.
Theo Tuổi trẻ