Syria có thể "thoát" khỏi sự tấn công?
Quốc hội Mỹ đã chính thức nhóm họp vào lúc 14h chiều 9/9 (giờ địa phương). Hạ viện và Thượng viện Mỹ cũng đồng thời thực hiện những thủ tục cần thiết để chuẩn bị cho đợt bỏ phiếu về khả năng tấn công quân sự vào Syria.
Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Rand Paul của bang Kentucky phát biểu với hãng tin tức Fox News rằng, ông sẽ cân nhắc những lựa chọn của mình về cách giải quyết tình hình Syria. Sau khi nhóm họp kết thúc, ông Obama sẽ xuất hiện trên truyền hình để đưa ra lập trường của Nhà Trắng trong vấn đề Syria.
Cả thế giới cùng đang nín thở chờ đợi bài phát biểu này, vì có thể sau đó, bức tranh về phản ứng của Mỹ đối với Syria có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Rand Paul.
Trước đó, tờ USA Today được thực hiện bởi các phóng viên của báo này và gần 40 tờ báo cùng đài truyền hình khác có cùng công ty sở hữu là Gannett đã thực hiện việc thăm dò ý kiến của các thành viên Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Theo kết quả đăng tải trên website USA Today, rất ít thành viên lưỡng viện Mỹ tán thành kế hoạch của Tổng thống, tấn công quân sự vào Syria.
Cụ thể, trong số 533 nhà lập pháp được khảo sát, có 22 thượng nghị sỹ và 22 thành viên hạ viện nói, họ sẵn sàng ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria. Trong khi đó, có đến 19 thượng nghị sỹ và 130 thành viên hạ viện bày tỏ sự phản đối. Đại đa số nghị sỹ ở hai viện (320 người) lại chọn câu trả lời "Chưa quyết định".
Tờ USA Today cũng cho biết, ông Obama đã không thể tận dụng sự khác biệt về quan điểm thường thấy giữa các nghị sỹ để giành thêm ủng hộ cho kế hoạch tấn công Syria của mình. Nhiều nghị sỹ Cộng hòa đã tán thành với các nghị sỹ Dân chủ để cùng phản đối cuộc chiến, trong khi nhiều nghị sỹ thuộc phe "diều hâu" thường đối lập với ông Obama nay lại ủng hộ ông hành động.
Ngay cả các nhà lập pháp da màu, vốn là những người ủng hộ ông Obama mạnh mẽ nhất, lần này cũng không đứng về phía Tổng thống. Trong khi đó, tờ Washington Post cũng công bố kết quả thăm dò ý kiến các nghị sỹ do báo này tiến hành. Kết quả của Washington Post tuy có khác biệt so với của USA Today, nhưng cũng cho thấy ông Obama đang đối mặt với khó khăn trong việc có được sự đồng thuận của Quốc hội.
Dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về kế hoạch tấn công Syria trong vài ngày tới và Hạ viện sẽ biểu quyết sớm nhất là trong tuần sau.
Tại cuộc họp báo với Ngoại trưởng Anh William Hague ở London, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bất ngờ tuyên bố, Syria có thể tránh được một cuộc tấn công quân sự nếu đồng ý giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học trong vòng một tuần.
Khi được hỏi làm thế nào Syria tránh được một cuộc tấn công, ông Kerry nói: "Ông Bashar Al-Assad có thể giao nộp toàn bộ vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế trong tuần tới". Ngoại trưởng Mỹ bổ sung rằng, việc giao nộp vũ khí hóa học phải được thực hiện không chậm trễ và Chính phủ Syria phải cho phép kiểm kê toàn bộ số vũ khí.
Tuyên bố này có phần gây bất ngờ cho báo giới giữa lúc tình hình đang căng thẳng khi bàn về Syria. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad có thể sẽ không chấp nhận đề nghị này.
Hiện chưa rõ Tổng thống Barack Obama có sử dụng quyền hạn của mình, bỏ qua Nghị viện để tiếp tục kế hoạch của mình trong trường hợp bị phủ quyết hay không. Về phía Syria, Tổng thống Assad tuyên bố, sẽ có những đòn đáp trả đối với bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Syria. Ông này cũng phủ nhận cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công người dân.
Chánh Văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough thừa nhận, Mỹ chưa có bằng chứng thuyết phục.
Mỹ chưa có bằng chứng "không thể chối cãi"
Cả thế giới không chỉ quan tâm đến những động tĩnh từ phía Quốc hội Mỹ đang "bận rộn" lấy ý kiến của các nghị sỹ và chuẩn bị cho buổi bỏ phiếu của Thượng viện và Hạ viện, người ta cũng hết sức để ý đến những đoạn video được cho là bằng chứng Syria sử dụng vũ khí hóa học đối với người dân.
Đây là lý do chính khiến Tổng thống Obama quyết định "can thiệp quân sự hạn chế" vào Syria nhằm buộc Chính quyền Syria nhận trách nhiệm của mình. Thế nhưng, đột nhiên, một quan chức chóp bu của Nhà Trắng thừa nhận cho tới nay, Mỹ vẫn chưa có những bằng chứng thuyết phục về vụ sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hôm 21/8 vừa qua.
Trả lời phỏng vấn trên chương trình truyền hình Fox News Sunday, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough thừa nhận, các nghị sỹ và dân chúng Mỹ vẫn còn hoài nghi là điều dễ hiểu vì chính quyền của Tổng thống Barack Obama cho tới nay vẫn chưa có những bằng chứng "không thể chối cãi" nhưng vẫn khẳng định chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad là bên "chịu trách nhiệm" cho vụ sử dụng vũ khí hóa học hơn 1.400 người chết, trong đó có 426 trẻ em.
Quả thực, đây là một điều cực kỳ buồn cười hay là thông lệ của kẻ mạnh, thích "ăn hiếp" kẻ yếu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trước đây Mỹ từng nại ra lý do Iraq có vũ khí hoá học để tấn công và rồi chẳng tìm thấy vũ khí hoá học nào cả.
Ông Denis McDonough cho biết thêm, nếu Tổng thống Obama ra lệnh một cuộc chiến nhằm vào Syria thì sẽ không giống như các chiến dịch quân sự kéo dài như với Iraq hoặc Afghanistan và cũng sẽ không có sự tham gia của bộ binh.
Về khả năng Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết ủng hộ chủ trương phát động cuộc tấn công của chính quyền, Chánh Văn phòng Nhà Trắng nói rằng, còn quá sớm để dự báo chủ trương này sẽ nhận đủ 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết tại lưỡng viện Quốc hội.
IAEA đánh giá an toàn hạt nhân nếu Syria bị tấn công
Ban giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã bắt đầu phiên họp thường kỳ tại trụ sở ở thủ đô Vienna của Áo, tập trung vào chương trình hạt nhân của Iran. Ngoài ra, các quan chức IAEA cũng sẽ thảo luận và đánh giá về mức độ an toàn của các cơ sở hạt nhân ở Syria trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quân sự vào quốc gia Trung Đông này.
Tại cuộc họp, các quan chức IAEA sẽ chuẩn bị một bản báo cáo về tình hình an ninh của các cơ sở hạt nhân ở Syria trong bối cảnh nước này đang đứng trước khả năng bị can thiệp quân sự. Vấn đề này được đưa ra đánh giá bởi trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo, nếu các cơ sở hạt nhân ở Syria bị trúng bom trong các cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài thì sẽ gây ra thảm họa nghiêm trọng.
Theo NDT