|
Tìm việc trên mạng internet có nhiều thuận tiện nhưng cũng lắm rủi ro |
Mới đây, trên trang rongbay.com, một công ty truyền thông đăng tuyển 100 cộng tác viên, lương từ 4-6,7 triệu đồng/tháng, chưa kể hoa hồng và thưởng cùng với trợ cấp phí internet 700.000 đồng và phí điện thoại 300.000 đồng/tháng… Công việc khá nhẹ nhàng, phù hợp với sinh viên (SV) làm thêm. Ứng viên chỉ cần gửi email đến địa chỉ có sẵn sẽ được chấp nhận phỏng vấn...
Lợi dụng để thu phí
Lần theo mẩu quảng cáo khá hấp dẫn trên, chúng tôi tìm đến trụ sở công ty ở số 37 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Cùng lúc này, có hơn 20 SV cũng mang hồ sơ đến xếp hàng phỏng vấn. Tuy nhiên, sau phỏng vấn, nhiều người thất vọng khi biết công ty dùng “chiêu” lôi kéo lao động để thu phí.
Cụ thể, khi vào phỏng vấn, người lao động (NLĐ) phải nộp 100.000 đồng; nếu nhận việc phải đóng thêm 590.000 đồng; lương nhận theo năng suất làm việc chứ không có mức cụ thể như quảng cáo. Do quá cần việc làm, một số SV chấp nhận đóng phí. Anh Phan Văn Hoàng, SV Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, lắc đầu: “Họ treo đầu dê bán thịt chó. Thôi thì đi tìm việc khác cho chắc ăn”.
Hai tháng sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trần Như Ý chưa tìm được việc làm nên ngày nào cũng “lướt web”. Mới đây, Ý đã bị một công ty “giăng bẫy”.
“Mình đọc được tin tuyển nhân viên đánh máy của Công ty C.L.G (quận Tân Bình, TP.HCM) trên Facebook. Thấy công việc khá nhẹ nhàng, làm từ 2-3 giờ/ngày, lương 1,5 - 2,5 triệu đồng/tháng nên mình đã nộp đơn. Tuy nhiên, đến công ty, mình mới biết công việc không đơn giản là đánh máy thông thường mà là gõ captcha (một dãy mật mã được tạo ngẫu nhiên bằng chữ và số), lương hưởng theo sản phẩm. Không chỉ vậy, nếu ký hợp đồng phải nộp phí 145.000 đồng” - Ý kể.
Hiện nay, ngoài những trang web tuyển dụng trực tuyến, nhiều trang web mua bán, rao vặt, diễn đàn, Facebook cũng cập nhật nhiều thông tin tuyển dụng. Chỉ cần vào Goolge gõ từ khóa “tìm việc làm”, NLĐ đã có trong tay 83,9 triệu kết quả trong 0,15 giây.
Mất tiền mà không có việc
Do mù mờ thông tin khi tìm việc trực tuyến, nhiều NLĐ đã bị nhà tuyển dụng đưa “vào tròng”. Vì muốn có thêm việc làm để cải thiện thu nhập, chị Cao Cẩm Vân (35 tuổi), công nhân ở KCX Linh Trung 1,TP HCM, lên mạng tìm việc. Sau 30 phút tìm kiếm, chị chọn giúp việc nhà theo giờ và lần đến địa chỉ người tuyển ở một con hẻm trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Tìm đến nơi, hóa ra đây là cơ sở giới thiệu việc làm. Mong muốn nhanh chóng có việc, chị đóng phí 150.000 đồng. Ngay lập tức, chị được cấp giấy giới thiệu đến làm việc ở quận 9, TP.HCM. Trái với thỏa thuận, để nhận được mức lương 1,8 triệu đồng/tháng, ngoài làm việc nhà 5 giờ/ngày, chị phải chăm sóc em bé chưa đầy 2 tuổi trong thời gian làm việc. “Tôi không đồng ý, yêu cầu cơ sở giới thiệu chỗ khác nhưng cả tháng nay họ chẳng thực hiện mà phí thì không trả lại” - chị Vân thất vọng.
Cũng như nhiều trường hợp khác, sau khi xem thông tin tuyển lao động phổ thông lương cao trên Facebook, anh Trần Xuân Quang (ngụ quận 11, TP.HCM) tìm đến trụ sở một công ty xin việc. Hóa ra đây là một công ty giới thiệu việc làm “chui”. Sau khi đóng 250.000 đồng, anh được cấp giấy giới thiệu để đến nhận việc tại một công ty ở quận Phú Nhuận. Nhưng khi đến nơi, anh Quang không ngờ mình bị giới thiệu việc làm “ma”. Về đòi lại tiền, anh Quang tiếp tục được thỏa thuận giới thiệu việc khác. Nhưng sau hai tháng lòng vòng tốn công sức, mất tiền nhưng anh Quang vẫn thất nghiệp.
Cần đề cao cảnh giác Theo ông Bùi Ngọc Quốc Hưng, Giám đốc điều hành CareerBuilder Việt Nam, việc NLĐ không tìm hiểu kỹ thông tin về các trang việc làm trực tuyến và công ty tuyển dụng đã tạo cơ hội cho nhiều cá nhân, “cò mồi”, cơ sở giới thiệu việc làm “chui” lợi dụng lừa đảo hoặc trục lợi. “NLĐ nên tìm việc trên những website việc làm uy tín và cẩn thận khi các công ty tuyển dụng yêu cầu ứng viên khai báo thông tin về tài khoản ngân hàng” - ông Hưng khuyến cáo. |
TheoNLĐ