“Không phải TS Bá muốn được… 50 triệu USD”

Thứ hai, 16/09/2013, 09:12
“Tôi hiểu TS Trần Đình Bá muốn mọi người thấy rõ sự vô lý của dự án đường sắt khổ 1 mét, chứ không phải ông muốn lấy 50 triệu USD đâu”.

Vừa qua, TS Trần Đình Bá - Hội Kinh tế & Vận tải đường sắt Việt Nam (ĐSVN) liên tiếp gửi hai bức thư ngỏ tới Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cùng các vị lãnh đạo Bộ, ngành GTVT. Trong thư, TS Bá gửi lời “thách đấu” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông về tốc độ “đường sắt đồ cổ”.

Cụ thể là, TS Trần Đình Bá “thách đấu” Thứ trưởng GTVT hai điều như sau:

Điều 1: Thứ trưởng ngồi lên tàu chạy thực nghiệm 120 km/h để có tốc độ trung bình 80-90km/h, để hành trình Bắc-Nam đạt 21-23 giờ. Nếu thành công, TS Bá gọi Thứ trưởng là “người hùng” và sẽ thưởng cho ông 5 triệu USD (khoảng 100 tỷ đồng).

Điều 2: Nếu Thứ trưởng không dám chạy thử nghiệm 120km/h, tốc độ trung bình không thể đạt 80-90km/h, hành trình Bắc-Nam không đạt 21-23 giờ, lại để xảy ra lật tàu chết người, Thứ trưởng sẽ phải trả cho TS Bá 5 triệu USD.

Trong bức thư ngỏ thứ hai, TS Bá đã thay đổi điều kiện thách đấu, là mời thêm một số vị lãnh đạo ngành cùng Thứ trưởng Đông thử nghiệm. Đồng thời, nâng mức thưởng “thách đấu” lên… 50 triệu USD.

PV Báo Kiến Thức có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, xung quanh vụ việc.

duong sat

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

“Xưa nay chưa thấy”

TS Trần Đình Bá vừa đưa ra lời “thách đấu” với Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông về tốc độ “đường sắt đồ cổ”. Ông nhận định như thế nào về vụ việc này?

Thật ra đây cũng chưa phải cuộc thách đấu, vì mới có ý kiến của TS Trần Đình Bá, chứ Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chưa nhận lời. Về lời thách đấu của TS Bá, theo tôi hiểu, đó là một cách biểu hiện riêng, là sự phản ứng mạnh mẽ để cảnh báo các vị có trách nhiệm và dư luận về vấn đề an toàn trong dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam.

Tôi được biết, TS Trần Đình Bá là người tâm huyết với ngành giao thông Việt Nam, cũng là tác giả của một đề án hiện đại hóa đường sắt được giải thưởng. Ông đã nhiều lần đề nghị cải tạo, hiện đại hóa đường sắt và ông cũng là người kịch liệt phản đối dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Lần này, có thể vì những ý kiến của ông vẫn không được để ý nên ông đưa ra một ý kiến độc đáo như vậy để thu hút sự chú ý của dư luận, để mọi người thấy rõ sự vô lý của dự án “cải tạo, nâng cấp đường sắt khổ 1 mét”, chứ không phải TS Bá muốn lấy 50 triệu USD đâu.

Giáo sư dự đoán cuộc “thách đấu” sẽ đi đến đâu và phần thắng nghiêng về ai?

Chắc cuộc thách đấu sẽ khó thành hiện thực, vì xưa nay tôi chưa thấy một vị quan chức nào nhận lời thách đấu với một người khác bằng tiền cả.

Thứ trưởng Bộ GTVT từ chối cũng có lý, vì việc này không phải mình ông quyết định được.

Việc cải tạo, nâng cấp đường sắt không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà có những chi tiết kỹ thuật liên quan trực tiếp tới mạng sống con người. Những người chủ dự án cũng phải thể hiện trách nhiệm của mình chứ?

Chắc chắn những người tham gia dự án phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Còn sự khác nhau về quan điểm giữa các nhà khoa học cũng là bình thường. Nhưng sự an toàn của tàu và tính mạng, tài sản của người dân thì không phải chuyện bình thường. Bởi vậy, theo tôi, Bộ GTVT nên mở rộng thảo luận và nghiên cứu thêm cho kỹ.

Bây giờ kể cả Thứ trưởng có đứng ra cam kết tàu chạy với tốc độ cao vẫn an toàn thì tôi nghĩ rằng, điều đó không thực sự có ý nghĩa. Điều quan trọng hơn cả là sau này thực tế diễn ra như thế nào. Liệu lúc ấy Thứ trưởng có phải chịu trách nhiệm về lời hứa hôm nay của mình không? Giả sử ông vẫn chịu trách nhiệm nhưng trách nhiệm nào bù cho được những hậu quả đau thương nếu xảy ra tai nạn?

duong sat

Trách nhiệm nào bù cho được những hậu quả đau thương nếu xảy ra tai nạn?

Tai nạn, hành khách chịu thiệt, không phải… Thứ trưởng

Giáo sư nghĩ sao về phương án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam do Công ty CP tư vấn đường sắt và xây dựng GTVT đưa ra?

Nói thật là khi đọc 4 phương án đó trên báo chí, tôi thấy vừa vắn tắt vừa không lôgic lắm nên không hiểu được. Theo tôi biết, hiện Bộ GTVT quyết định lựa chọn phương án 2 và đó cũng là kết quả của 1 đề tài nghiên cứu, nếu tôi không nhầm thì trong đó có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài.

Tôi hiểu là Bộ GTVT đang muốn tận dụng đường sắt khổ 1 mét hiện nay, rồi sau này sẽ làm đường sắt khổ 1,435 mét ở chỗ khác.

Giữ đường sắt khổ 1 m là để tiết kiệm, nhưng tôi trộm nghĩ: Nếu làm luôn ở trục đường tàu Thống Nhất hiện nay một trục đường sắt khổ 1,435 m thì “sẵn nong sẵn né”, khỏi phải lo giải phóng mặt bằng, đào hầm xuyên núi, như vậy có phải tiết kiệm hơn là làm thêm đường mới ở chỗ khác không?

Qua cuộc tranh luận giữa TS Trần Đình Bá với Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và các vị có trách nhiệm ở ngành đường sắt, tôi mới thấy không phải một người ngoại ngạch như tôi nghĩ thế mà một chuyên gia đường sắt như TS Bá cũng đã nêu ý kiến này từ lâu.

Dĩ nhiên, làm theo phương án này thì phải tìm giải pháp để đảm bảo tuyến đường sắt hiện có, vẫn vận hành được, dù là từng đoạn, không gây áp lực quá lớn lên giao thông đường bộ và đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho cán bộ, công nhân trên tuyến đường. Đây là bài toán khó nhưng không phải không làm được.

Ông bình luận như thế nào trước những lời phân tích chuyên môn và lời cảnh báo của TS Trần Đình Bá?

Trên thực tế, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng thừa nhận là đường sắt Việt Nam có nhiều đường quanh, khúc cua… khó đảm bảo tốc độ như ông nói. Điều đó cho thấy, khả năng thực hiện mục tiêu dự án cải tạo đường sắt khổ 1 mét, để tàu chạy Bắc - Nam 21-23 giờ là rất khó. Bây giờ tàu chạy với tốc độ chậm vẫn xảy ra tai nạn thì sau này, chạy với tốc độ cao hơn sẽ như thế nào?

Tôi tin là Bộ GTVT sẽ cân nhắc kỹ trước lời cảnh báo của một chuyên gia hiểu sâu về ngành đường sắt như TS Trần Đình Bá.

Còn về dự án nâng cấp, hiện đại 3200 km đường sắt khổ 1,435m của TS Bá trong vòng 1 năm với 5 tỷ USD, ông thấy có khả thi?

Giai đoạn 1975 - 1976, chúng ta làm đường tàu Thống Nhất, nhiều đoạn phải khôi phục hoặc làm mới hoàn toàn, phải xẻ núi, bắc cầu nhưng cũng chỉ mất khoảng hơn 1 năm thôi.

Tôi nghĩ bây giờ mình đã có cả một con đường rồi, hầm xuyên núi có rồi, kỹ thuật cầu đường hiện đại hơn rồi thì việc xây đường sắt mới khổ 1,435 mét trong khoảng một năm có thể thực hiện được.

Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn