Sau hơn 1 tháng xảy ra sự cố, kết quả điều tra ban đầu của Cục Hàng không Việt Nam về trục bánh xe của mũi càng chiếc ATR-72 của Vietnam Airlines bị gãy cho thấy không có ngoại lực tác động vào hệ thống bánh mũi vượt quá giới hạn cho phép trong quá trình khai thác máy bay và sai lỗi bảo dưỡng trong quá trình thực hiện công tác bảo dưỡng máy bay.
Các nội dung công việc bảo dưỡng theo chương trình bảo dưỡng mà nhà chế tạo hướng dẫn và được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn đối với toàn bộ càng mũi, các chi tiết bị hỏng hóc (trục bánh xe, vòng bi bánh xe) trong thời gian trước đó không thể phát hiện ra hỏng hóc do lỗi vật liệu của các chi tiết này.
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Do chưa đủ khả năng phân tích vật liệu đối với các chi tiết bị gãy nên việc xác định nguyên nhân trục bánh xe bị gãy do chất lượng phụ tùng thay thế Cục này vẫn đang phối hợp với Cơ quan điều tra và phân tích an toàn của Pháp (BEA) tiếp tục phân tích, điều tra.
Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam đã chuyển toàn bộ phần càng mũi cùng với trục bánh xe bị gãy còn lại trên trục, phần trục bánh xe bị gãy rời, bánh xe bị văng ra và các mảnh vỡ của vòng bi sang BEA phân tích vật liệu của các chi tiết này để xác định rõ tính hợp quy và chất lượng vật liệu của các chi tiết liên quan”.
Trước đó, hôm 21/10, chiếc ATR-72 của Vietnam Airlines mang dấu hiệu đăng ký quốc tịch VN-B219 cất cánh từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) thực hiện chuyến bay mang số hiệu VN1673 đi Đà Nẵng chở theo 41 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn bị phát hiện gãy càng mũi và lốp đã bị rơi ra.
Một cuộc tìm kiếm lốp máy bay bị rơi chưa từng có tiền lệ trong ngành hàng không Việt Nam đã diễn ra trong 5 ngày bởi 50 người nhân viên hàng không ở 2 đầu sân bay Cát Bi và Đà Nẵng. Đến ngày 25/10 chiếc lốp đã được tìm thấy tại sân bay Cát Bi, vị trí bên trái ngoài lề đường cất hạ cánh 07, cách đầu thềm hơn 1km.
Cục Hàng không cho biết các vật chứng thu thập được tại hiện trường, gồm: Trục bánh xe bị gãy rời - mũ ốc ngắn tại đầu trục bánh xe và ốc an toàn cùng chốt chẻ bảo hiểm còn nguyên vẹn. Trên phần đầu trục bị gãy và phần trục còn gắn lại trên mũi càng đều có dấu hiệu bị quá nhiệt, phần trục tiếp giáp với vòng bi có hiện tượng bị cọ sát.
Phần lốp bánh xe bị rơi ra ngoài còn nguyên vẹn và không bị mất áp suất, 5 ốc của bánh xe có trạng thái nguyên vẹn vì các mũ ốc không xê dịch so với vệt sơn đánh dấu. Riêng về 2 vòng bi, vòng bi phía trong bị mất ổ bi, vòng bị phía ngoài chỉ còn 1 viên bị sứt, các vòng kẹp giữ bi bị gãy, mặt trong của vỏ ổ bi bên ngoài có vết cọ sát, dấu hiệu kẹt vòng bi.
Cục Hàng không đã xác định nhiều khả năng là nguyên nhân dẫn đến sự cố, trong đó có yếu tố ngoại lực, lỗi bảo dưỡng, sử dụng vật tư phụ tùng không đúng cách và không đảm bảo chất lượng, lỗi chế tạo hoặc vật liệu của trục bánh xe hoặc vòng bi.
Trên cơ sở phân tích các khả năng có thể là nguyên nhân gây ra gãy trục, Cục Hàng không đã điều tra quá trình khai thác tàu bay VN-B219 và quá trình bảo dưỡng tàu bay. Trong đó, tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ chuẩn bị bay, hồ sơ khai thác của chuyến bay VN1673 xảy ra sự cố và phối hợp với phía Pháp để thực hiện các bước phân tích quan trọng.
Tuy nhiên, với kết quả điều tra ban đầu nói trên, vẫn chưa xác định được đâu là nguyên nhân thực sự dẫn tới sự cố gãy trục, rơi lốp của chuyến bay VN1673 của Vietnam Airlines.
Theo Dân Trí