Bangkok nóng bỏng vì biểu tình

Thứ tư, 27/11/2013, 08:09
Theo miêu tả của chị Note Wasinee - người Thái gốc Việt khi trao đổi với PV ngày 26/11, sức nóng từ cuộc biểu tình phản đối Chính phủ Thái Lan đang lan tỏa đến từng ngóc ngách trên khắp thủ đô Bangkok.

Các cuộc tuần hành ồ ạt đang diễn ra tại Thái Lan để phản đối bà Yingluck và anh trai bà - cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra - là làn sóng bất ổn lớn nhất kể từ năm 2010.

Mời từng nhà đi biểu tình

Từ Bangkok, bà Anh Đại - một phụ nữ gốc Việt cho biết, cuộc biểu tình diễn ra từ ngày 24/11 và đến nay chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí người dân tham gia biểu tình ngày càng đông. Đã quen với các cuộc biểu tình ở Bangkok, nhưng bà Anh Đại cho biết, cuộc biểu tình lần này thực sự khuấy động cuộc sống của dân chúng và những yêu sách của người tham gia biểu tình đối với Chính phủ gần như đều là ý nguyện của người dân Thái.

Những người tham gia biểu tình ở Bangkok yêu cầu Thủ tướng Yingluck từ chức.
Những người tham gia biểu tình ở Bangkok yêu cầu Thủ tướng Yingluck từ chức.

Bà Đại cho biết, bản thân mình cùng những người Thái gốc Việt khác cũng đã tham gia cuộc tuần hành ngày 24/11. Bà Đại cho biết, những người tổ chức biểu tình đến từng nhà vận động người dân tham gia tuần hành: “Từ ngày 24/11, nhiều cửa hàng trong các khu chợ đã đóng cửa, bà con rồng rắn theo lời kêu gọi của lãnh đạo cuộc biểu tình là cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban tham gia vào biển người biểu tình”.

Theo lời bà Đại, những người biểu tình phản đối rất nhiều chính sách của Chính phủ Thái Lan và yêu sách quan trọng nhất của họ là đòi Chính phủ đương nhiệm phải từ chức. Người Thái bất bình vì mức lương của họ chỉ được tăng thêm 300 bath mỗi tháng, trong khi giá lương thực lại tăng chóng mặt khiến đồng lương của công chức khó nuôi sống gia đình. Bà Anh Đại cũng cho hay, cuộc biểu tình chủ yếu là ôn hòa và cảnh sát cũng không dùng bạo lực để trấn áp họ.

Trong khi đó, chị Note Wasinee - con gái bà Anh Đại, là nhân viên văn phòng trong một công ty ở Bangkok cho biết, sức nóng của cuộc biểu tình đang lan tỏa đến từng ngóc ngách trên khắp thủ đô Bangkok. Theo lời chị Note Wasinee, phần lớn những người tham gia biểu tình ở độ tuổi trung niên và những người về hưu. Dòng người biểu tình kéo qua các khu phố đã làm giao thông tê liệt, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. Chị bày tỏ mong muốn Chính phủ nhanh chóng giải quyết ổn thỏa với những người biểu tình để trả lại sự bình yên cho Bangkok.

Chiếm nhiều trụ sở công quyền

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã áp đặt Luật An ninh nội địa tại thủ đô Bangkok và các khu vực lân cận sau khi những người biểu tình chống Chính phủ xông vào và chiếm đóng trụ sở của một số bộ chủ chốt trong nỗ lực nhằm lật đổ Chính phủ. Việc áp đặt luật này đã trao thêm quyền cho cảnh sát phong tỏa một số tuyến đường, áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập và tiến hành các cuộc điều tra cần thiết đối với các đối tượng tình nghi bạo động.

Hàng chục nghìn người phản đối Chính phủ của Thủ tướng Yingluck đã tuần hành đến trụ sở của hơn một chục cơ quan công quyền trên khắp thủ đô Bangkok, như các căn cứ quân sự, cảnh sát và một số đài truyền hình.

Tối 25/11, hàng trăm người biểu tình đã tràn vào trụ sở của Bộ Tài chính Thái Lan và sau đó là khuôn viên của Bộ Ngoại giao - hai khu vực dường như không có sự canh phòng của lực lượng an ninh Chính phủ. Họ đã phá các cánh cổng và kêu gọi các nhân viên làm việc tại đây tổ chức đình công trong cả ngày tiếp theo.

Đến ngày 26/11, nhiều trụ sở cơ quan nhà nước tiếp tục bị người biểu tình chiếm đóng, và những người tham gia biểu tình được kêu gọi ở lại qua đêm tại những địa điểm chiếm đóng được. Nguồn tin từ giới lãnh đạo biểu tình cho biết có khoảng một triệu người đã tham gia phản đối Chính phủ, trong khi đó, các nguồn tin khác nói rằng con số thực chất chỉ là 59.000 người.

19 nước đã cảnh báo công dân không nên đến Bangkok trong giai đoạn này, trong khi ngành du lịch Thái Lan bày tỏ lo lắng về hậu quả do biểu tình để lại.

Một số hãng du lịch ở Việt Nam như Trangantravel, Thailantravel… ngày 26/11 cho biết, các tour du lịch đến Thái Lan trong tuần này vẫn diễn ra đúng lịch.

Nguy cơ đảo chính quân sự?

Thủ tướng Yingluck khẳng định bà sẽ không bao giờ từ chức hoặc giải tán Quốc hội bất chấp áp lực ngày càng gia tăng. Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi các bên ở Thái Lan kiềm chế để giải quyết ổn thỏa những bất đồng. Mỹ tuyên bố sẽ theo dõi sát sao tình hình và hối thúc “tất cả các bên kiềm chế bạo lực, giữ bình tĩnh và tôn trọng luật pháp”.

Trong khi đó, giới bình luận cho rằng, Chính phủ Thái Lan đang bước vào giai đoạn nguy hiểm. Từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto, Nhật Bản, học giả Pavin Chachavalpongpun cho rằng các cuộc biểu tình chống Chính phủ rầm rộ tại Thái Lan có thể kết thúc bằng một cuộc đảo chính quân sự chóng vánh mới.

Ông Chachavalpongpun nhận định: “Những người biểu tình có thể làm mọi việc chỉ để kích động một cuộc can thiệp quân sự vào các vấn đề của Chính phủ, mà cuối cùng có khả năng dẫn đến đảo chính. Hành động quân sự có thể thực hiện với giả thuyết rằng cuộc đảo chính được biện minh bởi những thất bại của Chính phủ trong hoạt động điều hành ở một thời điểm nhất định”.

Ngày 26/11, Tòa án Hình sự Thái Lan đã thông qua lệnh bắt giữ ông Suthep Thaugsuban - thủ lĩnh các cuộc biểu tình nếu ông này không đầu hàng.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn