Hazel Thompson, một phóng viên ảnh người Anh, đã dành cả thập kỷ qua để thu thập tài liệu về cuộc đời của các cô gái bị bán vào nhà chứa tại một đất nước có ngành công nghiệp tình dục phát triển mạnh như Ấn Độ, BBC đưa tin.
Bi kịch đau lòng
Guddi chào đời và lớn lên tại một ngôi làng nghèo ở bang Tây Bengal, miền Đông Ấn Độ. Gia đình đã đồng ý để cô bé tới thành phố Mumbai theo lời hứa của một người hàng xóm rằng em sẽ tới đó làm nghề giúp việc, kiếm tiền nuôi sống gia đình. Nhưng khi tới Mumbai, người hàng xóm đã bán Guddi cho một nhà chứa ở Kamathipura - khu đèn đỏ lớn thứ hai tại châu Á. Sau lần tiếp khách đầu tiên, cô bé phải nằm viện suốt 3 tháng. Guddi trở thành lao động tình dục khi cô mới 11 tuổi.
Guddi, một gái bán dâm 23 tuổi, nói rằng cô mắc kẹt trong "thiên đường sung sướng" nổi tiếng của Ấn Độ. Ảnh: Hazel Thompson. |
Câu chuyện của Guddi cũng giống như nhiều câu chuyện buồn và đau lòng của khoảng 20.000 gái mại dâm khác ở Kamathipura. Trong suốt khoảng thời gian đế quốc Anh cai trị Ấn Độ, phố đèn đỏ này là một trong số những tụ điểm “vui vẻ” của binh lính Anh.
“Thiên đường sung sướng” Kamathipura là một mê cung với khoảng 14 hẻm tồi tàn, chật hẹp, nằm dưới chân những cao ốc tráng lệ - biểu tượng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế Ấn Độ. Kinh tế phát triển những năm gần đây đã giúp hàng triệu người Ấn Độ thoát khỏi đói nghèo. Nhưng tại Kamathipura, thời gian dường như đứng yên kể từ khi nó ra đời cách đây 150 năm.
Vào những năm 80, quân đội Anh đã xây dựng và duy trì các nhà chứa để phục vụ nhu cầu tình dục của binh lính trên khắp Ấn Độ. Họ trực tiếp tuyển chọn và trả giá cho các cô gái. Nhiều cô vẫn ở tuổi vị thành niên và đến từ các gia đình nông thôn nghèo ở Ấn Độ. Trước năm 1864, 8 khu phố ở Mumbai là nhà chứa của hơn 500 gái mại dâm. Gần 60 năm sau, chỉ hai khu đèn đỏ còn hoạt động, bao gồm Kamathipura.
Trong những năm 1890, cảnh sát đã gắn những thanh chắn vào các cửa sổ và cửa ra vào nhà thổ để bảo vệ gái bán hoa trước những hành động bạo lực từ khách hàng. Những nhà thổ với cấu trúc như vậy vẫn tồn tại cho tới nay và nhiều gái bán dâm vẫn làm việc và sinh sống trong những nhà thổ tương tự do quân Anh xây dựng.
“Hệ thống các nhà chứa như vậy vẫn tồn tại đến tận ngày nay. Không thứ gì thay đổi trong vòng 120 năm qua”, Thompson cho biết.
Ngày nay, gái bán hoa lớn tuổi nhận 500 rupee (8 USD) sau mỗi lần đi khách. Các bé gái từ 12-16 tuổi có thể kiếm tới 2.000 rupee (32 USD). Các cô gái ở khu đèn đỏ Kamathipura sẽ bán trinh tiết cho người trả giá cao nhất.
Nô lệ thời hiện đại
Hành trình khám phá Kamathipura của phóng viên Thompson bắt đầu vào năm 2002, khi cô tới đây để chụp ảnh những đứa trẻ sinh ra từ ngành thương mại tình dục. Sau chuyến đi, cô xuất bản cuốn sách điện tử mang tên “Taken”.
Phóng viên ảnh 35 tuổi có thể tiếp cận thế giới bí mật của gái mại dâm tại Kamathipura sau khi cô tham gia Bombay Teen Challenge, một tổ chức ra đời nhằm giải cứu và giúp đỡ những người từng là nô lệ tình dục cùng nhiều chủ chứa đã hành nghề hơn 20 năm tại khu đèn đỏ nổi tiếng.
Ban đầu, Thompson tới các nhà chứa dưới vỏ bọc của một nhân viên cứu trợ. Cô lén ghi lại hình ảnh từ phía sau xe, trên mái nhà và dưới chiếc khăn quàng cổ.
“Để thu được tư liệu, tôi thường xuyên qua lại khu vực này trong vài ngày và tôi sẽ rời đi khi họ phát hiện”, cô nói.
Thompson liên tục cảm thấy căng thẳng mỗi khi tới khu Kamathipura. Vào năm 2010, một tên “đầu gấu” đã cư xử thô bạo với Thompson khi cô đang trò chuyện với một gái mại dâm. Hành trình tìm hiểu cuộc sống của gái bán dâm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khiến Thompson nhiều lần định bỏ cuộc.
Ebook của Thompson gồm các văn bản, hình ảnh và video để người đọc cảm nhận về cuộc sống tại Kamathipura. Nó cũng gồm nhiều câu chuyện về những người phụ nữ đã cố gắng thoát khỏi cảnh sống như “nô lệ thời hiện đại”.
Một trường hợp trong số đó là Lata tới từ Karnataka, một bang phía nam Ấn Độ. Cô bé bị bạn trai 16 tuổi bỏ thuốc mê và lừa bán vào “động quỷ” tại Mumbai. Tổ chức Bombay Teen Challenge đã giúp đỡ cô bé thoát khỏi nơi đó và đoàn tụ với gia đình. Hiện giờ Lata đang sống trong nhà phục hồi chức năng của tổ chức từ thiện.
“11 năm thâm nhập khu đèn đỏ Kamathipura, tôi chưa bao giờ gặp bất kỳ ai tự nguyện tới đây. Họ đều bị lừa bán hoặc sinh ra ở đây. Họ cũng không thể trở về với gia đình vì sự kỳ thị”, Thompson nói.
Đấu tranh nhằm phi pháp hóa mại dâm
Thompson đang phát động một chiến dịch liên kết với tổ chức từ thiện Jubilee có trụ sở tại Anh nhằm kêu gọi Ấn Độ và các nước coi mại dâm là hợp pháp hình sự hóa hoạt động mua bán dâm.
Tháng 4/2013, chính phủ Ấn Độ đã sửa đổi luật pháp nhằm mở rộng các loại hình tội phạm liên quan hành vi buôn người và thiết lập những khung hình phạt cứng rắn hơn đối với những kẻ phạm tội.
Nhưng theo báo cáo năm 2013 về hoạt động buôn bán người của Bộ Ngoại giao Mỹ, việc thực thi luật chống buôn người vẫn còn là một vấn đề.
“Các quốc gia như Thụy Điển và Na Uy từnghợp pháp hóa mại dâm nhưng tệ nạn này lan tràn. Giờ đây họ lại phải cấm hoàn toàn mại dâm. Điều này đã tác động sâu sắc tới nhu cầu của xã hội, nạn buôn người cũng giảm đáng kể. Sự thay đổi luật pháp liên quan đến mại dâm là điều cần thiết không chỉ riêng với Mumbai mà cả Ấn Độ”, Thompson nói.
Theo Tri Thức