Đáp trả những phản ứng quyết liệt từ phía Nhật Bản liên quan tới việc thiết lập ADIZ ngày 23/11 vừa qua, người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Yang Yujun khẳng định: “Nhật Bản hoàn toàn không có quyền đưa ra những bình luận vô trách nhiệm liên quan tới việc thiết lập ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông”.
Khi được hỏi về yêu cầu của phía Mỹ và Nhật Bản yêu cầu Bắc Kinh bỏ ADIZ, ông này cho biết: “Chúng tôi muốn Tokyo phải rút lại ADIZ của mình trước, sau đó Bắc Kinh sẽ cân nhắc yêu cầu này trong vòng 44 năm”.
Bắc Kinh cân nhắc từ bỏ ADIZ trong vòng 44 năm. Ảnh: South China Moring Post. |
Những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã tiếp tục gia tăng trong tuần qua sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Theo đó, Bắc Kinh yêu cầu tất cả máy bay, vật thể qua lại khu vực này phải thông báo trước kế hoạch với giới chức Trung Quốc, phải gắn logo, cờ hiệu rõ ràng và nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn của Bắc Kinh, nếu không, sẽ phải đối mặt với “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp”.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm là tại sao Bắc Kinh lại đưa ra cái mốc 44 năm chứ không phải một con số khác. Đây là một sự trùng hợp, bởi tính đến nay, Nhật Bản cũng đã thiết lập ADIZ của mình trên biển Hoa Đông 44 năm (từ năm 1969).
Hiện nay, nếu so sánh về tương quan lực lượng, rõ ràng hải quân Trung Quốc chưa phải là đối thủ của hải quân Nhật Bản. Có thể 44 năm là vừa đủ để Trung Quốc hiện đại hóa quân đội, và khi đó, Bắc Kinh có thể đủ sức và lực để “tay đôi” chiếm Senkaku/Điếu Ngư từ tay Nhật Bản. Đầu tháng 11, tờ Thiết Huyết cũng đã trích lại bài viết trên tờ Văn Hối nói rằng, 30 năm nữa, Trung Quốc sẽ đủ điều kiện chiếm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Toàn cảnh diễn biến liên quan Vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc (ADIZ): Ngày 23/11: Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản. Trung Quốc yêu cầu các máy bay đi vào khu vực này phải cung cấp kế hoạch bay, khai báo tên quốc gia và duy trì trao đổi thông tin bằng radio hai chiều, nếu không muốn đối mặt với các "biện pháp phòng thủ khẩn cấp". Mỹ và Nhật Bản phản đối vùng mà Trung Quốc thiết lập, cáo buộc đây là hành động khiêu khích. Giới chức Nhật yêu cầu các hãng hàng không nước này không gửi lịch bay cho Trung Quốc, trong khi hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ cất cánh từ đảo Guam hôm 25/11 rồi bay vào ADIZ mà không gặp sự cố nào. Ngày 25/11: Hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ cất cánh từ đảo Guam đã bay đến vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc vừa thiết lập mà không gặp trở ngại nào. Ngày 26/11: Quân đội Hàn Quốc cũng có một chuyến bay giám sát thường xuyên quanh đảo đá chìm được gọi là Ieodo. Đảo đá này là nguồn cơn gây căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc từ lâu. Ngày 27/11: 11 tiếng sau khi hai chiếc máy bay B-52 của Mỹ bay vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Bắc Kinh thiết lập, Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới ra thông cáo chính thức. Đại tá Cảnh Nhạn Sinh, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, khẳng định: “Quân đội Trung Quốc giám sát toàn bộ lộ trình bay cùng loại máy bay của Mỹ lọt vào vùng AIDZ trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng kiểm soát hiệu quả các vùng không phận liên quan”. Ngày 28/11: Các máy bay quân sự và bán quân sự của Nhật Bản bay qua vùng phòng không Trung Quốc và không gặp phi cơ nào của Trung Quốc. Thông cáo cho biết, quân đội nước này đã giám sát toàn bộ sự việc và khẳng định khả năng khống chế không phận liên quan, nhưng không tỏ các dấu hiệu tức giận hay quan ngại. Ngày 28/11: Nhật Bản tuyên bố xem xét việc mở rộng vùng nhận dạng phòng không trong lúc đang tranh cãi quyết liệt với Trung Quốc về vùng tương tự mà Bắc Kinh mới thiết lập phía trên quần đảo tranh chấp. Ngày 29/11: Trung Quốc điều chiến cơ tới "Vùng nhận dạng phòng không". |
Theo Tri Thức