Cha mẹ bé Trần Mỹ Ngọc vừa mất con . |
Biên bản làm việc với gia đình bé Trần Mỹ Ngọc, lúc 15 giờ 45 ngày 24/11/2013. Đại diện Sở y tế Bạc Liêu, Công an huyện Phước Long, Bệnh viện Phước Long, UBND xã Hưng Phú cùng bàn bạc với gia đình bé Trần Mỹ Ngọc.
Bác sĩ Bùi Quốc Nam mở đầu buổi làm việc: “Chia buồn sâu sắc cùng với gia đình và hứa vận động hỗ trợ gia đình”. Các bác sĩ khác giải thích nguyên nhân tử vong do “sốc thuốc tiêm ngừa 5 trong 1”.
Ông Ân, Công an huyện Phước Long đưa ra 2 phương án: “1. Hỗ trợ tiền mai táng cho bé, 2. đưa ra tố tụng trước pháp luật”.
Ông Trần Văn Đây - cha cháu bé xấu số xin hỗ trợ 40 triệu đồng (đưa trước 10 triệu đồng tại buổi làm việc, còn lại 30 triệu đồng đưa vào ngày 26/11). Ông Trần Văn Đây nói: “Không nhận tiền hỗ trợ thì sao chôn cất con tôi?”.
Biên bản ghi: “Gia đình thống nhất hỗ trợ mai táng, không đưa ra pháp luật, không mổ tử thi, không khiếu nại về sau. Tập thể cuộc họp thống nhất 100%”.
“Tử vong do sốc thuốc tiêm ngừa”
|
Căn nhà ông Trần Văn Đây . |
Ngày 26/11, Chương trình tiêm chủng mở rộng khu vực phía Nam gồm Viện Pasteur TPHCM, Bệnh viện nhi đồng 1 TPHCM, Bệnh viện nhi Cần Thơ đã phối hợp với Sở Y tế Bạc Liêu điều tra nguyên nhân tử vong của bé gái 5 tháng tuổi sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem.
Bé Trần Mỹ Ngọc, 5 tháng tuổi, ngụ ấp Vĩnh Tường, xã Hưng Phú (Phước Long) được tiêm vắc-xin Quinvaxem mũi 1 vào lúc 7 giờ 30 ngày 24/11 tại Trạm y tế xã Hưng Phú. Sau khi theo dõi 30 phút, bé vẫn chơi, bú bình thường. Đến khoảng 11 giờ 30 phút, gia đình thấy bé Ngọc tím tái, đưa đến Trạm y tế xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) lúc 12 giờ 5 phút và chuyển ngay đến Bệnh viện huyện Phước Long.
Bác sĩ Lê Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Phước Long cho biết: “Việc cấp cứu kịp thời, đúng chuyên môn, điều trị tích cực, không có sai sót. Nhưng bé Trần Mỹ Ngọc không qua khỏi và tử vong lúc 15 giờ 30 ngày 24/11”.
Hai ngày sau, đoàn cán bộ chuyên môn Chương trình tiêm chủng mở rộng khu vực phía Nam điều tra, tìm hiểu nguyên nhân tử vong. Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc- xin, sinh phẩm y tế.
Hội đồng kết luận: Điểm tiêm chủng tại Trạm y tế Hưng Phú (Phước Long) thực hiện đúng qui trình an toàn tiêm chủng theo qui định. Chẩn đoán nguyên nhân gây tử vong: “Suy hô hấp, suy tuần hoàn sau tiêm chủng có thể do sốc phản vệ trên cơ địa trẻ bị quá mẫn, chưa loại trừ nguyên nhân khác gây tử vong. Loại trừ nguyên nhân do vắc- xin và thực hành tiêm chủng”.
“Không nhận lấy tiền đâu chôn cất con?”
|
Biên bản thỏa thuận nhận tiền hỗ trợ, không khiếu kiện. |
Ngày 28/11, phóng viên báo Tiền Phong tìm đến gia đình bé Trần Mỹ Ngọc, ở ấp Vĩnh Tường, xã Hưng Phú (Phước Long). Ông Trần Văn Đây (SN 1970) và vợ ông là bà Đặng Thị Hai (SN 1979) là cha mẹ cháu Ngọc thuộc diện hộ nghèo khó nhất vùng này.
Vợ chồng ông không có nghề nghiệp ổn định, không đất đai nên phải ở đậu cha mẹ. Cách nay 7 năm, khi đang đi làm thuê ở Đồng Nai, ông Đây bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, may mắn thoát chết.
Sau đó, hai vợ chồng bồng bế đứa con trai 2 tuổi về quê ở ấp Vĩnh Tường, xin một miếng đất của cha mẹ dựng căn chòi để ở. Anh chị em họ hàng gom góp cho tiền mua chiếc xe máy Trung Quốc để chạy xe ôm kiếm sống. “Nhà nghèo, đứa con gái nhỏ ra đời là niềm vui gia đình, nay không còn nữa”.
Ngôi nhà rộng chưa đầy 20m2, vách lá rách nát, nền đất nứt nẻ. Không có bàn ghế để tiếp khách, ông Đây mời chúng tôi ngồi tạm trên chiếc giường cũng là chỗ ngủ của cả nhà.
Vì sao chưa tìm ra nguyên nhân tử vong của bé mà gia đình lại nhận 40 triệu đồng để “không đưa ra pháp luật, không mổ tử thi, không khiếu nại về sau?”. Ông Đăng nói: “Nếu làm lớn chuyện, truy cứu ra pháp luật thì tôi cũng không biết lấy đâu ra tiền để mai táng cho con. Bà con hàng xóm động viên, an ủi, dẫu sao con tôi cũng đã chết rồi, mổ xẻ thêm đau, thưa kiện tốn kém lắm”.
Gia đình của ông Trần Văn Đây, tổ chức chôn cất cháu Trần Mỹ Ngọc ngay tối ngày 24/11. Ông Giảng Thanh Nhã, Chủ tịch UBND xã Hưng Phú cho biết: “Gia đình ông Trần Văn Đây đã thoát nghèo. Chính quyền và đoàn thể xét đưa vào danh sách cất nhà 167 trong thời gian sắp tới”.
PV báo Tiền Phong trao đổi với bác sĩ Lâm Kim Liêu, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Bạc Liêu: Ai đề xuất hỗ trợ 40 triệu đồng, nguồn từ đâu? Khi ông Ân, Công an huyện Phước Long có bàn bạc với gia đình, chính quyền địa phương và đề xuất. Bác sĩ Bùi Quốc Nam, GĐ Sở y tế Bạc Liêu hứa vận động hỗ trợ 40 triệu đồng. Trước mắt, đưa 10 triệu đồng và sau đó đưa tiếp 30 triệu đồng. Nguồn tiền mượn của Bệnh viện đa khoa Phước Long. Sau này, ai xuất tiền để trả lại Bệnh viện đa khoa Phước Long? Sẽ vận động trong cán bộ, công nhân, viên chức ngành y tế. Bác sĩ có nghĩ rằng phương án hỗ trợ tiền và không khám nghiệm không khiếu nại có ảnh hưởng đến kết quả điều tra nguyên nhân tử vong bé Trần Mỹ Ngọc cũng như vấn đề cảnh báo an toàn tiêm chủng? Theo tôi, về nguyên tắc phải làm rõ đúng sai, rồi rút kinh nghiệm cho toàn tỉnh, toàn quốc. Phương án này không khả thi lắm đâu! Sau khi báo cáo cấp trên làm theo hướng sử dụng vắc- xin. Là bác sĩ chuyên môn y tế dự phòng, bác sĩ có tin hoàn toàn kết luận của Hội đồng chuyên môn về nguyên nhân tử vong nói trên? Trong chương trình có dự báo phản ứng nhẹ sau tiêm, còn trường hợp này nặng, dẫn đến tử vong. Ở đây, phải hiểu thêm rằng người dân ngại mổ tử thi. Cũng có ý kiến đề xuất nhưng gia đình không chấp nhận nên chúng tôi chấp nhận về tình cảm. Việc can thiệp mổ tử thi, tìm nguyên nhân tử vong là cơ quan pháp y. |
Theo Tiền Phong