Với kết luận này xem ra hồ thủy điện có công giảm lũ chứ không phải làm tăng lũ, gây ngập lụt như cư dân miền Trung bức xúc hiện nay. Thậm chí, cơ quan này khẳng định: “Có một số ý kiến cho rằng, nhà máy thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên xả lũ gây ngập lụt lớn ở hạ du là chưa phản ánh đầy đủ khách quan thực trạng”.
Thủy điện có công cắt lũ
Tổng Cục Năng lượng cho biết, báo cáo của EVN và các chủ đầu tư thủy điện cho thấy, việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đã tuân thủ đúng quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa. Các Sở Công Thương và các chủ hồ thủy điện đều tuân thủ nghiêm về thời gian thông báo xả lũ theo quy trình.
Chủ hồ thủy điện A Vương đã thông báo trước 3h bằng fax và sau đó đã gọi điện thoại xác nhận. Chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4 cũng đã thông báo trước 2h. Khi tiến hành mở cửa van đầu tiên hoặc điều chỉnh tăng lưu lượng xả, chủ hồ này đều gửi văn bản qua fax, sau đó gửi email, gọi điện xác nhận. Chủ hồ sông Ba Hạ cũng gọi điện thông báo trước 3h30 phút, chủ hồ chứa thủy điện An Khê, Ka Nak đều đã gửi thông báo bằng fax trước 2h.
Xả lũ đúng quy trình nhưng dân vẫn chết vì ngập lụt. |
Các hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới đều thường xuyên thông báo công tác điều tiết nước hồ về Ban chỉ huy công tác phòng chống lụt bão của tỉnh.
Bảng thống kê xả lũ của 16 hồ cho thấy, các nhà máy thủy điện không gây lũ thêm cho hạ du mà còn góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông mặc dù các hồ chứa này không có nhiệm vụ chống lũ.
Ngoại trừ 3 hồ là hồ thủy lợi Bình Điền (Thừa Thiên Huế), hồ Za Hung và hồ Sông Côn 2 (Quảng Nam) có lưu lượng xả lớn nhất bằng với lưu lượng đỉnh lũ, 13 hồ còn lại đều đã cắt giảm lưu lượng đỉnh lũ.
Xét theo tỷ lệ giữa lưu lượng xả lớn nhất của hồ với lưu lượng nước lũ đến lớn nhất thì đóng góp lớn nhất là hồ Sông Hinh (Phú Yên) đã cắt giảm 87,9% đỉnh lũ xả về hạ du. Kế đến là hồ Vĩnh Sơn A (Bình Định) cắt giảm tới 70% lưu lượng đỉnh lũ về hạ du, hồ Krong H’Năng (Phú Yên) cắt giảm 53,8% lưu lượng đỉnh lũ về hạ du.
Trên lưu vực công Vũ Gia, Thu Bồn- nơi mà vùng hạ du bị ngập nặng, Tổng Cục năng lượng cho biết, hồ chứa thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) đã cắt được gần 5.000m3/s lưu lượng đỉnh lũ. Hiệu quả cắt giảm lũ của hồ Sông Tranh 2 là tích cực.
Cũng thuộc lưu vực sông trên, tại hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4, lưu lượng về đạt đỉnh lũ lớn nhất 4.360m3/s nhưng hồ Đăk Mi 4 chỉ xả lưu lượng về hạ du lớn nhất 3.900m3/s. qua đó cắt được 10,6% lưu lượng đỉnh lũ tức khoảng 460m3/s.
Trên lưu vực sông Ba, hồ chứa thủy điện sông Ba Hạ, đến 19h 17/11, lưu lượng lũ về đạt đỉnh lũ lớn nhất 5.300m3/s nhưng hồ Sông Ba Hạ chỉ xả về hạ du lưu lượng lớn nhất 3.900m3/s. Như vậy, hồ đã cắt được 26% lưu lượng đỉnh lũ (1400m3/s).
Tại lưu vực sông khác, Tổng cục năng lượng cũng đánh giá rằng, các đơn vị quản lý hồ Hương Điền và Bình Điền đã vận hành có hiệu quả cắt giảm lũ cho hạ du. Các thủy điện cũng đã chủ động hạ mức nước hồ để đón lũ và căn cứ vào hiện trạng ngập lụt phía hạ du để điều chỉnh lưu lượng xả theo yêu cầu.
Ở khu vực sông Côn tỉnh Bình Đình, không có các hồ chứa thủy điện lớn tham gia điều tiết lũ. Cắt giảm lũ chủ yếu là dựa vào hồ thủy lợi Định Bình có dung tích phòng lũ hơn 200 triệu m3. Hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn có đập tràn tự do, đập tự tràn với lưu lượng nhỏ, không làm gia tăng lưu lượng đỉnh lũ so với tự nhiên.
Vì thế, Bộ Công Thương kết luận, trong đợt lũ vừa qua, vai trò cắt giảm đỉnh lũ và lưu lượng lũ cho hạ du của các hồ thủy điện là tích cực, góp phần giảm mức độ ngập lụt cho hạ du.
Lũ lớn tại trời, chống sao được?
Cùng với kết luận trên, Tổng Cục năng lượng cho rằng, nguyên nhân chính và chủ yếu của các trận lũ lịch sử vừa qua là do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, nhiều nơi vượt mức lịch sử.
Chính vì đặc điểm tự nhiên, khí tượng thủy văn như vậy nên ở khu vực miền Trung, một giải pháp triệt để trong việc chống lũ lớn là không khả thi.
Thảm cảnh này hoàn toàn do trời. |
Theo cơ quan này, chiến lược chống lũ chính vẫn là chủ động phòng tránh và thích nghi với lũ bão, áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình để nâng mức chống lũ, giảm ngập lụt. Trong đó, công tác quản lý lưu vực sông, đặc biệt là hạ lưu các sông cần được tăng cường nếu không quản mức độ ngập lụt do lũ sẽ ngày càng tăng.
Tổng cục đề xuất, cần đầu tư hạ tầng chống lũ như xây các hồ chứa, đê bao theo quy hoạch, chỉnh trị sông để tăng cường khả năng thoát lũ, ổn định lòng bãi, bảo vệ khu dân cư ven sông. Cùng đó là giải pháp huy động dung tích hợp lý các hồ thủy lợi, thủy điện đang vận hành để điều tiết giảm lũ, rà soát để điều chỉnh năng lực thoát nước ở cầu cống… trên các tuyến giao thông bị ngập và có mức chênh lệch mực nước lớn giữa 2 bên đường trong đợt lũ vừa qua…
Bên cạnh đó, Tổng Cục cũng đề xuất thực hiện ngay các giải pháp phi công trình như thực hiện ngay việc trồng bù rừng theo quy định, bổ sung mạng lưới các trạm đo trên các lưu vực sông, quản lý chặt việc xây dựng các công trình dự án có ảnh hưởng việc thiêu thoát lũ, nâng cao khả năng quản lý, điều hành công tác chống bão lũ.
Theo Vietnamnet