Jingle Bells không phải bài hát Giáng Sinh

Thứ hai, 23/12/2013, 12:41
Có lẽ đây là một trong những nhầm lẫn lớn nhất của người nghe nhạc khi luôn tin rằng “Jingle Bells” là một ca khúc Giáng Sinh. Ban đầu, bài hát có tên là “One Horse Open Sleigh” được viết cho Lễ phục sinh.
“Jingle Bells” được viết bởi James Lord Pierpont với cái tên “One Horse Open Sleigh” (Trên chiếc xe ngựa kéo) vào mùa thu năm 1857, đã cách đây gần 2 thế kỷ dành cho Lễ Phục Sinh của người Mỹ. Dần dần, ca khúc này trở nên quen thuộc với biết bao thế hệ khắp nơi trên thế giới mỗi khi Giáng Sinh về.
Nó xuất hiện trên truyền hình, trong các bộ phim, ở những khu trung tâm giải trí cho đến những radio cũ kỹ vang vọng ra từ căn gác bé nhỏ hay những khu hẻm đường phố vắng vẻ. “Jingle Bells” luôn được hát bởi những dàn đồng ca với tiết tấu nhanh, giọng trưởng rất hào sảng và vui vẻ. Tuy nhiên, nếu để ý chi tiết hơn vào ca từ của bài hát, bạn sẽ dễ dàng nhận ra nó không liên quan gì đến Giáng Sinh.
Nội dung ca khúc nói về sự vui vẻ trên chiếc xe ngựa kéo trượt tuyết, khi nghe thấy những tiếng chuông kêu leng keng rất vui nhộn.“ Dashing through the snow. In a one horse open sleigh. Over the fields we go. Laughing all the way. Bells on bob tails ring. Making spirits bright. What fun it is to laugh and sing. A sleighing song tonight” (Băng qua vùng tuyết trắng, trên chiếc xe ngựa kéo này, chúng ta đi qua những cánh đồng, cười vui suốt dọc đường. Rung chiếc chuông quả lắc, mang ánh sáng về. Thật là vui khi được cười và hát. Trên chiếc xe này chúng ta sẽ hát suốt đêm nay).
“One Horse Open Sleigh” được lấy cảm hứng từ cuộc đua trượt tuyết trên chiếc xe ngựa kéo nổi tiếng của thành phố Medford bang Massachusetts hồi thế kỷ 19. Năm 1859, nó được đổi tên thành “Jing Bells or the One Horse Open Sleigh” rồi cuối cùng là “Jingle Bells” như chúng ta đã biết cho đến ngày nay.
Tiếng chuông trong bài hát thực chất không mang ý nghĩa là chuông nhà thờ, chuông Giáng Sinh như một số nhầm tưởng. Ngày đó, vào mùa đông ở New England, khi ô tô chưa trở nên phổ biến, người ta vẫn sử dụng xe ngựa để đi lại. Với điều kiện thời tiết ẩm ướt và dày đặc sương mù, người ta đeo chuông vào cổ những con ngựa để tạo ra âm thanh tránh được va chạm trên đường phố khi mà sương mù che khuất tầm nhìn. Nhịp điệu của tiếng chuông đó được mô phỏng giống tiếng vó ngựa chạy nước kiệu.
Bản “Jingle Bells” năm 1857 có phần điệp khúc mang hơi hướng cổ điển hơn giai điệu bây giờ với sự khác biệt từ cách phối hợp âm. Người ta còn dịch “Jingle Bells” sang tiếng Đức và Pháp nhưng tất nhiên bản tiếng Anh vẫn được ưa chuộng nhất. Ban đầu, “Jingle Bells” không thực sự được biết đến nhiều như hiện nay mà nó phải trải qua rất nhiều năm khi được những nghệ sĩ tên tuổi chọn để thu âm mới được đón nhận.
Công đầu tiên thuộc về Edison Male Quartetee năm 1889. Năm 1902, tới lượt Hayden Quartet thu âm ca khúc. Năm 1935, Benny Goodman và dàn nhạc của ông giữ vị trí thứ 18 trên bảng xếp hạng với thu âm “Jingle Bells”. Năm 1941, đến lượt Glenn Miller và dàn nhạc của ông cùng Tex Beneke, Marion Hutton, Ernie Caceres giành vị trí thứ 5 tại RCA Victor và còn rất nhiều phiên bản khác v.v.. Thế nhưng người làm cho “Jingle Bells” được yêu mến rộng rãi trên toàn thế giới là Bing Crosby cùng ban nhạc Andrews Sisters với bản thu âm của họ năm 1943. Đây cũng là phiên bản “Jingle Bells” phổ biến nhất được nghe tại Mỹ cho đến ngày nay.
Nhưng tại sao khi nghe “Jingle Bells”, người ta ngay lập tức nghĩ tới Giáng Sinh?  Bởi bài hát gợi lên những ký ức, hoài niệm của con người về những mùa Giáng Sinh cổ điển khi xưa với hình ảnh tuyết trắng phủ kín vạn vật, những tiếng hát lanh lảnh của đám trẻ nhỏ, tiếng vó ngựa bước đi trên tuyết, tiếng chuông leng keng…

Bởi thế mà, đôi khi chúng ta cứ bỏ mặc dù biết rằng mình đang nhầm lẫn. Như khi ta luôn có niềm tin bất diệt rằng ông già Noel Santa Claus luôn mang đến những món quà cho trẻ em trên khắp thế giới trên chiếc xe tuần lộc, hãy cứ để tất cả cứ mặc nhiên hiểu rằng “Jingle Bells” là ca khúc Giáng Sinh phổ biến nhất như cả thế kỷ nay, dù rằng tác giả viết nó không nhằm mục đích ấy.
Theo Depplus

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích