"Dân tộc Việt Nam chúng ta luôn luôn có lòng thương và giúp đỡ mọi người trong lúc hoạn nạn. Trong thời gian gần đây có hai sự kiện “bọc nilon vượt suối" và “kêu gọi lạc quyên mua nhà 10 tỷ cho nghệ sỹ”.
Hai câu chuyện dường như giống nhau nhưng cái thứ hai vẫn gợn gợn lên những điều gì đó không ổn và chưa hợp lý. Trong giới nghệ sỹ và showbiz cũng lan truyền rất nhiều những thông tin vì lý do tại sao Nguyễn Chánh Tín bị mất nhà và xuống dốc như vậy. Tuy nhiên bài báo sẽ chỉ tập trung vào các lý do khách quan cho câu chuyện “Vận động xã hội mua nhà 10 tỷ" cho nghệ sĩ.
"Không công bằng với hàng ngàn doanh nhân"
Bản chất kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận dựa trên chấp nhận rủi ro. Nguyễn Chánh Tín khi thực hiện phim Dòng Máu Anh Hùng là nhà đầu tư phim nhằm tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân. Về bản chất, tất cả các doanh nhân khi phá sản đều phải tự chịu một mình vì lý do đơn giản khi lời họ sẽ lấy hết.
Chúng ta đặt giả thuyết nếu như bộ phim lời hàng trăm tỷ thì Nguyễn Chánh Tín có đồng ý trích hết lợi nhuận lại cho xã hội như ông đang kêu gọi xã hội tài trợ cho phần thua thiệt. Không công bằng nếu ngân hàng giãn nợ hay có những động thái hỗ trợ vì ông cũng chỉ là một trong hàng trăm ngàn doanh nhân gặp khó khăn hiện nay.
Rất nhiều người hâm mộ, mạnh thường quân đến nhà riêng NSƯT Chánh Tín để chia sẻ và giúp đỡ. |
Lý do rủi ro do bị vi phạm bản quyền cũng không đủ sức thuyết phục vì nếu như vậy hàng trăm trường hợp hỏa hoạn, chìm tàu thì sẽ như thế nào. Chưa kể trong kinh doanh còn có nhiều biện pháp rủi ro phòng tránh như mua bảo hiểm cho kinh doanh.... Có những đặc ân cho doanh nhân Chánh Tín sẽ không công bằng cho hàng ngàn doanh nhân trong xã hội và là khách hàng của ngân hàng Phương Nam.
Chúng ta chỉ có thể kêu gọi xã hội chung tay nếu như các dự án tạo lợi ích cho xã hội. Ví dụ trong trường hợp Chánh Tín thế chấp xưởng phim nhằm vay tiền và việc thu hồi xưởng phim sẽ không tạo cơ hội cho ông thực hiện các bộ phim cho nước nhà. Trong trường hợp này, xã hội sẽ chấp nhận giúp đỡ.
Tuy nhiên, chúng ta thấy yêu cầu là cứu giúp mua ngôi nhà để cho ông duy trì các quyền lợi thụ hưởng cho bản thân cá nhân và gia đình ông. Không thể nào kêu gọi xã hội để giúp cá nhân thụ hưởng lợi ích cho bản thân cá nhân đó được cho dù cá nhân có nổi tiếng và hoành tráng tới mức nào đi nữa.
Chúng ta chỉ giúp đỡ khi bản thân lâm vào bước đường cùng không lối thoát khi không có nhà cửa, chỗ ở, ăn mặc. Có rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên có cuộc sống cuộc đời rất khó khăn.
Tại TP.HCM có ngôi chùa cho các ca sĩ diễn viên khó khăn cư trú vào những năm cuối đời trên Gò Vấp. Tuy nhiên, chúng ta rất ít thấy họ đứng lên kêu gọi lòng hảo tâm của người đời vì lòng tự trọng. Trong câu chuyện Nguyễn Chánh Tín, chúng ta thấy lời kêu gọi để giúp cho một cá nhân có thể quay lại ngôi nhà 10 tỷ bị mất do ông ta tự gây ra. Có vẻ không hợp lý ở đây khi mọi người phải quyên góp cho sự hoành tráng của một cá nhân.
Nhiều người góp tiền đang ở nhà ít giá trị hơn Chánh Tín
Chắc chắn có nhiều người góp tiền đang phải ở những ngôi nhà có giá trị ít hơn ngôi nhà của Nguyễn Chánh Tín. Nếu như lời kêu gọi quyên góp cho ông một ngôi nhà vài trăm triệu khi bị kê biên nhà cửa sẽ hợp lý hơn rất nhiều. Nhìn thẳng vào sự thật, khi Nguyễn Chánh Tín lâm vào ngõ cụt thì ông vẫn còn nhiều cơ hội sáng hơn rất nhiều nghệ sĩ và ca sĩ khác mặc dù phần đóng góp về nghề cũng tương đương như của ông.
Một khía cạnh tiếp nữa đó là liệu Nguyễn Chánh Tín có thật sự kinh doanh phim trong những năm gần đây hay không khi tiền thu từ Dòng Máu Anh Hùng đáng kể vào năm 2007. Kinh doanh phim là ngành khá đặc trưng khi rủi ro nhiều nhưng thắng lợi cũng có.
Câu hỏi đặt ra với số tiền thu lại kha khá, tại sao Nguyễn Chánh Tín không thực hiện tiếp các bộ phim trong những năm tiếp theo theo đúng bản chất kinh doanh thua keo này bày keo khác. Chúng ta có thể thấy hầu hết các hãng phim Việt Nam và các nhà làm phim độc lập cũng có thua có thắng nhưng chưa ai phải kêu gọi xã hội thống thiết như Nguyễn Chánh Tín.
Một góc trong căn nhà NSƯT Chánh Tín đang ở. Ảnh: Việt Văn |
Một hiện tượng cuối cùng đó là các cá nhân nổi tiếng thường tự cho phép mình đòi hỏi những đặc ân như ca sĩ Thu Minh và trong trường hợp này là nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín. Mỗi cá nhân được danh hiệu trong lĩnh vực nào là sự ghi nhận trong lĩnh vực đó. Chúng ta không thể đem cái nổi tiếng sang "ăn mày" những lĩnh vực không liên quan.
Trong sự việc này, ngân hàng Phương Nam bị dính líu oan uổng khi có nhiều người coi ngân hàng cư xử không phải với nghệ sĩ. Câu chuyện kinh doanh hoàn toàn khác hẳn. Trước quy định của ngân hàng, nghệ sĩ hay bất kỳ ai cũng đều bình đẳng với nhau. Câu chuyện thứ hai đó là quy trình xử lý nợ khách hàng phải tuân thủ các quy định về tín dụng mà nhà nước ban hành. Nếu Chánh Tín vay tín dụng ở bất kỳ ngân hàng nào khác, bài toán sẽ hoàn toàn tương tự.
Câu chuyện thứ ba, bản thân ngân hàng cũng không kiếm tìm khách hàng vì khách hàng có quyền lựa chọn trong hàng chục ngân hàng khác nhau. Chúng ta cũng có thể thấy trong trường hợp này ngân hàng Phương Nam đã quá thiện chí vì khi khoản nợ không thu hồi được sẽ chuyển sang nợ xấu và cần xử lý ngay.
Tuy nhiên, ngân hàng đã tạo điều kiện cho Chánh Tín ở lại nhà và sẵn sàng hỗ trợ 500 triệu cho việc di chuyển. Đây chính là thể hiện ân tình cho người nghệ sĩ tài hoa. Chắc chắn có rất nhiều con nợ đang ghen tỵ với cách hành xử của ngân hàng với Chánh Tín. Chúng ta hiểu cho ngân hàng để thấy thành ý và sự trân trọng của họ . Tuy nhiên tất cả đều có giới hạn và ngân hàng chỉ có thể giúp tối đa được như vậy.
Giúp hay không giúp là chuyện của mỗi cá nhân. Lòng từ thiện của xã hội cần phải được hướng vào những dự án câu chuyện giúp khắc phục thiên tai đột ngột tới con người hay dự án mang lại giá trị cho xã hội thay vì mang lại quyền lợi hạnh phúc cho một cá nhân nào đó.
Làm từ thiện chưa đủ mà còn phải cần đúng chỗ, đúng hoàn cảnh, đúng câu chuyện và đúng con người. Lòng tốt cần phải được đặt đúng chỗ, đồng tiền từ thiện cũng cần phải được gieo đúng nơi cần gieo".
Theo GDVN