Có lẽ không có cuộc thi nhan sắc nào quy tụ nhiều đại diện như Miss World. Tuy nhiên, đó không phải là điều duy nhất khiến Miss World được coi là đấu trường sắc đẹp đa dạng nhất hành tinh.
Hãy nhìn vào Top 6, 7 của Miss World trong 5 năm gần đây, ta sẽ hiểu cuộc thi này “đa dạng” như thế nào.
Top 6,7 Miss World 2009 - 2013
Không quốc gia nào có đại diện trong Top 7 năm 2009 tiếp tục bước chân vào Top 7 năm 2010, tương tự với các năm 2011 – 2012. Chỉ duy nhất có Venezuela và Brazil làm nên điều khác biệt khi 2 năm liền có đại diện lọt Top 7 (2010 – 2011 với Venezuea) và Top 6 (2012 – 2013 với Brazil). Đây là sự thật thú vị mà không phải ai cũng chú ý đến.
Các quốc gia được mệnh danh là 'cường quốc sắc đẹp” có thể chiếm ưu thế áp đảo tại những đấu trường sắc đẹp quốc tế khác nhưng với Miss World thì đó chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhất là trong thời gian gần đây. Ngay cả các Hoa hậu Thế giới cũng thể hiện sự “đa dạng” như vậy.
Bốn Hoa hậu Thế giới gần đây nhất. Từ trái qua: Megan Young (2013), Vu Văn Hà (2012), Ivian Sarcos (2011), Alexandria Mills (2010)
Nếu như vương miện cao quý của Miss World “ưu ái” các nhan sắc đến từ châu Âu trong giai đoạn 2005 – 2010 khi có đến 5 năm châu lục này có đại diện chiến thắng (trừ 2007 khi Trương Tử Lâm đến từ Trung Quốc đăng quang ngôi vị này) thì thời gian gần đây tất cả đã thay đổi.
Chiếc vương miện được “truyền tay” từ Bắc Mỹ, Nam Mỹ, tới Đông Á và hiện tại đang nằm trong tay một đại diện từ Đông Nam Á (Megan Young – Philippines). Chiến thắng của Megan Young năm 2013 là một dấu ấn đáng nhớ khi đây là lần đầu tiên một quốc gia Đông Nam Á giành được chiếc vương miện Miss World và cũng rất lâu rồi mới có một khoảnh khắc “chuyển giao quyền lực” giữa các đại diện tới từ châu Á.
Nhìn sang Miss Universe, đấu trường sắc đẹp lớn thứ 2 hành tinh, đối thủ đáng gờm của Miss World, ta sẽ thấy một sự thật “cũ mà mới”. Khi cuộc thi Miss Universe 2013 đang diễn ra, cư dân mạng đã xôn xao về một chi tiết “rất đáng chú ý”. Đó là việc tên của 5 người chiến thắng trong 5 năm gần đây nhất (2008 – 2012) đều kết thúc bằng chữ “a”. Và cuối cùng thì đương kim Hoa hậu Hoàn vũ 2013 Gabriela Isler cũng có tên nằm trong quy luật ấy.
Nhiều người cho đó là một “điềm báo” nhưng số khác lại nghiệm ra một điều đơn giản rằng: Họ đều có nguồn gốc Latin. Ngoài các năm 2008, 2009, 2010, 2013 với người chiến thắng tới từ Venezuela và Mexico thì nguồn gốc Latin của Leila Lopes (Angola), Olivia Culpo (Mỹ) được giải thích bởi lịch sử và gia đình. Trong đó, Angola là một thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha còn Olivia là người gốc Ý, thường sử dụng chữ "a" ở cuối tên của nữ giới).
Không những vậy, Miss Universe còn thể hiện sự kém “đa dạng” hơn khi các Hoa hậu đăng quang trong 5 năm gần đây hầu hết đều đến từ châu Mỹ với Venezuela thắng vào các năm 2008, 2009, 2013, Mexico đăng quang năm 2010 và Mỹ giành vương miện năm 2012.
Bốn Hoa hậu Hoàn vũ gần đây nhất. Từ trái qua: Gabriela Isler (2013), Olivia Culpo(2012), Leila Lopes(2011), Jimena Navarrete (2010)
Bên cạnh việc quy tụ nhiều đại diện sắc đẹp đến tranh tài thì địa điểm tổ chức cũng là một trong những nguyên nhân cho sự đa dạng của Miss World. Cuộc thi được tổ chức thường niên từ năm 1951 và đã có nhiều quốc gia đăng cai. Chính vì vậy, quan điểm về cái đẹp ít nhiều bị ảnh hưởng bởi thị hiếu của người dân nơi tổ chức cuộc thi. Đây cũng là cơ hội đối với các quốc gia vốn chưa nổi bật trên bản đồ sắc đẹp thế giới.
Với sự đa dạng ngày càng cao của Miss World, tỉ lệ chiến thắng chia đều cho mỗi quốc gia. Ai cũng có quyền hy vọng và biết đâu một ngày nào đó Việt Nam sẽ là quốc gia Đông Nam Á thứ hai được xướng tên trên bục cao nhất của Miss World.