NSND Trịnh Thịnh
Tối 12/4, đông đảo khán giả và người hâm mộ bất ngờ và đau đớn khi biết tin NSND Trịnh Thịnh đã ra đi ở tuổi 87 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Sinh năm 1926, NSND Trịnh Thịnh là diễn viên điện ảnh kỳ cựu của Việt Nam. Ông nổi tiếng với vai ông Củng trong phim Vợ chồng anh Lực mà giờ đây đã thành biệt hiệu mỗi khi nhắc đến ông.
NSND Trịnh Thịnh sinh vào lúc giao thời giữa chế độ phong kiến và thực dân, lớn lên tại Hà Nội. Lúc còn nhỏ, ông theo học "trường Tây" do Pháp mở. Từ nhỏ ông đã có niềm đam mê đặc biệt với điện ảnh. Tuy nhiên, các hoạt động điện ảnh của Việt Nam khi đó còn rất hạn chế, bó hẹp trong vài buổi chiếu phim công cộng ở các rạp Hàng Da, ...
NSND Trịnh Thịnh ra đi ở tuổi 87
Sau năm 1954, ông bén duyên điện ảnh với nhiều bộ phim ghi dấu ấn như Thằng Bờm, Vợ chồng anh Lực, Lá ngọc cành vàng, Lời nguyền của dòng sông, Thị trấn yên tĩnh, Vợ chồng A Phủ… Kể từ sau năm 1975, không chỉ là một nghệ sỹ quen thuộc trên màn ảnh lớn và nhỏ trong nước, NSND Trịnh Thịnh còn là gương mặt được nhiều đạo diễn Việt kiều và các nhà làm phim nước ngoài chú ý.
Với vai diễn phó chủ tịch huyện trong phim Thị trấn yên tĩnh và vai ông nội Bờm trong phim Thằng Bờm, NSND Trịnh Thịnh được trao Bông Sen Vàng cho Nam diễn viên xuất sắc nhất tại LHP quốc gia lần thứ 8 (1988).
Phim cuối cùng ông vào vai chính là Tết này ai đến xông nhà do Trần Lực đạo diễn, ra rạp năm 2002. Kể từ đó, sức khỏe của ông yếu dần và vắng bóng khỏi màn bạc.
Vợ NSND Trịnh Thịnh là bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh, hai người có 5 người con đều đã lập gia đình và sống quây quần gần nhau.
Rất đông các nghệ sĩ như: NSND Khải Hưng, NS Chiều Xuân, MC Thảo Vân… đã không cầm được nước mắt khi biết tin vĩnh biệt người nghệ sĩ Trịnh Thịnh.
Các nghệ sĩ phía Bắc không kìm được nước mắt khi nghe tin dữ từ gia đình
NSND Trịnh Thịnh
NS hài Văn Hiệp
Tháng 4/2013, làng nghệ thuật phía Bắc cũng đau buồn khi phải tiễn đưa nghệ sĩ hài Văn Hiệp. Ông ra đi do tuổi cao sức yếu, cùng với cách lao động mật độ cao nên đã không thể qua khỏi.
Sinh năm 1942, NS Văn Hiệp là thế hệ đầu tiên học tại trường Sân khấu điện ảnh lớp diễn viên cùng khoá Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu… Từ 1963 đến 1990, ông công tác tại Nhà hát Kịch TW, năm 1990 chuyển công tác sang Cục Văn hoá Thông tin. Khi đó, ông vừa viết kịch bản truyền thanh, kịch bản truyền hình vừa đạo diễn sân khấu, tổ chức và giảng dạy các lớp diễn viên ngắn ngày.
Hơn 50 năm gắn bó với sân khấu và truyền hình, nghệ sĩ hài Văn Hiệp chưa được nhận bất cứ danh hiệu nào, nhưng khán giả vẫn mến mộ và yêu thích ông bởi sự hồn nhiên, lối diễn hài chân chất, thôn quê, nhẹ nhàng, giản dị như chính cuộc sống của người nghệ sĩ này.
NS Văn Hiệp - Trưởng thôn không danh hiệu
Đảm nhận những vai diễn nông dân, "trưởng thôn", ngoài đời, nghệ sĩ hài Văn Hiệp cũng có lối sống giản dị và chân chất như thế. Dù là dân Hà Nội chính gốc, nhưng do vóc dáng nhỏ bé, nên ông luôn được các đạo diễn "chọn mặt gửi vàng" vào những vai thôn quê.
Luôn mang đến tiếng cười cho khán giả, ít ai biết, ngoài đời, dù đã ở tuổi hơn 70, nhưng nghệ sĩ hài Văn Hiệp vẫn sống vò võ một mình. Ông cũng không được nhận bất cứ danh hiệu gì của nhà nước. Tuy nhiên, không tiếc nuối, trách móc gì về điều này, nghệ sĩ hài Văn Hiệp luôn suy nghĩ lạc quan, tin tưởng, nhìn mọi việc đơn giản. Ông từng khuyên thế hệ đi sau: "Tôi không hề hối tiếc gì cả. Những gì cố gắng thì cũng đã cố rồi, tiếc mà làm gì. Theo tôi thì mọi vấn đề nên đơn giản hóa đi cho dễ sống. Hãy sống như con giun đi mình sẽ được thanh thản thôi”.
Tiếc thương NS Văn Hiệp, các NS phía Bắc đã cùng nhau làm đơn xin đặc cách danh hiệu NSƯT cho ông. Gần một tháng sau ngày mất, ông được Bộ VH-TT&DL phong tặng danh hiệu NSƯT.
Gần 1 tháng sau ngày mất, NS Văn Hiệp được truy tặng danh hiệu NSƯT
NSƯT Hồ Kiểng
Trước tin dữ về NS Văn Hiệp, ngày 3/4/2013, làng nghệ thuật phía Nam cũng đau buồn khi nghe tin NSƯT Hồ Kiểng qua đời lúc 16 giờ 15 phút ngày 3/4 tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TPHCM, hưởng thọ 87 tuổi.
Theo người thân trong gia đình NSƯT Hồ Kiểng, khi đang ở chung cư Cao Thắng, quận 3 - TPHCM thì ông bị té ngã do bệnh tim tái phát. Người nhà vội đưa ông đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng NS Hồ Kiểng đã không thể qua khỏi. Được biết, suốt thời gian dài vừa qua, ông sống bằng quả tim nhân tạo.
NSƯT Hồ Kiểng sinh năm 1926 tại Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre. Ông tham gia đóng phim từ năm 1959 và từng tham gia hơn 200 bộ phim, gần 50 vở kịch nói, hơn 300 kịch truyền thanh, 12 vở cải lương.
NS Hồ Kiểng luôn được khán giả phía Nam yêu mến bởi phong cách giản dị, thân thiện
Dù tuổi đã cao lại sống bằng tim giả nhưng NSƯT Hồ Kiểng vẫn tất bật trên phim trường, bền bỉ làm việc không ngừng. Với ông, đóng phim không chỉ để kiếm sống mà còn thỏa đam mê với nghề nghiệp đã chọn.
Một số bộ phim lão nghệ sĩ này tham gia tạo ấn tượng cho người xem như: Đất Phương Nam, Người đẹp Tây Đô, Cát bụi hè đường, Rừng xà nu, Hòn Đất, Ván bài lật ngửa... và gần nhất là Mùa hè lạnh. Dẫu đa phần ông đóng vai phụ nhưng với nét diễn cuốn hút, chân thật vẫn tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng.
Đặc biệt, ông có thể hóa thân vào đủ dạng vai từ phản diện, ác bá cho đến lão nông hiền lành, yêu nước. Nhờ vào khả năng diễn xuất đa dạng, năm 1992, NSƯT Hồ Kiểng được bình chọn là "Diễn viên đa tài đóng được nhiều loại vai chính diện cũng như phản diện".
Năm 1997, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2006, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là "Nghệ sĩ đóng nhiều vai phụ trong nhiều bộ phim Việt Nam nhất".
Cũng trong năm 2006, Hội đồng xét duyệt Sở Văn hóa Thông tin TPHCM bình chọn Hồ Kiểng là 1 trong 5 nghệ sĩ đạt chuẩn Nghệ sĩ nhân dân.
Bên cạnh diễn xuất, NSƯT Hồ Kiểng còn rất thích ngâm thơ, viết sách. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 25 tuổi và đến lúc cao tuổi vẫn không ngừng yêu thơ say đắm. Dẫu đời sống riêng tư không như mong muốn, đã nhiều lần gãy gánh nhưng bù lại NSƯT Hồ Kiểng luôn tràn đầy lạc quan, yêu nghệ thuật tha thiết và sống trọn với đam mê của mình.
Sự ra đi của NS Hồ Kiểng là một mất mát với điện ảnh nước nhà
Theo Khám Phá