Tôi đến Viện dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8, TP.HCM) gặp Thiên Kim trong một chiều mưa tầm tã. Viện dưỡng lão mịt mù trong mưa, buồn thiu, sũng nước. Trong một góc nhỏ hắt hiu, Thiên Kim ngồi đó, nụ cười hiền hòa, phúc hậu như chưa từng vương vít bụi trần. Thế mà, đời bà cứ dữ dội như mặt biển phía gần bờ, không khi nào thôi cuộn sóng.
Hồng nhan bạc phận
Thiên Kim là con của kép độc Sáu Đỏ nổi danh, thầy của cố NSƯT Hoàng Giang. Nghệ sĩ vốn đa tình, mà nghệ sĩ cải lương lại còn vướng thêm phúc phần lang bạc. Bởi thế khi Thiên Kim mới 2 tuổi đầu thì gia đình gặp phải điều không may - cha bà bỏ đi biền biệt không về. Vậy mà Thiên Kim không hề oán trách cha. Trái lại, mỗi khi người đời nói về cha lấp lánh hào quang, bà luôn len lén chút tự hào.
Năm 4 tuổi, mẹ bà tái hôn với người đàn ông khác. Bà được gửi về nhà vợ cả, bởi người lớn bàn với nhau rằng, ở đó bà được sống sung túc hơn; rằng, bà như một sự gắn kết đầy cảm tình giữa hai người phụ nữ. Có biết đâu, bao nhiêu ghen tức, tủi hờn của kiếp chồng chung, người vợ cả đày hết lên đầu đứa trẻ. Sai cũng đánh, không sai cũng bị đánh, đánh mà không cho khóc. Đến khi hiểu chuyện một chút, cũng là lúc nước mắt của bà đã ráo khô.
Đôi khi, bà không thể hiểu tại sao người ta lại thù hằn bà đến vậy. Bà đã quen với việc không được gặp mẹ ruột, dù mẹ qua thăm, dù mẹ ngồi đó, rất gần. Bà càng quen với việc nói dối cha dượng rằng mình bị té, rằng do quá tinh nghịch nên người cứ chi chít vết thương. Mới con nít con nôi bà đã quen dần cay đắng.
Năm Thiên Kim lên 8 tuổi thì cha dượng bị đày ra Côn Đảo rồi bặt tăm từ đó. Bà được trả về cho mẹ ruột rồi lang bạt theo hai chị lớn đi đoàn hát Kim Thoa. Mẹ bà phản đối ghê gớm lắm, nhưng bà thích quá, mẹ cũng chẳng biết phải làm sao. Mỗi lần nghe cái giọng còn non nhuốt của bà ngân một đoạn ca lanh lảnh, mẹ lại lắc đầu: “Đúng là, dòng máu của cha bây…”. Từ đó, bà rong ruổi đeo mang nghiệp hát. Người ba biết mặt, gọi tên Thiên Kim qua nàng Điêu Thuyền tuyệt sắc trong Phụng Nghi Đình, cô công chúa dịu dàng trong Tam hoàng tử tranh hôn,… Bà đã từng nghĩ, thôi thì nghề cũng đâu có bạc. Nhưng mà, cái tiếng bạc bẽo của nghiệp xướng ca nó đã thành vận số…
Năm 18 tuổi bà lấy chồng. Một sĩ quan trong quân đội Việt Nam cộng hòa si mê bà như điếu đổ. Lúc đầu, bà kiên quyết chối từ vì cả hai đang ở hai đầu chiến tuyến. Chị cả của bà từ lâu đã theo cách mạng và hoạt động tại vùng Đồng Tháp Mười.
Mãi sau này, khi biết anh hoạt động hai mang là tình báo của cách mạng bà mới yên lòng gật đầu đồng ý. Vậy mà, duyên tình như bèo nước, hợp tan chớp mắt như một lẽ đương nhiên. Bà sinh con đầu lòng được 3 tháng thì hay tin chồng tử trận. Xác anh chìm nghỉm dưới đáy nước thẳm sâu. Năm ấy, bà mới vừa tròn 19 tuổi. Tóc mới xanh sao đã trắng tang chồng…
Vở diễn ám ảnh cuộc đời
Hạnh phúc mới tròn đã mất đi quá sớm khiến Thiên Kim trở nên suy sụp. Nhưng đứa con “khát sữa bú tay” buộc bà phải tự mình vực dậy. Và hằng đêm trên sân khấu rực rỡ ánh đèn bà vẫn mỹ miều, môi cười mắt liếc, mua vui cho đời. Không ít người si mê, không ít người sẵn sàng cưu mang một “bóng hồng bạc phận”. Nhưng bà sợ rủi may cuộc đời rồi sẽ nhấn chìm hạnh phúc lứa đôi thêm một lần nữa. Bà không còn tin mình có thể nắm giữ được những yên vui.
Những năm 50, tinh thần dân tộc, ý chí đấu tranh bùng phát mạnh mẽ trong giới sân khấu cải lương. Nội dung tuồng tích thường hướng đến ý nguyện thống nhất hai miền Nam Bắc. Thời điểm ấy, đoàn Kim Thoa tái hợp, Thiên Kim được về làm đào chánh. Lúc này, giới nghệ sĩ trí thức đang ấp ủ dựng vở Lấp sông Gianh, do soạn giả Kinh Luân viết. Thiên Kim được chọn vào vai chánh – cô gái mang tên Thơ Đào vở Lấp sông Gianh kể về một mối tình ở thời Trịnh - Nguyễn phân tranh của Thơ Đào và Từ Vũ. Đất nước bị chia cắt, lấy ranh giới là sông Gianh khiến tình yêu đôi trẻ bị chia lìa, ngăn trở.
Đêm 19/2/1955, vở Lấp sông Gianh ra mắt tại rạp Nguyễn Văn Hảo, nay là rạp Công Nhân, do nghệ sĩ Duy Lân làm đạo diễn. Nghệ sĩ Thiên Kim bồi hồi kể lại: “Từ cánh gà nhìn ra, trống ngực tôi đập liên hồi vì khán giả đến coi đông nghẹt, toàn rạp không còn một chỗ trống. Anh em ai cũng hăng hái chuẩn bị cho đêm diễn thiêng liêng”.
Vở diễn gây xúc động mạnh mẽ, nỗi đau đớn bởi dân tộc bị cắt chia khiến cả khán phòng chìm trong nước mắt. Những hồi ức đầy tang thương như hằn lên trong mắt người nghệ sĩ đã đi qua nửa đời người, bà nghẹn ngào trong nước mắt:
“Người tôi run lên đầy xúc cảm khi đại cảnh lấp sông Gianh – màn cuối cùng của vở diễn được bắt đầu. Hai mảnh bức địa đồ Việt Nam từ từ được ráp lại. Tất cả các diễn viên, vai phụ, vai chánh, hậu đài đều được huy động lên sân khấu để cùng chúng tôi “lấp sông Gianh”. Khán giả phía dưới ôm nhau trào nước mắt”.
Bỗng nhiên, hai tiếng lộc cộc khô khốc vọng tới, sân khấu tóe lửa rồi một tiếng nổ đinh tai gầm lên. Thiên Kim nằm bất động, miểng lựu đạn đã ghim chi chít vào chân bà khiến bà không thể gượng dậy. Mùi thuốc súng nặc nồng, sân khấu nhuốm đầy máu đỏ. Nhà báo trẻ Nguyễn Mai gục chết ngay tại chỗ. Nghệ sĩ Ba Cương bị mảnh lựu đạn cắt hai chân đứt lìa, rồi 3 giờ khuya hôm ấy, ông cũng không cãi được số trời mà tức tưởi ra đi đầy oan khuất. Hề Phiên bị thương vùng bụng, 10 ngày sau anh cũng không qua khỏi. Đạo diễn Duy Lân bị đứt lìa một chân, phải cam chịu giã từ sân khấu.
Phần Thiên Kim, cho đến giờ bà vẫn bị những mảnh lựu đạn còn nằm lại trong người hành hạ. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương nhói lên đau nhức từng cơn thì những quá khứ kinh hoàng lại hiện về mồn một. Sân khấu tan hoang đẫm máu, những cái chết đầy oan khiên bám rịt lấy tâm trí bà cả một đời. Không vượt qua được nỗi sợ hãi, ám ảnh đeo mang, bà đành từ biệt sân khấu cải lương.
Danh vọng phù hoa
Không còn diễn được trên sân khấu nữa, Thiên Kim đi làm lồng tiếng phim cho hãng Mỹ Vân. Bà đã từng tái giá, nhưng một lần nữa duyên tình nửa đường gãy gánh. Như con chim sợ cành cong, bà không dám nghĩ đến hạnh phúc lứa đôi nữa.
Khoảng thời gian ấy, Thiên Kim như con thoi, sớm tối đi đi về về, vừa lo cho 5 mặt con lại phải dưỡng mẹ già, còn cưu mang cả mấy đứa con của người chị đang hoạt động cách mạng tại Phần Lan. Cuộc sống khốn khó, bức bí đến ngợp thở. Nhưng bà vẫn không nửa lời than van, bởi… chịu cực quen rồi, cay đắng khổ đau cũng quen rồi. Bà thả rơi ánh nhìn vào màn mưa như bất tận, nói nhẹ như hơi thở: “Tôi không biết quãng thời gian ấy mình đã vượt qua bằng cách nào nữa. Mà thôi, chắc không nhắc lại thêm. Có gì vui đâu”.
Mà thật, đời bà có gì vui đâu. Cứ mãi miết chạy theo cuộc mưu sinh để đến khi giật mình nhìn lại đã thấy tuổi già sầm sập tới. Con cái, ai nấy nghèo xác, nghèo xơ. Không nỡ để con thêm gánh nặng, bà lại tất bật đi đóng phim, diễn kịch để tự lo cho bản thân. Cả đời gắn với ánh hào quang sân khấu, dẫu biết đó chỉ là thứ danh vọng phù hoa nhưng bà vẫn cháy hết mình cho đam mê, khao khát. Để đến khi bức màn nhung dần khép, giật mình ngoảnh lại mới thấy, chẳng còn gì trong tay…
May mà tổ còn đãi, người còn thương. Đớn đau, khổ nạn cứ đeo mang, nhưng khi được diễn là Thiên Kim lại quên đi hết phần số hẩm hiu đã vít lấy cuộc đời bà. Thế nên, người ta thấy một Thiên Kim với vẻ mặt lúc nào cũng rạng rỡ, không gợn buồn lo thì lại nghĩ chắc lòng bà nhiều nỗi an nhiên. Hỏi Thiên Kim, bà chỉ cười: “Nói đời tôi buồn thì cũng phải, nhưng may mắn là tổ nghiệp cho cái mặt tươi vui để tiếp tục làm nghề”.
Rồi Viện dưỡng lão nghệ sĩ được thành lập, bà xin về đây để có chỗ tá túc, có chỗ đi đi về về. Nghệ sĩ đến khi đã về Viện dưỡng lão, hầu hết đều thấm thía lắm cái sự bạc bẽo của kiếp xướng ca. Dẫu khổ đau đắng cả một đời, nhưng cho đến giờ Thiên Kim vẫn tự nhận mình là người may mắn. Bà bảo: “Tôi may mắn vì còn được đi diễn, được khán giả thương. Đời người nghệ sĩ, chỉ cần bấy nhiêu là đủ. Tôi còn đòi hỏi gì nữa đây”. Viện dưỡng lão vẫn mịt mù trong mưa, nghệ sĩ Thiên Kim thả rơi ánh nhìn vào xa vắng, rồi cười, nụ cười sũng nước.
Theo Một thế giới