Chuyện "chưa từng có" trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc Việt
Sự việc Hoa hậu các dân tộc VN 2011 Triệu Thị Hà viết đơn xin trả lại danh hiệu gây xôn xao trong những ngày qua. Đây có thể coi là một chuyện khá hi hữu trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc Việt bởi từ trước đến nay, chưa từng có một người đẹp nào từ bỏ ngôi vị đang có được. So sánh với những scandal của những người đẹp trước đây, các hoa hậu như Diễm Hương, Thùy Dung... còn xin lỗi công chúng để mong giữ lại danh hiệu, vì thế, chuyện của Triệu Thị Hà càng khiến dư luận tò mò, suy đoán.
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn một bài báo, Triệu Thị Hà cho biết, cô phải chịu nhiều áp lực và vất vả sau khi đăng quang bởi phải thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ nhưng chỉ được... vài triệu đồng gửi về nhà:
"Năm 2013, trong vai trò đương kim hoa hậu của cuộc thi, tôi và các người đẹp khác theo chân ban tổ chức đi vận động các thí sinh dự thi mùa giải mới cũng như đi vận động tài trợ. Cá nhân tôi phải tham gia dày đặc hoạt động, tập luyện rất nhiều, cực lắm. Ban tổ chức dắt chúng tôi đi nhiều nơi có khi suốt một tuần liền, ngày nào cũng làm việc từ sáng đến tận khuya, 12h đêm vẫn phải đi.
Một phần, sức khỏe tôi không đảm bảo; phần khác, tôi phải nghỉ học liên tục nên phải làm đơn xin trường bảo lưu kết quả. Những chuyến đi như thế, mỗi lần trở về, tôi quá đuối. Nhiều lúc đi nguyên cả tuần với cường độ như thế nhưng tôi chỉ được vài triệu đồng để gửi về nhà. Tôi nghĩ với danh hiệu hoa hậu, tôi phải nhận được số tiền xứng đáng với sức lao động của mình" - Triệu Thị Hà cho biết.
Triệu Thị Hà trong đêm đăng quang HH Các dân tộc VN 2011, cô nhận hoa từ đương kim hoa hậu
Hoàng Nhung và quý bà Kim Hồng
Tuy vậy, người đẹp đã không đồng hành cùng cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN 2013 theo
yêu cầu của BTC
Tâm sự về lý do viết đơn xin trả lại danh hiệu, Triệu Thị Hà cho biết, cô đã viết đơn từ năm 2013, tuy nhiên, đến giờ câu chuyện mới lan ra:
"Lúc đó, vì lý do sức khỏe và cảm giác áp lực, tôi xin chị Kim Hồng cho tạm nghỉ đồng hành cùng cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam 2013 (lúc đó đang diễn ra) một thời gian, nếu khỏe lại tôi sẽ tiếp tục. Nhưng chị Hồng nói rằng, cuộc thi đang diễn ra rồi. Một là tôi phải theo chương trình hoạt động cùng các thí sinh đến hết tháng 6 ở Hội An. Hai là tôi phải viết đơn từ bỏ vương miện, danh hiệu để người khác lên làm thay. Chắc chị Hồng chỉ muốn gây sức ép để tôi làm việc thôi. Nhưng sau khi suy nghĩ tôi quyết định gửi lá đơn viết tay lên ban tổ chức xin trả lại danh hiệu.
Gần một năm trôi qua, đến giờ, đơn vẫn nằm ở cơ quan chức năng còn đại diện ban tổ chức thì không lên tiếng. Sau cuộc thi Hoa hậu các dân tộc 2013, chị Kim Hồng thỉnh thoảng cũng kêu tôi đồng hành với ban tổ chức trong các chương trình cho đến hết thời hạn hợp đồng vào tháng 12/2013, nhưng tôi không đồng ý tham gia".
"Dũng cảm" hay không hoàn thành trọng trách của một hoa hậu?
Lời tâm sự của Triệu Thị Hà nhận được nhiều luồng tranh luận của cư dân mạng. Một số ý kiến cho rằng cô đã "dũng cảm" khi dám từ bỏ vương miện - một điều mơ ước của không ít cô gái. Tuy nhiên, bên cạnh đó, khá đông khán giả lại khẳng định, Triệu Thị Hà đã không thực hiện đúng sứ mệnh của một hoa hậu bởi việc đồng hành cùng cuộc thi sau khi đăng quang là điều hoàn toàn bình thường:
"Tôi thấy bạn chẳng xứng là hoa hậu, khi bạn đã đăng quang và việc đồng hành như vậy là quá bình thường, nhiều người còn khổ hơn bạn nhiều ấy chứ!" - Một ý kiến cho biết.
"Hoa hậu thì phải đồng hành cùng BTC trong các hoạt động sau này là đúng rồi. Thử nhìn xem, trong các cuộc thi hoa hậu, người đương kim bao giờ cũng đi cùng, truyền đạt kinh nghiệm cho các thí sinh đi sau. Còn trong các hoạt động từ thiện thì chỉ có một chút kinh phí hỗ trợ, chứ đâu thể nhận cát sê khủng như khi đi sự kiện hay quảng cáo" - Thành viên tên Lyna Nguyễn khẳng định.
"Cuộc thi đưa bạn lên ngôi vị hoa hậu, bạn cũng ký hợp đồng đến hết năm 2013 thì đương nhiên phải thực hiện theo đó là đúng rồi. Những hoạt động bạn nói là quảng bá, giúp nâng cao thương hiệu cuộc thi bạn tham gia chứ đâu phải thương mại gì. Rất nhiều người đẹp Việt đều tự nguyện tham gia các chương trình từ thiện một cách miễn phí. Khi tham gia các hoạt động cộng đồng, khán giả và truyền thông sẽ chú ý đến mình, khi đó mới có nhiều sự kiện, hay các thương hiệu mời gọi. Chứ hoa hậu đâu phải là một nghề để kiếm tiền" - Một thành viên khác đồng tình.
Sau khi bài phỏng vấn Triệu Thị Hà được đăng tải trên một trang mạng, rất nhiều ý kiến
tranh luận về trách nhiệm trong vai trò hoa hậu của cô
Triệu Thị Hà đăng quang HH các dân tộc VN 2011 khi cô tròn 19 tuổi, đang theo học ở ĐH Thái Nguyên. Cô từng tâm sự về gia đình mình rất nghèo ở Cao Bằng, bố trước là quản lý thị trường nhưng sau khi bị tai nạn đã bị mù lòa và ở nhà. Mẹ cô làm ruộng, dưới Triệu Thị Hà còn có một em trai đang học lớp 10.
Sau khi đăng quang, Triệu Thị Hà gần như mất tích hoàn toàn trên truyền thông. Thời gian gần đây, cô gây xôn xao khi nhận cát sê 100 triệu tham gia một chương trình ở Đà Nẵng. Trước đó, trong lễ hội pháo hoa của quê hương, Triệu Thị Hà cũng bị cho là ăn mặc không phù hợp khi cô xuất hiện với trang phục áo vest, quần jeans cùng đôi giầy cao lênh khênh trên sân khấu.
Liên lạc với Trưởng ban tổ chức cuộc thi, TS Kim Hồng cho biết, bà đang ở nước ngoài nên chưa thể trả lời. Trong tuần này, khi về nước, TS Kim Hồng sẽ gửi đến truyền thông câu trả lời cụ thể, xác đáng về trường hợp Triệu Thị Hà.
Triệu Thị Hà bị cho là ăn mặc không phù hợp khi xuất hiện trong Lễ hội pháo hoa ở quê hương
Mới đây, cô gây xôn xao khi nhận cát sê 100 triệu tham gia một chương trình du lịch ở Đà Nẵng
Theo Eva