Rất tiếc cho ông Phương bởi đây không phải là show ca sĩ X hay Y nào đấy mà là show Khánh Ly hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn - người đã được xếp vào hàng tượng đài của công chúng và âm nhạc đã được xếp vào nhóm “thoát tục”.
Thế nên không ngạc nhiên vì sao hình ảnh của ông Phương nhanh chóng được phác ra như một người xấu xí. Nhân danh công chúng, nhiều người kết tội nhạc sĩ Phó Đức Phương đã hủy hoại tình cảm khán giả, quấy rối chương trình của người đàn bà nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn, hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Tất nhiên, tổn thương thì mỗi người một kiểu. Nhưng một khi đã tham gia vào cuộc kinh doanh thì mọi thứ phải sòng phẳng, rõ ràng và thượng tôn pháp luật bởi pháp luật chính là ý chí và nguyện vọng rõ ràng nhất của xã hội.
Vận dụng pháp luật, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đã ủy thác cho VCPMC thay mặt gia đình thu tiền tác quyền tác phẩm Trịnh Công Sơn. Vận dụng pháp luật, VCPMC đã yêu cầu nhà tổ chức show Khánh Ly phải trả số tiền gần 200 triệu đồng cho show diễn tại Hà Nội, trả tiền cho show diễn ở Đà Nẵng và cả những nơi chương trình sắp diễn ra. Và cũng vận dụng pháp luật, Công ty Đồng Dao đã buộc VCPMC phải trưng ra giấy ủy quyền có đủ chữ ký (có công chứng) của năm người thừa kế vị cố nhạc sĩ tài hoa này.
“Cuộc chiến” không chỉ gói gọn trong phòng họp show Khánh Ly, không chỉ tại Hà Nội, Đà Nẵng mà mở rộng ra cả mạng xã hội với sự tham gia của nhiều công ty tổ chức biểu diễn và cả giới văn nghệ sĩ.
Phe thì tố cáo VCPMC thu chi không minh bạch, không thống nhất - lúc thu giá cao, khi thu giá thấp, thu nhiều nhưng chi trả không bao nhiêu. Phe kia bảo rằng mình đang hành xử đúng theo mọi quy định của Nhà nước, trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình. Cuộc chiến ấy sẽ còn dài và sẽ không có đoạn kết nếu các bên liên quan (và cả khán giả) chưa quay trở lại điểm xuất phát - quy định của luật.
Luật sở hữu trí tuệ đã khẳng định việc sử dụng tác phẩm phải được sự đồng ý của tác giả (trừ tổ chức phát sóng được phép sử dụng trước mà không phải xin phép, nhưng phải trả tiền; hoặc sử dụng cho nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền... thì không phải xin phép, không phải trả tiền). Nếu không, đó là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Cụ thể trong trường hợp show Khánh Ly, ban tổ chức không chứng minh được việc họ đã xin phép và được sự đồng ý của tác giả, nghĩa là chương trình vi phạm pháp luật. Lẽ ra khi đó Thanh tra Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng đã có thể xử lý chứ không phải yêu cầu các bên làm rõ sự chính đáng của mình rồi rời khỏi phòng họp. Sử dụng tác phẩm thì phải xin phép, phải trả tiền, hoặc sẽ không được biểu diễn. Có làm được hai việc đơn giản, cơ bản thể hiện rất rõ trong luật ấy thì những cuộc tranh cãi mới có thể kết thúc và luật pháp được thực thi nghiêm minh.
Việc một tác phẩm được định giá cao hay thấp là hết sức võ đoán và hoàn toàn không phù hợp với quy luật kinh tế. Với chủ sở hữu tác phẩm, mọi tác phẩm là vô giá và đối với người mua thì mọi mức giá đưa ra đều luôn đắt. Thế nên dù là tác phẩm văn học hay âm nhạc, phim ảnh... người ta mới phải đàm phán với nhau để có một mức giá hợp lý, chấp nhận được đối với các bên. Đồng Dao bảo đắt, Trịnh Vĩnh Trinh bảo rẻ sẽ là cuộc tranh cãi không đoạn kết nếu hai bên không có thái độ hợp tác, sẵn sàng thương lượng để hoàn tất thương vụ.
Tưởng cũng cần phải minh định rằng sự việc đáng tiếc vừa qua chỉ thuần túy là chuyện tiền bạc, kinh doanh. Mà, riêng trong chuyện tiền bạc thì cũng cần phải nhắc chính giới nhạc sĩ khi thường xuyên tự thỏa thuận các hợp đồng riêng dù đã ủy thác hoàn toàn các quyền này cho VCPMC. Nếu cho rằng VCPMC làm việc không minh bạch, với tư cách tác giả, các nhạc sĩ hoàn toàn có quyền yêu cầu đơn vị này giải trình hoặc thanh lý hợp đồng hơn là vẫn cứ ký hợp đồng, buộc VCPMC đi đòi tiền cho mình và vẫn cứ kêu lên rằng VCPMC chưa minh bạch.
Theo TTO