Ca sĩ nai lưng làm nhạc cho trang mạng “xơi”

Thứ bảy, 23/07/2016, 09:35
Hầu hết ca sĩ có sản phẩm âm nhạc trên các trang kinh doanh nhạc trực tuyến nhưng chỉ khoảng 10% thu được tiền từ hệ thống này

Những tưởng nghệ sĩ đang làm giàu trên các trang nhạc trực tuyến như YouTube, Zing MP3, Nhaccuatui… vì người nghe không khó tìm kiếm bất cứ ca khúc thuộc thể loại âm nhạc nào, từ mới nhất đến tuổi đời vài thập kỷ, từ bài hát lẻ đến tuyển tập, đang có trên các trang âm nhạc trực tuyến, sau khi chịu khó xem clip quảng cáo đi kèm. Thế nhưng, thực tế không như vậy khi hầu hết nghệ sĩ đang nai lưng ra làm nhạc cho các trang mạng hưởng lợi.

Bỏ mặc nghệ sĩ “nhỏ”

Ước tính chỉ khoảng 10% nghệ sĩ có ca khúc trên mạng được hưởng bản quyền như Mỹ Tâm, Cẩm Ly, Lệ Quyên... Đó là những giọng ca tên tuổi có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đủ để hình thành những bản hợp đồng khai thác nhạc trực tuyến từ các đơn vị kinh doanh. Hiện nay, nghệ sĩ Việt không thể nhận tiền trực tiếp từ kênh YouTube (là kênh nhạc trực tuyến lớn nhất hiện nay) mà phải thông qua hai đại lý Pop Media và Yeah 1.

Đây là 2 đơn vị chịu trách nhiệm truy thu đối soát và thanh toán lại cho nghệ sĩ Việt. “Tuy nhiên, điều bất cập là khi gom “quân”, các đại lý không bỏ sót ai nhưng chỉ có nghệ sĩ thật sự tên tuổi mới được đối soát và thanh toán thường xuyên” - Mai Lâm (quản lý của ca sĩ Hồ Trung Dũng, Chí Thiện và giọng ca nhí Bảo An) cho biết.

Mỹ Tâm là ca sĩ hiếm hoi tự kinh doanh nhạc của mình qua mạng mà không cần đến đơn vị thứ ba Ảnh: TARO
Theo các nghệ sĩ, việc họ nhận được tiền tác quyền từ sản phẩm của mình rất lờ mờ vì nhiều lý do. Trong đó, các đại lý phải chăm sóc tốt cho các nghệ sĩ “lớn” vì nếu không hài lòng, họ sẽ chạy sang đại lý đối thủ; còn các nghệ sĩ “nhỏ” thì bỏ mặc. Dù nhận ra bất công đối với mình nhưng do không rành bản chất của sự việc, không có thời gian tìm hiểu hay yêu cầu nên các nghệ sĩ “nhỏ” cũng chẳng quan tâm đến. “Đó là chưa kể điểm quy đổi ở Việt Nam rất thấp. Thậm chí, một sản phẩm đạt 1 triệu view cũng không được bao nhiêu nên hầu hết nghệ sĩ không mấy bận tâm” - ca sĩ Đông Nhi nói.

Muốn tiếp cận nhiều khán giả

Phó mặc cho đơn vị kinh doanh nhạc trực tuyến là cách làm phổ biến của nghệ sĩ Việt hiện nay. “Đưa thì nhận còn không đưa thì thôi, biết làm sao được” - ca sĩ Hồ Trung Dũng nói về tình trạng thu tác quyền trên mạng hiện nay. Theo ca sĩ Noo Phước Thịnh, thực tế nghệ sĩ đều biết mình đang nai lưng làm giàu cho các trang nhạc trực tuyến. Có điều muốn làm rõ việc này phải bỏ thời gian tìm hiểu và cả theo dõi sát sao. Thời gian đó để nghệ sĩ đi hát hay làm việc khác, chắc chắn thu nhập cao hơn việc được nhận tiền tác quyền ít ỏi từ các trang nhạc trực tuyến.

Ca sĩ Bảo Anh cho biết không tính các nghệ sĩ ngôi sao, các nghệ sĩ trẻ nhận được vài triệu đồng chi trả từ trang mạng là cao. Thậm chí, có người còn chưa đạt được mức 1 triệu đồng. “Số tiền ấy có đáng để nghệ sĩ bỏ công đi tìm hiểu không” - ca sĩ Bảo Anh nói. Vì vậy, người thu lợi sẽ là các đại lý hay các trang kinh doanh âm nhạc trực tuyến. Số tiền của mỗi nghệ sĩ không nhiều nhưng nếu cả ngàn nghệ sĩ cộng lại thì không hề nhỏ.

Bị xài chùa lâu nay nhưng rất ít nghệ sĩ lên tiếng phản đối bởi theo đại diện của YouTube, một số nghệ sĩ ăn nên làm ra và gầy dựng được danh tiếng của mình thông qua hệ thống của họ. Đây chính là lý do vì sao nghệ sĩ chịu “ngậm đắng nuốt cay”. “Hiện nay, việc các nghệ sĩ ký hợp đồng với đại lý hay các trang mạng trực tuyến là vì có lợi về lượng view (người theo dõi). Nghệ sĩ Việt đang cần view chứ chưa cần tiền bản quyền từ các trang nhạc trực tuyến” - ca sĩ Cẩm Ly phân tích.

Dù biết nhiều trang nhạc trực tuyến có doanh thu lớn từ quảng cáo (các đoạn quảng cáo xen kẽ trong thời lượng phát ca khúc) nhưng theo nhạc sĩ Minh Vy, chỉ khoảng 30% nghệ sĩ nghĩ đến chuyện đòi quyền lợi cho mình, 70% còn lại cho rằng việc sản phẩm của họ được đăng tải lên mạng đã là thu lợi về mặt truyền thông.

Thu tác quyền trên mạng khó khăn hơn

Theo thông tin từ Hiệp hội Thương mại ngành công nghiệp âm nhạc Anh quốc (BPI - Bristish Phonographic Industry), lợi nhuận thu về từ quảng cáo trực tuyến của các MV (video ca nhạc) tăng 88% (năm 2015) so với năm trước đó, trong khi mức phí trả tiền bản quyền cho nghệ sĩ và đơn vị sở hữu sản phẩm chỉ tăng 0,4%.

Hiệp hội Thu âm Mỹ (RIAA) cũng đưa ra con số tổng kết rằng doanh thu từ việc bán đĩa than năm 2015 còn cao hơn cả khoản thu được trả từ YouTube. Đó là những bất hợp lý khiến các nghệ sĩ mới đây đã cùng ký đơn kiến nghị gửi đến Chính phủ Mỹ đề nghị sửa đổi Luật Bản quyền kỹ thuật số Thiên niên kỷ (DMCA)

Các hãng đĩa cũng có động thái đàm phán lại các thỏa thuận với YouTube. Trong khi đó, YouTube đáp trả rằng 80% người nghe nhạc hiện tại của họ đều không phải là người mua nhạc, tức là xài chùa. Cho xài chùa nhằm thu hút đông người nghe là mục đích của nhà mạng và người thuê bao dịch vụ trên các trang mạng thu lợi từ doanh thu quảng cáo.

Một trong những lý do khiến việc thu tác quyền trên mạng càng khó khăn hơn vì không rõ nguồn gốc nên việc truy tìm người vi phạm bản quyền cũng khá nhiêu khê. Thậm chí, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại TP.HCM đã ký hợp đồng với YouTube về việc thu tác quyền ca khúc được đăng tải lên trang trực tuyến này nhưng ngay cả việc xác định ca khúc của tác giả nào trong số 23 triệu đường link nhạc do YouTube cung cấp cũng là cả vấn đề.

“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi vẫn chưa hoàn thành khâu xác nhận chủ quyền tác phẩm. Dù vậy, chúng tôi hy vọng đến cuối năm, nhiều tác giả sẽ có thêm một số tiền tác quyền từ YouTube” - ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam tại TP.HCM, thông tin.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích