Hồng Ánh trải lòng về số phận phụ nữ và tình dục trên phim

Thứ ba, 04/07/2017, 08:42
Ra mắt "Đảo của dân ngụ cư" là bước tiến của Hồng Ánh trên con đường đi tìm lại sự bình đẳng giới cũng như khám phá khía cạnh tâm lý của phụ nữ thông qua tình dục.

Phụ nữ tự vui với cái khổ là lỗi của họ

- Chi nghĩ số phận của những người phụ nữ bị giam cầm về cả thể xác lẫn tinh thần trong phim của mình là "Đảo của dân ngụ cư" tương đồng như thế nào ở thời điểm hiện tại?

- Tôi nghĩ thân phận phụ nữ trên phim và ngoài đời có thể không giống nhau hoàn toàn nhưng là hai mức độ của cùng một sự thật. Trong phim, dáng dấp của người phụ nữ xưa chỉ nằm ở nhân vật Xiếm Hoa chứ không phải là Chu. Tính ra cô Chu rất hiện đại. Nếu Chu không bị liệt thì không ai có thể nhốt được cô trong căn gác đó và cô sẽ là người bỏ trốn khỏi căn nhà đó đầu tiên.

Xiếm Hoa đâu đó là hình ảnh của những người phụ nữ nông thôn, nơi mà cái ăn lo hàng ngày còn chưa xong và đàn ông là trụ cột về tài chính. Sự phản kháng của họ rất yếu ớt và khi tức nước vỡ bờ thì mọi chuyện đã rồi.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều những bi kịch do đàn ông tạo ra nhưng phần lớn đều là phụ nữ tự bắt mình phải khổ. Nhìn thấy cái bất công trong gia đình hay bạn bè, tôi không chịu nổi và cũng không tài nào thấu hiểu cách sống khổ ải của những phụ nữ xung quanh mình. Chính vì vậy, tôi càng muốn tìm hiểu nó.

Hồng Ánh khẳng định nếu phụ nữ vui với cái khổ của mình thì đó là quyết định của họ, không thể đổ lỗi cho ai.

Trong Trăng nơi đáy giếng, đó là việc chọn lựa giữa hạnh phúc với đau khổ. Bi kịch là do chính nhân vật Hạnh của tôi tạo ra, cô dâng hiến mọi thứ cho tình yêu và nghĩ rằng như vậy mới gọi là hạnh phúc. Nhiều khi, phụ nữ khổ là do mình.

Như Mị “ở lâu trong cái khổ quen rồi”, tôi cho rằng nhiều phụ nữ ngày qua ngày ở trong một cái vùng nhất định của khuôn khổ gia đình nên ít có sự so sánh với những thứ bên ngoài. Họ thường sẽ nghĩ như vậy đã là hạnh phúc rồi, ôm khư khư cuộc sống hiện tại dù nó trong góc nhìn người khác, là đau khổ.

Trong cuộc sống hiện đại với sự phát triển và việc dễ dàng tiếp cận thông tin, nếu người phụ nữ vẫn chấp nhận nhốt mình trong phạm vi một ngôi nhà thì đó là lỗi của họ chứ chẳng phải của ai hết.

- Vậy trong gia đình chị, sự bất công đó được giải quyết như thế nào?

- Trong gia đình tôi tuyệt đối không có chuyện vợ làm, chồng chơi và ngược lại. Dù thu nhập của tôi ít hơn chồng nhưng mọi thứ đều phải sòng phẳng. Ví dụ như tôi nấu cơm thì anh và con trai phải là người dọn dẹp, rửa chén. Có thể đàn ông họ làm không được tươm tất như mình nhưng cái gì cũng phải tập mới quen. Cuối tuần, tôi dọn dẹp nhà, tưới cây thì anh phải là người gom đồ đi giặt, ủi đồ, xếp đồ.

Nữ diễn viên, đạo diễn hài lòng với cuộc sống bên chồng và con trai riêng của anh, dù chưa sinh được cho mình đứa con nào.

Con trai riêng của anh, dù không do mình sinh ra nhưng tôi vẫn hết lòng dạy dỗ như con ruột. Tôi dạy con cách tự lập, tự làm mọi công việc cho bản thân. Tối nào học xong con cũng phải tự ủi đồ đi học, bữa nào ham chơi không ủi thì mặc đồ nhăn đi học. Lâu lâu mẹ còn nhắc khéo tôi đừng ăn hiếp chồng, vì bản thân thẳng tính quá, đụng chuyện là nói. Tôi nghĩ rằng mình rất hạnh phúc và may mắn khi có được gia đình tốt đẹp như vậy.

Tình dục là tiếng nói của phụ nữ

- Theo chị, vì sao phim nghệ thuật nói về phụ nữ đặc biệt là ở Việt Nam, thường lại phải có cảnh nóng?

- Tôi nhìn nhận cuộc ân ái của những người phụ nữ bên cạnh khoái lạc về thể xác thì đó còn là sự đấu tranh. Phim có đề tài tình dục nói lên khát khao của phụ nữ, muốn được yêu thương nhiều hơn. Đó như một thứ ngôn ngữ không cần nói.

Những cảnh nóng trong Đảo của dân ngụ cư có phần hơi duy mỹ, ngoài đời, sự thật còn ngồn ngộn hơn nhiều. Vẻ đẹp của phụ nữ là chất xúc tác tạo cảm hứng cho tình dục. Trong môi trường Á Đông, chắc chắn đề tài tình dục vẫn còn được khai thác nhiều.

Một khi hiện thực cuộc sống vẫn xem tình dục là chuyện quan trọng thì việc điện ảnh xoay quanh vấn đề này cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên ở Việt Nam khi tự do cá nhân chưa được tôn trọng, quyền dân chủ không được xem trọng thì tình dục là thứ mà khi nói đến người ta vẫn e dè. Cá nhân tôi nghĩ tình dục chẳng phải là điều gì ghê gớm mà cần phải mang ra bàn cãi.

- Có phải phim càng có cảnh nóng đẹp thì càng nghệ thuật?

- Cách thể hiện cảnh ân ái trên phim tuỳ thuộc vào nội dung và tính chất của cuộc “mây mưa" đó. Không phải cứ đẹp mới là nghệ thuật. Nếu đó là lần đầu tiên với những bỡ ngỡ và lạ lùng của một cậu con trai mới lớn như Phước và Chu thì tôi sẽ nâng cao tính nghệ thuật, khiến khung cảnh trở nên lung linh hơn. Còn ngược lại nếu đó là một cuộc hiếp dâm hay gượng ép thì cách thể hiện phải khác, sẽ trần tục và bạo liệt hơn.

"Tình dục như một cách phản kháng của người phụ nữ trong tình yêu", Hồng Ánh giãi bày.

Phim cẩu thả, tôi không làm được

- Chị có nghĩ tác phẩm đầu tiên do chị làm đạo diễn, "Đảo của dân ngụ cư" đã thành công ở thị trường trong nước?

- Mức độ hay dở của bộ phim tuỳ thuộc vào sự trải nghiệm cuộc sống và cảm quan của mỗi người. Có nhiều bộ phim sau khi xem xong ta có cảm xúc liền nhưng cũng có những tác phẩm dù xem đi xem lại nhiều lần vẫn không cảm được. Khi giới thiệu phim này ra nước ngoài, tỷ lệ đồng cảm với bộ phim của khán giả quốc tế nhiều hơn là khán giả trong nước, đặc biệt là đối tượng trẻ.

Ở nước ngoài, tôi không bao giờ phải đi giải thích các tình tiết, diễn biến hay lý giải cảm xúc trong phim mà phần lớn họ đều tự suy đoán, tự hiểu và thậm chí còn đưa ra những gợi ý để làm tăng tính hấp dẫn cho phim. Khi mang phim đi quốc tế, tôi chỉ phải làm những công việc về mặt ngoại giao.

Nói cách khác, khán giả nước ngoài cảm được bộ phim nhiều hơn, họ nhìn thấy được những thông điệp mà tôi gửi gắm vào đó không bằng lời nói. Còn ở Việt Nam, tôi không vơ đũa cả nắm nhưng thành thật mà nói ngay cả khán giả trẻ có trình độ như sinh viên đại học nhiều người cũng không hiểu được và đặt ra cho đoàn làm phim những câu hỏi rất… cơ bản. Vì vậy dù bộ phim có dán nhãn C18 thì đối tượng tôi nhắm đến cũng không phải lứa tuổi khán giả trẻ.

- Nhiều người đang so sánh giữa chị và Ngô Thanh Vân, hai nữ đạo diễn trẻ nhiều tiềm năng, chị nghĩ sao?

- Tôi không mơ ước làm phim kỹ xảo hành động, và tôi nghĩ mình cũng không đủ khả năng. Tôi rất nể Ngô Thanh Vân dù không bàn phim của cô ấy có nội dung ra sao nhưng với khối lượng công việc đồ sộ như vậy cũng đủ khiến bất kỳ người đàn ông nào cũng phải ngả mũ kính phục.

Tôi chỉ muốn kể câu chuyện tình yêu, về những thân phận nhỏ bé, đơn giản. Dù đó là câu chuyện buồn hay vui thậm chí khán giả có thể chửi bới, bức bối khi xem phim, miễn nó khiến người xem biết trân trọng hơn hoặc dám đứng lên thay đổi cuộc sống của mình.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng những bộ phim cẩu thả, tôi sẽ không làm và cũng không biết làm sao để nó ẩu. Đam mê, khát vọng là có nhưng tài năng của bản thân thì tôi không nói trước được. Nếu sau này có cơ hội làm những phim do mình viết kịch bản thì tôi sẽ không rẽ lại những câu chuyện trong những bối cảnh đã cũ như Đảo của dân ngụ cư. Nó sẽ mang góc nhìn hiện đại và mới mẻ hơn.

Dự án sắp tới, sẽ là một khía cạnh ngược lại, hướng về những người đàn ông trong gia đình. Khi những người phụ nữ nắm quyền quá lớn trong nhà và việc họ lạm dụng sự bình đẳng giới mà mọi người dành cho mình, người đàn ông lại trở thành người “phụ nữ” nhỏ bé và đáng thương.

Hồng Ánh hơn 20 năm đi tìm và lượm lặt những câu chuyện buồn để làm phim.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • KQXS XSTD trực tiếp