Hậu trường Showbiz Việt: Khi nghệ thuật bị… thao túng

Thứ hai, 02/07/2018, 09:45
Sau giai đoạn hoàng kim của sân khấu ca nhạc, nghệ thuật bị thao túng trong tay các công ty giải trí, trở thành miếng mồi béo bở bị xâu xé và để lại bao hệ lụy.

Loạt ca sĩ Việt đình đám Làn sóng Xanh những năm 2000. Ảnh: Tư liệu.

Nghệ thuật chân chính bị thay bằng giải trí

Khi công nghệ thông tin phát triển đã góp phần thúc đẩy Việt Nam vươn mình hòa nhập vào hệ thống tiên tiến của thế giới trong mọi lĩnh vực, nhưng cũng gây ra không ít hệ lụy. Nghệ thuật là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng mạnh nhất, thậm chí bị chi phối, điều khiển bởi hệ thống công nghệ mới mẻ được gọi là... công nghiệp giải trí.

Chắc hẳn thế hệ 8x trở về trước vẫn nhớ rất rõ về những chương trình truyền hình được xem là ăn khách nhất thời bấy giờ như: Tiếng hát truyền hình TP.HCM, Ban Nhạc và Bạn Trẻ, Sao Mai Điểm Hẹn, Sao Mai Toàn Quốc… “Sức nặng” của những thí sinh đạt thành tích cao đã tạo nên uy tín cho chính những cuộc thi ấy.

Nhiều sân khấu ở Sài Gòn lèo tèo khán giả.

Một ca sĩ nổi tiếng trong showbiz mà hầu như hiện nay ai cũng biết, Đ.V.H từng là thí sinh trầy trật và kiên trì nhất trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP.HCM đến 8 lần, vậy mà còn chẳng mấy thành công, thành tích cuối cùng chỉ đạt hạng Tư. Điều đó cũng đủ biết chất lượng nghệ thuật trong gameshow giai đoạn những năm 1990 đến đầu những năm 2000 được chú trọng đến mức nào.

Làn Sóng Xanh là chương trình thành công sau Tiếng hát Truyền hình TP.HCM lên sóng từ 9/1997 khi các tên tuổi của những thế hệ sao Việt đời đầu lần lượt được vinh danh. Nhiều bài hit ra đời và được mở khắp nơi thế cho những bản nhạc vàng, Bolero, nhạc sến, nhạc Pháp lời Việt đưa về từ hải ngoại... Đây được xem như thời hoàng kim của sân khấu ca nhạc, nhưng cũng báo hiệu sự đi xuống dần của nghệ thuật trong ngành giải trí.

Các công ty giải trí lớn nhỏ lần lượt ra đời. Nhiều cái tên bầu show nổi lên như: T.HL, K.NX, NT, QH.WP... đi cùng tên của những “gà chiến” họ đào tạo. Thị trường âm nhạc sôi động hơn bao giờ hết. Các ca sĩ thời bấy giờ chạy show không ngớt với mức cát-sê thuộc hàng khủng. Sân khấu ca nhạc sáng đèn liên tục 2-3 suất diễn lúc nào cũng đông nghịt khán giả.

Sân khấu 126 đông nghẹt khán giả thời hoàng kim nay đã đóng cửa.

Miếng mồi béo bở ấy bắt đầu bị xâu xé. Nghệ thuật mất dần giữa lợi nhuận, đua chen. Những công ty giải trí quy mô bắt đầu có tên để tạo ra một ngành kinh doanh mới có hệ thống chặt chẽ, chuyên cho ra lò hàng loạt những lứa “gà công nghiệp” yếu ớt và không mang dấu ấn riêng. Một phần do sự bùng nổ công nghệ đẩy mạnh truyền thông mạng trên Google, YouTube, Facebook, các trang nhạc số… khiến khán giả dễ dàng tiếp cận nghệ sỹ mà không cần bỏ tiền mua vé đến xem. Một phần nữa do giới trẻ nhìn giải trí như một nghề dễ dàng, lại còn sang chảnh và danh tiếng nên đổ xô vào. Họ tham gia vài gameshow không chất lượng, ra vài bài hát nhạt nhẽo tung lên mạng và nghiễm nhiên trở thành ca sĩ.

Và rồi, tất cả những bước đi bế tắc ấy khiến tiền không ngừng chảy vào túi các công ty giải trí qua quảng cáo, tài trợ, lợi nhuận từ chính sản phẩm và danh tiếng của nghệ sĩ... 1001 cách kiếm tiền dễ dàng đã giết dần nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Giới làm nghề biểu diễn cho rằng, chỉ cần “hot” coi như có ăn. Vì vậy, nghệ thuật chân chính bị thay bằng nghệ thuật giả danh mang tên giải trí, nhưng chung quy chỉ xoay quanh “miếng ăn”.

“Đất sống” ngày càng teo tóp

Khi gameshow truyền hình bùng nổ, các tụ điểm ca nhạc trởnên thưa thớt dần, sân khấu ế ẩm, phòng trà vắng khách, show diễn bên ngoài cũng ít dần. Cuộc sống nghệ sĩ bắt đầu giai đoạn khó khăn, chật vật. Càng khó khăn họ càng lao vào các gameshow, mong sẽ bật lên để được bầu show chú ý mời đi diễn.

Nghệ sĩ càng làm như vậy thì lại càng lệ thuộc vào các công ty giải trí và giá show của họ cũng giảm dần. Nghệ sĩ lại tiếp tục một bước đi sai lầm là thi nhau đầu tư sản phẩm, MV ca nhạc, phim ca nhạc dạng khủng. Điều này khác nào một đòn chí mạng giáng vào các tụ điểm, sân khấu vốn đã ngoắc ngoải cầm cự bấy nay. Lần lượt từng cái tên sân khấu một thời ăn khách như 126, N.Q, D.V, MTV, T.Đ... đóng cửa vô thời hạn.

Trong khi đó, MV tự sản xuất của các nghệ sĩ cũng không đem lại lợi nhuận như họ mộng tưởng. Nếu như ngày trước, phim ca nhạc nhiều tập của nam ca sĩ Lý Hải thắng khủng thì MV của các ca sĩ bây giờ gần như cho không biếu không để các trang mạng lấy kinh doanh. Số tiền bèo bọt họ nhận về không đáng kể so với mức kinh phí ban đầu đổ vào.

Giới nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn bắt đầu “lãnh đủ”: Show diễn bị thu hẹp, đời sống chật vật; sau bề ngoài hào nhoáng là những chiếc túi rỗng, với vô vàn lo toan, có người còn lâm cảnh nợ nần như nữ ca sĩ ĐTT sau khi tung ra hit TYMN, bởi tiền đi diễn thu về chưa đủ trang trải cuộc sống huống chi đủ trả cho số vay mượn để làm MV trước đó. Nhiều cái tên biến mất và bị quên lãng giữa những cái tên mới lan tràn sau mỗi mùa gameshow lên sóng. Cùng cảnh ngộ với ĐTT là nam ca sĩ với gương mặt lai Nga, từng gây bão bên cạnh KTQ hit L. đình đám, mấy năm trước đã vỡ nợ bỏ trốn vì bị giang hồ truy đuổi.

Một tiết mục trong chương trình show games thực tế.

Tài năng thực sự của nhiều nghệ sỹ không phải không có, nhưng đã chết yểu trong các cuộc thi “xôi thịt” từ nhiều cỗ máy mang tên công ty giải trí. Họ dừng chân rất sớm, gây không ít thất vọng, tiếc nuối rất nhiều lần cho các khán giả tìm kiếm nghệ thuật chân chính. Có lẽ vì thế nên nhiều khán giả yêu nghệ thuật đã bỏ theo dõi các gameshow thực tế đầy sắp xếp, tiêu cực lên sóng giờ vàng. Bù lại, lượng khán giả dễ dãi vẫn trụ lại để giữ rating ở mức đủ thương lượng, mua bán cho các gameshow. CTS - một trong những công ty giải trí hàng đầu

Hiện nay bị mang tiếng là “đầu voi đuôi chuột” trong các cuộc thi hot nhất nhưng vẫn ăn nên làm ra. Ai cũng biết quán quân những gameshow đó từ đầu đã chốt sẵn nhưng vì sao nghệ sĩ không thể dừng lại?

L.C.T.L là một gương mặt vô cùng cá tính, mới đây tâm sự thật chua xót rằng, có lúc hết tiền lại phải về nhà ăn nhờ ba mẹ. Còn những nghệ sĩ chẳng có nơi để về thì sao? Đây là câu trả lời: họ làm gì có sự lựa chọn khi ai cũng cần đến miếng ăn; có thanh cao mấy, tài năng mấy thì tới lúc đói đầu gối cũng vẫn tự phải bò, dù biết là hèn, là nhục. Khao khát nghệ thuật trong tâm hồn luôn nhức nối, nhưng miền đất lành đã bị cướp đi rồi.

Bất kỳ thứ chi cứ hễ nhiều và dễ mua thì sẽ rẻ. Thậm chí càng ngày người ta càng khỏi mất tiền mua dù chỉ là chiếc đĩa in lậu bán chỉ 8.000 VND ở các xe đĩa lưu động. Chẳng những thế sản phẩm âm nhạc nghệ sĩ ra đời còn phải dâng tận miệng, có khi ăn xong còn õng ẹo khen chê, thử hỏi ai thèm thuồng mà cầu cạnh như xưa nữa”

Một quản lý ca sĩ chua chát nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn