Nhạc thô tục và trách nhiệm nghệ sĩ với cộng đồng

Thứ bảy, 27/10/2018, 09:54
Trong buổi ra mắt chương trình truyền hình thực tế thể hiện quan điểm của nghệ sĩ trước các vấn đề nóng mà xã hội quan tâm gần đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ là nghệ sĩ thì phải có trách nhiệm với cộng đồng.

Anh cùng nhiều nhạc sĩ khác đã phản ứng dữ dội về trào lưu dung tục hóa ca từ của một số người viết trẻ. Những người viết nhạc này lợi dụng tính chất “độc lập” của nghệ sĩ indie/underground để thể hiện sự “phóng khoáng”, “cái ngông” quá đà đến mức… thô thiển khi sáng tác ca khúc, lời rap. Thật khó chấp nhận việc đưa cả những chữ mang nội dung chửi thề vào tựa lẫn lời ca khúc hay dùng chữ vô nghĩa trong tiếng Việt nhưng lại có thể gây ra cách hiểu theo nghĩa hết sức bậy bạ khi nói lái để đặt tên bài hát... Không chỉ vậy, một số nhạc sĩ trẻ có tên trong thị trường âm nhạc như Khắc Hưng (từng nhận cú đúp giải âm nhạc Cống hiến 2017 cho hạng mục Nhạc sĩ của năm, Nhà sản xuất của năm), Tăng Nhật Tuệ (từng đoạt giải thưởng của chương trình Bài hát Việt)... cũng đặt tên bài hát gây sốc.

“Sáng chủ nhật đưa cả nhà đi ăn uống. Đang nhâm nhi thì quán cà phê đổi sang mấy bài dạng này, đến người lớn còn há hốc miệng ngạc nhiên. Chợt nghĩ mấy đứa nhỏ mà nghe, hát theo hay hỏi mình giải thích thì sao?”, một độc giả bình luận dưới bài Bức xúc với ca khúc thô tục đăng trên trang Thanh Niên Online ngày 25.10.

Bỗng nhớ đến câu chuyện của một đồng nghiệp. Khi sang Anh, anh cần mua thuốc lá nhưng tìm mãi trong cửa hàng vẫn không thấy. Sau khi hỏi thì mới biết thuốc lá nằm trong một cái thùng to được sơn đen kín mít, nhìn bên ngoài không thể biết đựng gì bên trong. Người bán hàng lý giải rằng, họ “giấu” như vậy vì không muốn cho trẻ em nhìn thấy hay tò mò về thuốc lá. Cũng là một cách bảo vệ trẻ em bằng chính ý thức của người lớn.

Trở lại tình hình ở ta, dù bài hát được cho là “rác văn hóa” phát ra từ một số người hoạt động sáng tác/biểu diễn âm nhạc trẻ, nhưng ai cũng có thể tham gia vào quá trình xem, nghe và truyền tải những sản phẩm này trên mạng xã hội mà không gặp bất cứ sự kiểm duyệt nào. Đó là vấn đề có thể gây ảnh hưởng không tốt đối với tâm hồn người nghe, đặc biệt là người trẻ và trẻ nhỏ. Vậy nên, khi việc ngăn chặn, xử lý những độc hại trên mạng là vấn nạn mà đất nước nào cũng đang đối mặt chứ không riêng VN, thì hơn ai hết người sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn cần ý thức về trách nhiệm của mình trong từng sản phẩm văn hóa, giải trí, đúng với “sứ mệnh” mang lại cái đẹp cho cuộc đời hơn là lao theo việc tạo “trend”, tạo “hit” một cách bất chấp hậu quả như hiện nay.

Theo  Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích