Việt Nam: Từ “quốc gia nhận viện trợ” thành đối tác phát triển

Thứ sáu, 06/12/2013, 09:41
Sáng 5-12-2013, diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2013 (VDPF) đã khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu

Quang cảnh diễn đàn

Diễn đàn này là tiếp nối cuộc họp của các nhà tài trợ với Việt Nam (CG) trước đây, nhưng là sự chuyển đổi quan trọng trong cung cấp nguồn viện trợ không chính thức (ODA) cho Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tới dự và phát biểu khai mạc. Với chủ đề “Xây dựng quan hệ đối tác mới: Hướng tới tăng trưởng bền vững, cạnh tranh và toàn diện”, VDPF 2013 tập trung thảo luận về việc duy trì ổn định, tái cơ cấu kinh tế, phục hồi tăng trưởng; Giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người; Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ công; Quản lý môi trường, đào tạo nghề và tăng cường kỹ năng.

Trong sự chuyển đổi nhận thức về nguồn vốn hỗ trợ không chính thức (ODA), VDPF không bao gồm nội dung ODA như các kỳ hội nghị CG trước đây mà tập trung đối thoại thực chất hơn và sâu sắc về ưu tiên phát triển cũng như các thách thức ở tầm trung hạn trong việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Vấn đề về ODA chỉ được đưa vào các cuộc thảo luận song phương hoặc của các diễn đàn khác giữa Chính phủ và các đối tác phát triển. Trên cơ sở nội dung và kết quả của đối thoại chính sách theo các chủ đề của diễn đàn, Chính phủ và các đối tác phát triển thống nhất các lĩnh vực ưu tiên, định hướng hoạt động và giải pháp thực hiện các chính sách của Chính phủ và các đối tác phát triển, sự phối hợp giữa Chính phủ và các đối tác phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào ngưỡng của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, các nhà tài trợ sẽ điều chỉnh dần nguồn viện trợ, nhường nguồn vốn này cho các nước nghèo hơn. Điều này cũng có nghĩa Việt Nam sẽ phải quen dần với việc “tự lực cánh sinh” hoặc được vay, nhưng với lãi suất cao hơn. “Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục được nhận ODA, nhưng phải chuẩn bị tâm thế để dừng việc sử dụng nguồn vốn này” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lưu ý.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2014-2015 Việt Nam tiếp tục kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, có cơ chế khuyến khích, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế. Về tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là đầu tư công, triển khai thực hiện hiệu quả Luật đầu tư công, kế hoạch đầu tư trung hạn, phân cấp hiệu quả việc phân bổ nguồn lực giữa trung ương và địa phương cho phát triển kinh tế, vùng địa phương. Nâng cao hiệu quả tài chính công, đầu tư công. Tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, vốn đối ứng ODA, vốn tham gia các dự án PPP.

Nhà nước đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ngoài nước tiếp cận, sử dụng có hiệu quả nguồn lực và tài nguyên.

Thủ tướng khẳng định sẽ tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần yếu kém. Tiếp tục cổ phần hóa các NHTM quốc doanh. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra bảo đảm an toàn hệ thống; xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh xử lý nợ xấu ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty VAMC.

Dự kiến năm 2014 xử lý 100-150 nghìn  tỷ đồng nợ xấu. Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, sắp xếp, cổ phần hóa, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh chính; cổ phần hóa khoảng 500 DNNN, trong đó cổ phần hóa 1/8 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91 và hầu hết tổng công ty 90 (trong tổng số 87 tổng công ty) và bán tiếp cổ phần 4/5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa, tạo đà cho việc hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2020.

Tiếp tục triển khai tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh phát triển mới, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng Việt Nam sẽ chuyển mình từ một “quốc gia nhận tài trợ” thành “quốc gia đối tác phát triển”. “Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình, bằng các nguồn lực của mình để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ” - Thủ tướng nói trong phiên bế mạc, đồng thời kêu gọi các đối tác phát triển tiếp tục ủng hộ Việt Nam cả về tư vấn chính sách, hỗ trợ nguồn lực giúp Việt Nam giữ vững thành quả đã đạt được trong những năm qua, tiến tới sự phát triển bền vững.

Từ năm 1993 đến 2012, tổng vốn ODA mà các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam là 78,195 tỉ USD, trong đó số vốn ký kết đạt 56,05 tỉ USD (chiếm 71,69% tổng vốn ODA cam kết), bao gồm 51,607 tỉ USD vốn vay ưu đãi, chiếm 88,4% và 6,76 tỉ USD viện trợ không hoàn lại, chiếm 11,6%. Tổng vốn ODA giải ngân cùng thời kỳ này đạt 37,59% tỉ USD, chiếm 66,92% vốn ODA đã được ký kết. Đây là những con số vô cùng ấn tượng, là nguồn lực lớn giúp Việt Nam phát triển kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội cũng như nâng cao năng lực các cơ quan Chính phủ suốt thời gian qua.

Theo CATP

Các tin cũ hơn