Southern Bank có đề nghị muốn sáp nhập vào Sacombank

Thứ sáu, 07/03/2014, 07:54
Ông Phan Huy Khang,Tổng giám đốc Sacombank cho biết, hiện giữa hai bên đang trong quá trình triển khai và xây dựng đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank và sẽ trình cổ đông thông qua trong kỳ ĐHCĐ Sacombank diễn ra ngày 25/3 tới chi tiết đề án sáp nhập trước khi trình lên NHNN để được thông qua. 

phan huy khang

Đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank đã được triển khai tới đâu, thưa ông?

Đến thời điểm này Sacombank vẫn chưa trình đề án sáp nhập thêm Southern Bank lên NHNN. Hiện chúng tôi đang trong quá trình xây dựng đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank theo chủ trương của HĐQT trên cơ sở tính toán và cân nhắc làm sao để phương án sáp nhập này đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các cổ đông.

Trong kỳ ĐHCĐ Sacombank diễn ra vào ngày 25/3 tới đây, chúng tôi sẽ trình cổ đông phương án sáp nhập. Thực tế, việc sáp nhập nằm trong chủ trương chung của NHNN trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành. Đó cũng là định hướng và chủ trương chung của Sacombank. Trong kỳ ĐHCĐ của Sacombank năm 2013, HĐQT Sacombank cũng đã đưa ra chủ trương tìm kiếm một ngân hàng để sáp nhập, tăng quy mô. ĐHCĐ Sacombank cũng đã có chủ trương và ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm một ngân hàng nào đó để sáp nhập, tăng quy mô, năng lực cạnh tranh. Vì thế, Sacombank sáp nhập thêm Southern Bank cũng là phù hợp với định hướng chung này.

Ngoài ra do xuất phát từ phía Southern Bank đã có đề nghị về việc muốn sáp nhập vào Sacombank. Hiện Southern Bank quy mô còn khiêm tốn và có thể thời gian qua NHNN cũng đã cho Southern Bank trình các phương án tự tái cơ cấu, nhưng không mấy khả thi nên cuối cùng đã có đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Trên tinh thần đó, HĐQT Sacombank cũng đã thống nhất phối hợp, nghiên cứu, xây dựng đề án sáp nhập để trình cổ đông của 2 ngân hàng cũng như sẽ trình lên NHNN.

Có ý kiến cho rằng, Southern Bank và Sacombank là của một chủ khi một số cổ đông nắm tỷ lệ cổ phần lớn giữa 2 ngân hàng nên việc sáp nhập chỉ là vấn đề thời gian?

Sacombank và Southen Bank hiện đều là công ty đại chúng nên không thể nói có cùng một chủ. Về mặt công khai thì Sacombank và Southen Bank có chung một số cổ đông và nắm tỷ lệ cổ phần tương đối lớn nên có thể trong tập hợp đó có một tập hợp chung giữa hai ngân hàng… Vì thế, trong quá trình thương thảo về việc sáp nhập sẽ được tiến hành nhanh hơn và sự chuẩn bị, xây dựng phương án sáp nhập sớm hơn.

Nói vậy, đề án sáp nhập đã được triển khai và xây dựng trong bao lâu, thưa ông?

Thực ra, việc triển khai và nghiên cứu xây dựng đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank cũng mới được triển khai chưa bao lâu. Trong kỳ họp ĐHCĐ sắp tới của Sacombank diễn ra vào ngày 25/3, HĐQT Sacombank cũng sẽ trình cổ đông về phương án sáp nhập. Và từ nay đến ĐHCĐ diễn ra, nếu chuẩn bị kịp, HĐQT Sacombank sẽ xin cổ đông thông qua phương án sáp nhập một cách cụ thể và chi tiết. Trường hợp, các bước chuẩn bị chưa thể hoàn tất thì chỉ mới dừng ở chủ trương xin cổ đông chấp thuận cho việc nghiên cứu khả năng sáp nhập thêm Southern Bank để chuẩn bị đề án trình NHNN và Chính phủ chấp thuận phương án sáp nhập nói trên.

Tại sao Sacombank lại chọn Southern Bank, trong khi Sacombank đã có thế mạnh nổi trội hơn rất nhiều, còn Southern Bank lại là một ngân hàng nhỏ, yếu kém?

Vấn đề ở đây không phải là Sacombank chọn Southern Bank mà chính Southern Bank đã đặt vấn đề và chọn Sacombank trước. Nhưng có thể thấy, để tìm kiếm được một ngân hàng sáp nhập tự nguyện vào Sacombank và mất luôn tên tuổi sau gần 20 năm gầy dựng như Southern Bank thì cũng không phải là điều dễ dàng. Trong khi đó, Southern Bank đã tự nguyện đặt vấn đề nên HĐQT Sacombank cũng đã cân nhắc lợi ích lâu dài nên đã nghiên cứu đến tính khả thi trong quá trình sáp nhập.

Nhưng không ít ý kiến cho rằng, sáp nhập sẽ thiệt hại cho cổ đông của Sacombank?

Có nhiều góc nhìn về vấn đề này. Có thể trước mắt khi sáp nhập sẽ có sự chững lại. Bởi thực tế, Southern Bank không phải là ngân hàng mạnh và không thể tự tái cơ cấu mà phải xin sáp nhập vào Sacombank. Nhưng bù lại, sau sáp nhập Sacombank sẽ có thêm được 141 điểm giao dịch từ Southen Bank. Hiện Sacombank đã có mạng lưới khá rộng và nhiều hơn so với một số ngân hàng khác, nhưng cũng chưa đủ để khai thác tiềm năng thị trường bán lẻ. Trong khi đó, chủ trương của NHNN hiện nay là hạn chế việc mở rộng mạng lưới của các ngân hàng để giảm thiểu chi phí cũng như sự lãng phí. Vì thế, muốn phát triển mạng lưới ở những địa bàn mà Sacombank chưa có cũng không hẳn là điều dễ dàng và muốn đạt được mục tiêu này Sacombank cũng phải mất khoảng 7 – 10 năm nữa mới có được mạng lưới rộng khắp.

Nhưng nếu sáp nhập thêm Southen Bank trên góc độ mở rộng quy mô thì Sacombank có thể đạt được mục tiêu đó ngay sau một năm. Có thể, trong 1-2 năm đầu sáp nhập, Sacombank sẽ phải gánh vác và chia sẻ các khó khăn từ Southern Bank, song về lâu dài sẽ tạo được giá trị cộng hưởng để hiệu quả sáp nhập lớn hơn.

Tỷ lệ chuyển đổi cổ phần dự kiến sẽ như thế nào khi sáp nhập, thưa ông?

Hiện HĐQT cũng như ban trù bị đề án sáp nhập đang trong quá trình tính toán và cân nhắc quyền lợi để đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho cổ đông của hai bên nên chúng tôi chưa đưa ra được con số cuối cùng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cân nhắc và hài hòa được lợi ích của cổ đông, người lao động và khách hàng của Southern Bank -Sacombank khi sáp nhập… về lâu dài việc sáp nhập phải tạo ra giá trị gia tăng thêm. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy được rằng, trong một cuộc sáp nhập nào cũng vậy, rất khó có thể đảm bảo hết quyền lợi của cổ đông, cán bộ nhân viên giữa 2 bên.

Còn với việc hợp nhất, sáp nhập với Eximbank mà Sacombank đã ký kết thì thế nào?

Sacombank và Eximbank đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. Trong đó, có nội dung nghiên cứu trong vòng 3 -5 năm về phương án hợp nhất, sáp nhập giữa hai ngân hàng và hiện đang quá trình tìm hiểu nhau. Trước mắt, Sacombank sẽ tính đến việc sáp nhập thêm Southern Bank, nhưng có thể sau đó là với Eximbank… Vì chủ trương của NHNN là giảm số lượng ngân hàng, để tăng quy mô của một số ngân hàng. Hiện một số nước phát triển trên thế giới số lượng ngân hàng không nhiều như Việt Nam. Do đó, việc sáp nhập theo tôi cũng là một xu hướng tất yếu của thị trường.

Ông có thể cho biết, kết quả hoạt động của Sacombank trong 2 tháng đầu năm nay?

Khả năng trong quý I đầu năm, lợi nhuận của Sacombank sẽ đạt khoảng 750 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận chúng tôi đưa ra cho năm nay là 3.000 tỷ đồng và với đà hiện nay thì khả năng có thể thực hiện được, nếu diễn biến thị trường thuận lợi.

Còn với kế hoạch bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài thì thế nào?

HĐQT Sacombank vẫn trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược phù hợp. Vì hiện các nhà đầu tư đang kỳ vọng Chính phủ sẽ mở thêm “room”cho nhà đầu tư nước ngoài lên trên mức tối đa 20% cho một đối tác. Tuy nhiên, với quỹ đầu tư nước ngoài thì họ đang quan tâm. Do đó, để thu hút được nguồn vốn từ quỹ đầu tư sẽ dễ hơn.
Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn