100 người giàu nhất sàn chứng khoán có thêm 600 triệu USD

Thứ năm, 06/03/2014, 14:19
Thị trường chứng khoán khởi sắc trong 2 tháng đầu năm giúp tài sản của 100 người giàu nhất trên sàn tăng khoảng 12.600 tỷ đồng, thứ tự trong danh sách cũng xáo trộn.

Những đợt sóng liên tiếp trên thị trường chứng khoán 2 tháng đầu năm qua giúp Vn-Index tăng gần 82 điểm (16%), tương đương hơn 73% mức tăng cả năm ngoái. Trong khi đó, HNX-Index cũng tăng trên 22%. Cổ phiếu lên giá kéo tài sản chứng khoán của nhiều người giàu gia tăng nhanh chóng.

Theo thống kê đến hết tháng 2/2014, tổng trị giá tài sản thông qua cổ phiếu của 100 người giàu nhất sàn chứng khoán tăng 12.600 tỷ đồng so với kết quả có được vào cuối năm 2013. Con số này tương đương hơn 592 triệu USD và giúp các doanh nhân sở hữu khối tài sản bằng cổ phiếu tương đương 83.488 tỷ đồng. Trong đó, 20 người giàu nhất sàn chứng khoán có thêm thêm hơn 8.400 tỷ (xấp xỉ 400 triệu USD).

Doanh nhân tích lũy được nhiều nhất từ sóng tăng cổ phiếu là ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, Mã CK: HAG) và ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC). Cả 2 đại gia này đều hưởng lợi lớn từ đà tăng của cổ phiếu địa ốc, khi có tổng tài sản tăng thêm trên dưới 2.000 tỷ đồng.

pham-nhat-vuong-1893-1393824039.jpg

Ông Phạm Nhật Vượng là một trong số những doanh nhân kiếm nhiều tiền nhất sàn chứng khoán 2 tháng qua. Ảnh: Anh Tuấn

Đóng cửa phiên cuối tháng 2, giá cổ phiếu VIC, HAG đều tăng lần lượt 9,2% và 33%, đồng thời vẫn khá ổn định trong những phiên đầu thằng 3. Riêng  HAG từ sau Tết Âm lịch liên tục gây sốt trong giới đầu tư với khối lượng giao dịch lên tới hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán, năm 2013, lãi sau thuế của Vingroup đạt 7.124 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với năm trước. Đóng góp phần lớn trong số lợi nhuận này là nguồn thu từ việc bán căn hộ tại hai dự án Vinhomes Royal City và Vinhomes Times City. Còn lãi sau thuế 2013 của HAGL cũng tăng gấp 2,6 lần so với năm 2012, đạt gần 950 tỷ đồng. Ngoài kinh doanh địa ốc, HAGL còn tạo ra lợi nhuận từ việc bán mía đường và mủ cao su, được xem là hướng đi mới của tập đoàn thời gian qua.

Giá cổ phiếu tăng cũng khiến danh sách người giàu sàn chứng khoán có nhiều xáo trộn. Trong top 20, một đại gia địa ốc khác là ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC) có thêm hơn 330 tỷ đồng và tăng 2 bậc, xếp ở vị trí thứ 10. Hiện ông Tâm sở hữu nhiều cổ phiếu, trong đó có ITA, KBC và SGT. Cuối năm 2013, doanh nhân này đã rút vốn khỏi Ngân hàng Nam Việt (Mã CK: NVB).

ITA và KBC được xem là những cổ phiếu “vàng” của ông Tâm trong 2 tháng đầu năm do tốc độ tăng trưởng giá đạt lần lượt 27-31%. Riêng ITA còn lập kỷ lục về thanh khoản trên sàn chứng khoán nhờ khối lượng giao dịch mỗi phiên từ hàng triệu cho đến hơn 20 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, các doanh nhân sở hữu cổ phiếu FPT cũng được xem là những người gặt hái nhiều thành công. Đến ngày 28/2, thị giá FPT tăng 35% đã giúp trị giá tài sản của ông Bùi Quang Ngọc - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT tích lũy thêm gần 120 tỷ đồng và lọt top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán đầu năm 2014.

Song song với CEO FPT, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT tăng ba bậc, lên vị trí số 12 và sở hữu số cổ phiếu tương đương 1.257 tỷ đồng. Năm qua, tập đoàn này cũng thuộc top những doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận sau thuế vượt nghìn tỷ đồng.

Dù diễn biến thị trường khởi sắc với hàng loạt mã tăng giá, không ít cổ phiếu vẫn đi ngược dòng, trong đó có PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Việc cổ phiếu PDR mất 27% giá khiến khối tài sản của Chủ tịch công ty - ông Nguyễn Văn Đạt tại doanh nghiệp bay hơi gần 340 tỷ đồng. Yếu tố này cũng khiến ông chủ Phát Đạt rớt 7 hạng, xuống vị trí thứ 16 trong danh sách người giàu sàn chứng khoán đầu năm 2014.

Hai tháng qua, thanh khoản PDR cũng khá thấp so với mặt bằng chung những cổ phiếu địa ốc khác đang được các doanh nhân top 20 sở hữu. Khối lượng giao dịch mã này mỗi phiên chủ yếu chỉ khoảng vài trăm cho đến hơn hai nghìn cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh kém lạc quan được xem là một phần nguyên nhân khiến cổ phiếu PDR bị ảnh hưởng. Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán, năm 2013, Bất động sản Phát Đạt giảm lãi sau thuế hơn 40% so với một năm trước, xuống còn gần 3 tỷ đồng. Doanh thu công ty cũng chỉ tương đương gần 38% của cùng kỳ năm trước.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích