“Không nên mua cổ phiếu ngân hàng”

Thứ sáu, 07/03/2014, 10:29
Dầu khí, dệt may, tiêu dùng là những ngành nhà đầu tư nên ưu tiên xem xét đầu tư trong năm 2014, trong khi đó, với cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư không nên vội quan tâm tới phân khúc cao cấp và không nên mua cổ phiếu ngân hàng trong năm nay.

Đó là khuyến nghị của ông Ong Seng Yeow, Giám đốc Nghiên cứu phân tích của Tập đoàn Maybank Kim Eng tại hội thảo “Dòng vốn ngoại và thị trường chứng khoán Việt Nam 2014”, do CTCK Maybank Kim Eng tổ chức chiều 6/3.

Loại ngân hàng, nhắm dầu khí, dệt may

Khi trả lời câu hỏi của nhà đầu tư nên đầu tư vào các ngành, cổ phiếu nào trong năm 2014, ông Ong Seng Yeow khuyến nghị, trong năm nay, nhà đầu tư không nên mua cổ phiếu ngân hàng.

Lý do không nên mua cổ phiếu ngân hàng trong năm nay là bởi việc xử lý nợ xấu tuy đang đi đúng hướng, nhưng chưa triệt để do VAMC sau khi mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại chưa bán được nợ xấu cho các đối tác khác, nên quá trình xử lý nợ xấu chưa biết sẽ diễn tiến ra sao.

Mặt khác, việc trì hoãn thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN về áp dụng chuẩn phân loại và xử lý nợ xấu cao hơn, khiến cho quá trình làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng tiếp tục cần thêm thời gian.

Với nhóm cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư không nên vội quan tâm tới phân khúc cao cấp, do cung đã vượt cầu. Hơn nữa, Chính phủ đang tập trung các giải pháp hỗ trợ cho phân khúc bình dân, nên các cổ phiếu thuộc nhóm này cần được quan tâm.

cổ phiếu ngân hàng
Dầu khí, dệt may, tiêu dùng là những ngành nhà đầu tư nên ưu tiên xem xét đầu tư.

Theo nhìn nhận của Maybank Kim Eng, dầu khí, dệt may, tiêu dùng là những ngành nhà đầu tư nên ưu tiên xem xét đầu tư trong năm 2014, bởi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có triển vọng được ký kết trong năm nay. Điều này sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới.

Vốn ngoại chực chờ

Nói về dòng vốn ngoại, ông Ong Seng Yeow cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đang có lòng tin mạnh vào sự khởi sắc của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam, bắt đầu từ năm 2014 này.

Lòng tin như vừa đề cập được xây dựng trên những yếu tố nào là câu hỏi nhiều nhà đầu tư tham dự hội thảo đặt ra cho diễn giả. Ông Ong Seng Yeow giải đáp, đầu tiên phải kể tới mặt bằng lãi suất có tín hiệu giảm thêm. Điều này sẽ góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm hơn nữa chi phí, qua đó bức tranh lợi nhuận trong năm 2014 có triển vọng tốt hơn năm ngoái.

Một yếu tố khác hỗ trợ cho triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là kể từ năm nay, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 25% xuống 22%.

Việc giảm thuế không chỉ giúp cho lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện, mà còn tạo cơ sở hỗ trợ cho doanh nghiệp tích lũy thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển dài hạn.

Theo đánh giá của Maybank Kim Eng, thị trường không khỏi thất vọng về gói hỗ trợ thị trường bất động sản 30.000 tỷ đồng chỉ giải ngân được khoảng 2% trong năm qua. Tuy nhiên, với tín hiệu tích cực dần của kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản, Chính phủ đang quyết tâm thúc đẩy việc giải ngân gói hỗ trợ này trong năm nay. Qua đó, hỗ trợ cho sự khởi sắc trở lại của thị trường bất động sản, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa sang thị trường chứng khoán.

Cùng với quá trình tăng cung hàng hóa đang được Chính phủ quyết liệt thực hiện thông qua quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét trong thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng việc nới “room” cho khối ngoại sớm được Chính phủ thực hiện. Điều này không chỉ giúp hấp thụ tốt lượng hàng hóa mới thông qua chương trình cổ phần hóa, mà còn kích thích khối ngoại nắm giữ thêm các cổ phiếu đang niêm yết.

“Các quỹ đầu tư lớn, có chiến lược đầu tư dài hạn rất quan tâm đến thời điểm nới room của Chính phủ Việt Nam. Họ đang chuẩn bị phương án giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam, ngay khi quyết định nới room được thông qua”, ông Ong Seng Yeow nói và cho biết, có hai vấn đề nhà đầu tư nước ngoài thường quan ngại khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam là lạm phát cao và tỷ giá bất ổn định. Tuy nhiên, những gì diễn ra từ năm 2013 đến nay cho thấy, cả hai vấn đề này được kiểm soát tốt nhờ Chính phủ đang thể hiện quyết tâm trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, mà không chạy theo tăng trưởng GDP cao, gây sức ép lên lạm phát. Mặt khác, với cán cân thương mại diễn biến tích cực, thị trường vàng được kiểm soát tốt, giúp dự trữ ngoại hối tăng, qua đó tiếp tục giúp cho tỷ giá ổn định.

Những yếu tố trên cộng với trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn rẻ, đang là những lợi thế thu hút dòng vốn ngoại, bất chấp xu thế rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi.

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích