Nhà nước muốn giữ ít nhất 65% vốn ở ngân hàng quốc doanh

Chủ nhật, 09/03/2014, 08:27
Trừ Vietinbank, các ngân hàng thuộc khối thương mại Nhà nước đều không được bán hơn 35% cổ phần. Ngoài ra, Chính phủ cũng cho phép các tập đoàn, tổng công ty được thoái vốn ngoài ngành dưới mệnh giá.  

Quy định trên được nêu trong Nghị quyết của Chính phủ vừa ban hành về giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước căn cứ vào tiêu chí phân loại và vai trò với sự phát triển cả ngành để xác định tỷ lệ duy trì nắm giữ vốn nhà nước nhưng không được quá 65%.

Ngược lại, tại Tập đoàn Bảo Việt và các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn phải duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ ít nhất 65%. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nêu rõ, riêng Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) được bán hơn 35% vốn Nhà nước.

vietinbank

Vietinbank là ngân hàng cổ phần quốc doanh duy nhất được bán hơn 35% vốn của Nhà nước.

Trên thực tế, tại Vietinbank, Nhà nước đang chiếm 64,5% vốn điều lệ. Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) nắm 19,73% vốn.

Tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), vốn Nhà nước đang chiếm tỷ lệ 77,11% và một cổ đông đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho (sở hữu 15% vốn điều lệ). Trong khi đó, ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - ông lớn quốc doanh mới nhất vừa niêm yết trên sàn chứng khoán, có tới 95,76% vốn Nhà nước.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước mua lại hoặc Ngân hàng Nhà nước làm đại diện sở hữu với trường hợp thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước tại các công ty đầu tư tài chính, ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành được thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách sau khi đã trừ khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính.

Với công ty chưa niêm yết, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên và doanh nghiệp được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (công ty chứng khoán) bán đấu giá hoặc tự chủ động. Nếu không thành công, doanh nghiệp phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, bán theo thỏa thuận.

Theo Nghị quyết này của Thủ tướng, nếu không thực hiện được tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn, lãnh đạo các đơn vị sẽ phải làm rõ trách nhiệm. Không chỉ vậy, Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch các tỉnh, thành cũng phải chịu trách nhiệm nếu chậm hoàn thành kế hoạch.

Theo VnExpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn