Vingroup là tập đoàn tư nhân huy động vốn quốc tế nhiều nhất tại Việt Nam trong năm 2013 với giá trị gần 1 tỷ USD. Ở trong nước, tập đoàn này cũng phát hành hàng chục ngàn tỷ trái phiếu cho các ngân hàng để vay vốn tài trợ cho các dự án. Gần đây nhất, tập đoàn này đã phát hành trái phiếu quy mô 4.000 tỷ để đầu tư vào dự án tại khu Tân Cảng, TP.HCM.
Dự án Royal City của Vingroup. |
Việc sở hữu hàng loạt các dự án bất động sản quy mô lớn tại Hà Nội và TP. HCM khiến tập đoàn này cần một nguồn vốn khổng lồ để đầu tư. Trong khi nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 17 ngàn tỷ, Vingroup đã vay từ các ngân hàng và tổ chức tài chính trong và ngoài nước khoảng 27 ngàn tỷ.
Hiện nay, tỷ trọng vốn vay nợ trên vốn chủ sở hữu của tập đoàn này là 1,58 lần và trên tổng tài sản là 0,36 lần. Dưới đây là chi tiết các khoản huy động vốn được trình bày trong báo cáo tài chính quý 4/2013 của Vingroup.
Chủ nợ của Vingroup tính đến cuối năm 2013 (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất của Vingroup). |
Vay ngắn hạn 3.032 tỷ đồng bao gồm:
• 2.250 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho Techcombank phải trả trước hạn 2015.
• 370 tỷ đồng vay thương mại dài hạn đến hạn phải trả thuộc các ngân hàng Vietcombank và BIDV.
• 369 tỷ đồng vay ngắn hạn các tổ chức quốc tế gồm Credit Suisse và WP Investments III B.V.
• 35 tỷ đồng vay ngắn hạn khác.
So với thời điểm cuối năm 2012, Vingroup đã tăng thêm toàn bộ khoản vay quốc tế và giảm các khoản nợ vay ngắn hạn khác.
Vay dài hạn 24.360 tỷ đồng bao gồm:
• Vay các ngân hàng trong nước Vietinbank 1.095 tỷ (đáo hạn năm 2018), BIDV 1.006 tỷ (đáo hạn từ năm 2014 đến 2019, chuyển sang ngắn hạn 230 tỷ), Vietcombank 423 tỷ (đáo hạn từ 2014 đến 2019, chuyển sang ngắn hạn 139 tỷ).
• Khoản vay thương mại tổ chức nước ngoài 150 triệu USD đáo hạn vào năm 2016, có lãi suất LIBOR + 5,5%/năm.
• Khoản vay chuyển đổi trị giá 25 triệu USD đến hạn vào năm 2016, lãi suất cố định là 6%/năm.
Phần lớn các khoản vay còn lại là trái phiếu phát hành cho ngân hàng trong nước và nước ngoài, gồm:
• 3.000 tỷ đồng phát hành cho Vietinbank, đáo hạn lần lượt trong các năm 2014, 2016 và 2017. Lãi suất năm 2013 phải trả cho các khoản vay này từ 13% đến 14,5%/năm.
• 3.000 tỷ đồng phát hành cho Techcombank, đáo hạn vào năm 2015. Tuy nhiên Vingroup đã chuyển một phần khoản trái phiếu này sang vay ngắn hạn (phải trả trong năm 2014). Lãi suất tập đoàn phải trả cho khoản trái phiếu này trong năm 2013 từ 16,6% đến 17%/năm.
• 4.300 tỷ trái phiếu khác có thời gian đáo hạn từ 2016 đến 2018. Lãi suất phải trả cho các trái phiếu này trong năm 2013 từ 13% đến 13,4%/năm.
• 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi có lãi suất 5%/năm và thời hạn 5 năm từ 2012. Chỉ có 2 triệu USD được chuyển đổi từ khi phát hành. Số dư của khoản vay này còn lại 298 triệu USD.
• 200 triệu USD trái phiếu quốc tế phát hành cuối năm 2013, đáo hạn vào năm 2018 với lãi suất cố định là 11,625%/năm.
So với cuối năm 2012, Vingroup đã tăng các khoản vay thương mại khoảng 1.300 tỷ và tăng phát hành trái phiếu gần 4.000 tỷ.
Theo Tri Thức Trẻ