Kinh doanh nhỏ: “Tuyệt chiêu” lùi vào hẻm, lên lầu cao

Thứ hai, 10/03/2014, 14:21
Việc chọn địa điểm kinh doanh trên lầu hoặc trong hẻm là xu hướng phổ biến hiện nay.

Giữa tháng 10/2013, Traqué khai trương showroom và văn phòng làm dịch vụ, bán sản phẩm thiệp in và vải tại… lầu 3 của chung cư 95 Pasteur, TP.HCM.

Tiết kiệm

Anh Dũng, một người kinh doanh bán lẻ có nhiều năm kinh nghiệm cho biết: trong kinh doanh, tiền thuê mặt bằng chiếm chi phí gần 30 – 50%, cộng thêm các chi phí khác giá thành sẽ tăng lên rất nhiều, nếu tính toán không kỹ sẽ lỗ. Hiện nay, có hiện tượng trả lại mặt bằng ngoài mặt tiền đường và giảm giá nhưng vẫn không có người thuê. Những người trụ lại kinh doanh mặt tiền đường đang sống qua ngày, có khi lỗ, khi lời, kinh doanh cầm chừng chờ cho thị trường khả quan hơn.

Anh Nguyễn Hoàng, chủ quán cà phê Cakes & Ale ở chung cư 23 Lý Tự Trọng, cho biết: chúng tôi thuê một căn hộ 100m2 ở trên lầu một để bán quán càphê và bán bánh ngọt làm ngay tại chỗ. Giá thuê khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với giá đó khi kinh doanh còn có thể có lời chút ít”. Anh Hoàng cho biết dưới trệt của chung cư này giá thuê phải từ 60 triệu đồng/tháng trở lên với diện tích nhỏ hơn, kinh doanh khó trang trải nổi chi phí.

Chị Hoa, chủ một cửa hàng bán thời trang trong hẻm quận 3 đã từng thuê cửa hàng ngoài mặt tiền nhưng chi phí mặt bằng quá cao: 25 triệu đồng/tháng cho diện tích 4x10m. Trong năm chỉ vài tháng cuối năm có lời ít, còn các tháng còn lại hoà hoặc lỗ. Sau một năm chị chuyển vào trong hẻm với mặt bằng có diện tích tương tự với giá 12 triệu đồng/tháng. Chị Hoa nói: “Trước đây vừa trả tiền mặt bằng xong, tôi lại xoay xở để trả tiếp tiền tháng kế tiếp, quá áp lực. Khi chuyển vào hẻm, số tiền tiết kiệm từ mặt bằng đủ chi phí cho nhân viên, điện nước, thuế, nên cũng dễ thở được một chút”.

ý tưởng kinh doanh
Biểu diễn làm bánh tại một quán cà phê trên lầu chung cư.

Cần có “tuyệt chiêu”

Tuy nhiên kinh doanh ở những mặt bằng trong hẻm và trên lầu cao có nhiều hạn chế như khách không nhìn thấy cửa hàng, vị trí khó kiếm, phải gửi xe và leo cầu thang… Do vậy, người kinh doanh phải có nhiều chiêu, tính toán kỹ và bỏ nhiều công sức. Việc quảng bá thường tận dụng các trang mạng và Facebook. Cách lan toả thông tin ban đầu là bạn bè, người quen và những người đó tiếp tục truyền thông tin. Muốn vậy phải có cách viết hay, thu hút và luôn có những cái mới để giới thiệu. Sự lan toả của cộng đồng mạng là một kênh tuyên truyền chủ yếu cho các cửa hàng này.

Chị Thể Hữu, chủ cửa hàng Hữu Là Lá nằm trong con đường nhỏ chuyên kinh doanh quần áo có phong cách mộc, bụi và cá tính, cho biết do đặc điểm khách hàng có gu, thích loại hàng bụi và không đụng hàng, nên chị chọn mặt bằng lui vào phía trong đường nhỏ. Đối với dạng khách hàng này cho dù đường có khó kiếm họ vẫn tìm đến. Khách đa số đều có xem hàng qua trên mạng và được khách hàng cũ giới thiệu đến. Khi chọn cửa hàng lui vào trong mặt bằng được rộng rãi hơn để trưng bày hàng và khách có không gian đứng lựa hàng thoải mái hơn.

Anh Hoàng cũng cho biết thời gian đầu hầu như chưa ai biết đến quán nên khách hầu hết là bạn bè ủng hộ. Có những ngày không có một người khách nào. Anh Hoàng chia sẻ: “Trên trang Facebook, tôi đưa những hình ảnh, sản phẩm và câu chuyện dễ thương lên mỗi ngày. Nhờ vậy, quán đã thu hút và lượng khách ngày càng tăng. Phải có chiêu riêng, trực tiếp tương tác, coi sóc mỗi ngày, truyền niềm hứng khởi, sở thích của mình cho khách”.

Sức hút của quán còn do việc bán bánh tươi do chính vợ Hoàng làm ngay tại chỗ cho khách xem. Ai muốn học sẽ được dạy tại chỗ và có thể thuê bếp để làm mời bạn bè đến ăn. Với phương châm đến quán như trở về nhà, nên khung cảnh quán được Hoàng thiết kế như một căn nhà của thập niên 70, có phòng khách, bếp, phòng đọc sách, sân vườn, tạo cho khách cảm giác gần gũi và như “trở về một thời đã qua”.

Chị Hữu trước khi mở cửa hàng thời trang, chị đã bán hàng trên mạng nên ban đầu đã có một lượng khách quen. Khách từ trên mạng tới mua chiếm 50% và số còn lại do khách tới mua rồi giới thiệu. Chị còn liên kết với bạn bè đưa các mặt hàng túi xách da làm bằng tay, các loại gốm, trang sức làm thủ công cùng nhiều mặt hàng vải dùng trong nhà để bày bán, để khách khi bước vào thông thường sẽ mua một món vì sự phong phú và hàng có nét riêng ít nơi có. Ngược lại chị cũng mang hàng bày bán trong cửa hàng của bạn bè như hình thức tuyên truyền quảng bá…

Chị Hạnh ở tận lầu 9 chung cư Bến Chương Dương thì sử dụng chính căn hộ của mình để kinh doanh mặt hàng gốm Nhật. Do hàng nhập về tốn nhiều chi phí, nếu tốn thêm tiền mặt bằng giá sẽ tăng lên gần gấp đôi, sẽ khó bán được. Nhà chị khách ra vô liên tục, họ là những người mua về dùng, trưng bày, sưu tầm và làm quà tặng.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích