Ngày 11/3, biểu lãi suất huy động tiếp tục được Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thay đổi. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn một đến ba tháng giảm thêm 1-3 điểm phần trăm. Với các khoản tiền trên 50 triệu đồng, lãi suất tiết kiệm tại Sacombank chỉ còn lần lượt 6,25% và 6,3% một năm khi gửi một, hai tháng. Kỳ hạn 3 tháng cũng giảm 0,1 điểm phần trăm so với biểu niêm yết trước đó. Đây là lần giảm lãi suất thứ 3 của Sacombank trong vòng một tháng qua.
Hiện rất khó để tìm những mức lãi suất 7-7,5% một năm với cá kỳ hạn ngắn. |
Không riêng Sacombank, từ 12/3, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm mới với mức điều chỉnh giảm. Lãi suất kỳ hạn một tháng hiện chỉ còn dưới 6% một năm.
Cả hai đơn vị này đều là những nhà băng cổ phần trong top đầu và đều có nhiều đợt giảm lãi suất (chủ yếu ở kỳ hạn ngắn) trong thời gian qua. Nhờ đó, lãi suất cũng về mức gần với các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Lãi tiết kiệm tại các ông lớn quốc doanh dù không giảm trong đợt này nhưng cũng đều đang ở mức thấp nhất thị trường. Như tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), khoản tiền gửi một tháng tại các chi nhánh ở Hà Nội chỉ còn được hưởng lãi suất 5,8% một năm. Ở Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank), lãi suất thậm chí thấp hơn với 5% một năm. Hầu hết các mức huy động này đều thấp hơn rất nhiều so với trần 7% hiện nay.
Trao đổi với PV, ông Lê Quang Trung - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối của Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết dù giảm lãi suất từ cuối năm 2013 nhưng so với mặt bằng chung hiện nay, mức huy động vốn tại VIB cũng khá tương đồng. Theo ông Trung, trong bối cảnh này, khả năng lãi suất huy động tại các nhà băng tiếp tục hạ là hoàn toàn có thể xảy ra. "Nếu nền kinh tế còn tiếp tục đình trệ như hiện nay, lạm phát vẫn thấp thì cơ hội để lãi suất giảm là vẫn còn nữa. Các ngân hàng còn dư địa để cắt giảm tiếp lãi suất", ông Trung cho biết.
Đầu năm, hầu như ngân hàng nào cũng than thở về việc tín dụng khó tăng, thậm chí tăng trưởng âm. Do đó, việc dần dần từng bước cắt giảm lãi suất huy động là cách tốt để các đơn vị tiết kiệm chi phí. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, tín dụng năm 2014 vẫn sẽ tiếp tục khó khăn bởi cục nợ xấu tại các đơn vị vẫn còn khá nhiều. "Khi nợ xấu còn nhiều cũng đồng nghĩa khả năng nới lỏng khẩu vị rủi ro để cho vay ra nhiều hơn là rất khó. Vì thế mà tín dụng sẽ không dễ tăng", vị lãnh đạo này nói.
Hơn nữa, việc hạ lãi suất lần này được xem là cách gần nhất giúp các nhà băng có thể giảm từ một đến hai điểm phần trăm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp. Đây không chỉ là mong muốn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mà cũng là chỉ đạo của Thủ tướng trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua.
Theo VnExpress