Bộ trưởng Đinh La Thăng gần đây phát biểu với báo giới khi đề cập đến Vinalines: “Cổ phần hóa không chỉ thuần túy để thu tiền về mà để thay đổi bản chất công tác quản lý”. Vinalines sẽ sớm bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), giá của nó sẽ bao nhiêu?
Báo cáo tài chính mới nhất được kiểm toán bởi kiểm toán độc lập quốc tế và các dữ liệu tài chính công
khai là điều mà giới đầu tư cũng như dư luận đang mong mỏi ở Vinalines.
Lỗ từ bao giờ?
Nhà đầu tư từ cá nhân đến tổ chức khi đăng ký và đặt cọc mua cổ phần của các đơn vị cổ phần hóa, quan tâm hàng đầu đến hiệu quả kinh doanh đi kèm tính minh bạch. Doanh nghiệp lãi nhiều giá cổ phiếu sẽ cao, lãi ít giá thấp, thậm chí lỗ cũng có người mua, nhưng mọi số liệu, thẩm định nợ, xác định giá trị phải rõ ràng, công khai, minh bạch.
Với Vinalines, dư luận chỉ biết rằng tổng công ty đang lỗ, khó khăn về dòng tiền để trả nợ ngân hàng và đảm bảo vốn lưu động. Thậm chí hai công ty thành viên là Vinashinlines và Falcon đang tiến hành thủ tục phá sản. Vậy Vinalines lỗ từ bao giờ?
Trên trang web của mình, Vinalines đăng tải kết quả kinh doanh hàng năm một cách sơ sài. Theo đó, năm 2010 tổng công ty đạt lợi nhuận 1.241 tỉ đồng; năm 2011 lãi hơn 62 tỉ đồng; năm 2012 lỗ 2.439 tỉ đồng. Năm 2013 Vinalines chỉ công bố doanh thu, không công bố lợi nhuận. Nhìn vào đây, tổng công ty bắt đầu thua lỗ từ năm 2012.
Một tài liệu khác, báo cáo số 146/BC-CP ngày 12-6-2012 của Chính phủ về tình hình Vinalines gửi Quốc hội được báo chí thông tin rộng rãi thời gian đó, cho biết năm 2011 tổng công ty đã gặp nhiều khó khăn và đã lỗ 434 tỉ đồng, trong khi năm 2010 còn lãi 142 tỉ đồng, năm 2009 lãi 317 tỉ đồng. Thời điểm thua lỗ của Vinalines, như thế, sớm hơn một năm.
Sau đó kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines giai đoạn 2007-2010 nêu rõ năm 2009 tổng công ty lỗ 412 tỉ đồng, năm 2010 lỗ 1.274 tỉ đồng. Đáng chú ý số lỗ của năm 2010 quá lớn (chưa tính năm doanh nghiệp chuyển từ Vinashin sang cho Vinalines quản lý), độ vênh cũng quá cao so với số liệu được chính tổng công ty công bố trên trang web. Nếu tin vào kết luận của Thanh tra Chính phủ, Vinalines đã lỗ từ năm 2009.
Câu hỏi đặt ra là từ đó đến nay, lỗ lũy kế của Vinalines tổng cộng bao nhiêu? Và đã làm âm vốn chủ sở hữu chưa?
Ngân hàng và những khoản nợ Vinalines
Theo báo cáo của Chính phủ số 146 được báo chí trích dẫn, vào cuối năm 2011 tổng nợ của Vinalines lên tới 43.135 tỉ đồng, trong đó có 9.309 tỉ đồng nợ ngắn hạn, còn lại là trung, dài hạn. Đến nay nhiều khoản vay đã quá thời hạn trả từ lâu. Một số ngân hàng lớn như BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro dần từng năm cho các khoản dư nợ của Vinalines, nhưng nhiều chủ nợ khác vẫn chưa trích lập.
Không có khả năng trả nợ ngay, Vinalines chỉ còn cách thương lượng xin tái cơ cấu nợ. Theo báo cáo của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại kỳ họp Quốc hội tháng 11 năm ngoái, Vinalines đã tái cơ cấu được 7.855 tỉ đồng nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đồng thời đàm phán với các chủ nợ khác để giãn, giảm số tiền phải trả cho năm 2013-2014 được 20.412 tỉ đồng.
Mới nhất, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải ngày 24-2-2014, đại diện Vinalines khẳng định tổng công ty đã xây dựng xong đề án tái cơ cấu khoản nợ hơn 54.700 tỉ đồng của công ty mẹ và các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển liên doanh; cơ cấu lại 196 triệu đô la Mỹ nợ vay các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; cơ cấu lại 43.000 tỉ đồng nợ vay ngân hàng trong nước.
Câu hỏi thứ hai mà giới đầu tư cần được biết rõ là hiện tổng nợ của Vinalines đến mức nào? Những nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phiếu tổng công ty hiểu hơn ai hết góp vốn vào Vinalines tức là có trách nhiệm phải trả những khoản nợ đã vay. Những khoản nợ ấy có thể được giãn, được khoanh, được giảm lãi nhưng trước sau gì thì cũng phải trả. Trong trường hợp vốn chủ sở hữu không còn, hoặc còn ở mức thấp, mà tổng nợ lại cao, thì sự chú ý sẽ phải tập trung vào tổng tài sản của Vinalines.
Dấu hỏi tổng tài sản
Tài sản của Vinalines phân bổ nhiều nhất ở đội tàu và các cảng biển. Các cảng biển trước đây trực thuộc tổng công ty, sau đã cổ phần hóa và niêm yết, nhất là các cảng phía Bắc như Đoạn Xá (DXP-Hnx), Đình Vũ (DVP-Hose), Nam Hải... hiện đều kinh doanh hiệu quả và báo lãi nhiều, có năm có doanh nghiệp lãi 100% trên vốn điều lệ.
Trong khi đó, các cảng ở miền Trung và miền Nam đạt hiệu quả kinh doanh thấp hơn, song nhìn chung mảng khai thác, dịch vụ cảng không đến mức tồi tệ mặc dù khủng hoảng vận tải biển chưa qua đáy. Nếu quản lý, khai thác tốt các cảng biển, Vinalines có khả năng có lời từ mảng này. Chỉ không biết vì sao nhiều năm qua dưới sự điều hành của tổng công ty, nó lại không mang lại lợi nhuận.
Riêng đội tàu - một trong những hoạt động cốt lõi của Vinalines - thông tin khá mờ nhạt. Trên trang web, tổng công ty cho biết năm 2010 đã đầu tư 10 tàu hàng khô, với số tiền 220 triệu đô la Mỹ. Sang năm sau Vinalines đầu tư thêm ba tàu hàng khô 86 triệu đô la Mỹ và tiếp tục đóng mới hai tàu containers.
Tuy nhiên từ năm 2012 Vinalines chuyển từ mua sang bán, cụ thể năm đó bán 10 tàu và năm 2013 bán tiếp 12 tàu. Việc bán tàu cũ, tậu thêm tàu mới nhằm trẻ hóa và nâng trọng tải đội tàu là cần thiết trong bối cảnh bình thường, nhưng liệu nó có hợp lý trong điều kiện ngặt nghèo tài chính và vận tải biển thu không đủ chi?
Vinalines đang tái cấu trúc các công ty con, đã thu gọn 11 đầu mối doanh nghiệp. Năm ngoái đã cổ phần hóa xong hai đơn vị, sáu đơn vị khác đang trong quá trình phê duyệt, xác định, công bố giá trị doanh nghiệp. Báo cáo tài chính mới nhất được kiểm toán bởi kiểm toán độc lập quốc tế và các dữ liệu tài chính công khai là điều mà giới đầu tư cũng như dư luận đang mong mỏi ở Vinalines. Có thế IPO tổng công ty mới hy vọng thành công với mức giá đấu thầu bình quân phản ánh chính xác thực trạng, tiềm năng, triển vọng của doanh nghiệp này.
Theo TBKTSG