Theo đó, các thành viên hội đồng quản trị đã bầu ông Đinh Văn Thành giữ chức danh chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng thay bà Nguyễn Thị Thu Sương. Ông Lee George Lam làm phó chủ tịch thứ nhất, ngay sau khi ông Trầm Thích Tồn xin từ nhiệm.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương. |
Bà Nguyễn Thị Thu Sương và ông Trầm Thích Tồn trước đây từng công tác tại Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty Đại Trường Sơn trước khi chuyển qua giữ chức Chủ tịch và Phó chủ tịch SCB.
Riêng bà Sương từng giữ chức Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank). Sau khi ngân hàng này cùng Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) hợp nhất với SCB, thì bà Sương tiếp tục giữ chức Chủ tịch cho đến nay.
Hiện tại, Hội đồng quản trị của SCB có 6 thành viên, sau khi bà Sương và ông Tồn từ nhiệm, nhà băng này đã trình xin ý kiến cổ đông bầu bổ sung thêm 2 thành viên hội đồng quản trị mới thay thế là ông Võ Tấn Hoàng Văn (đang làm Tổng giám đốc) và ông Tạ Chiêu Trung.
Tại đại hội, ban lãnh đạo SCB cho biết đến 31/12/2013, nợ xấu của SCB là 1.452 tỷ đồng, giảm 4.921 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 1,63% tổng dư nợ.
Ông Trầm Thích Tồn. |
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm mạnh so với mức 7,23% khi kết thúc năm 2012 chủ yếu do ngân hàng đã chuyển nợ xấu qua VAMC. Ngoài ra, ngân hàng thu hồi được 889 tỷ đồng nợ xấu.
Ngân hàng sau hợp nhất SCB lần đầu tiên có lãi, đạt lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng trong năm 2013 và đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 121 tỷ đồng trong năm nay.
Hội đồng cổ đông đã thông qua các chỉ tiêu hoạt động cho năm 2014 với tổng tài sản 237.870 tỷ đồng, huy động thị trường một 188.098 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay khoảng 156.988 tỷ đồng. Ngoài ra, phương án tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng lên 14.295 tỷ đồng cũng được HĐQT trình xin ý kiến.
Cụ thể, trong trường hợp không thể tăng vốn cấp 2 bằng nguồn ủy thác từ nước ngoài như kế hoạch, SCB sẽ tăng vốn điều lệ với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính dự kiến trước 31/12/2014.
Theo VnExpress