Ông Lê Anh Sơn sinh năm 1971, nguyên là Phó tổng giám đốc Vinalines. Ông được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải bổ nhiệm để thay thế cho ông Nguyễn Cảnh Việt, người vừa được điều động giữ chức Phó ban Phòng chống lụt bão của Bộ Giao thông Vận tải.
Có trình độ thạc sĩ chuyên ngành tài chính - ngân hàng, trước khi được bổ nhiệm ghế Tổng giám đốc Vinaliens, ông Sơn từng giữ các chức vụ: Giám đốc Công ty tư vấn Hàng hải, Trưởng ban Tài chính Vinalines.
Như vậy, đây là lần thay đổi tổng giám đốc thứ 4 của Vinalines trong vòng chưa đầy 10 năm, tính từ nhiệm kỳ của ông Dương Chí Dũng. Hiện ban quản lý, điều hành của Vinalines gồm có Chủ tịch Hội đồng Thành viên là ông Nguyễn Ngọc Huệ, Tổng giám đốc Lê Anh Sơn và 7 phó tổng giám đốc.
Chủ tịch Vinalines Nguyễn Ngọc Huệ chúc mừng ông Lê Anh Sơn trên cương vị mới. |
Trước đó, người tiền nhiệm của ông Sơn là ông Nguyễn Cảnh Việt đã được Bộ Giao thông Vận tải điều chuyển về công tác tại Ban Phòng chống lụt bão của Bộ Giao thông Vận tải, giữ chức Phó ban, mang hàm Vụ trưởng.
Ông Nguyễn Cảnh Việt được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 7/2011, thay cho ông Mai Văn Phúc bị kỷ luật, bắt giam vì có sai phạm trong quản lý, điều hành. Tuy nhiên, vào đầu năm 2013, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có cuộc họp bàn và xem xét kỷ luật đối với ông Nguyễn Cảnh Việt vì đã có vi phạm, khuyết điểm trong điều hành, quản lý, chưa kiểm tra, giám sát và thực hiện đúng quy định của Chính phủ và Tổng công ty.
Sau đó, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Cảnh Việt có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, nên chỉ cần nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc trong lãnh đạo, điều hành.
Theo đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt, trong năm 2014 doanh nghiệp này sẽ phê duyệt kế hoạch và triển khai cổ phần hóa thêm 8 doanh nghiệp, trong đó tháng 5/2014 sẽ tiến hành IPO cảng Hải Phòng - cảng biển lớn nhất miền Bắc.
Mục tiêu đến năm 2015, Vinalines sẽ thực hiện cổ phần hóa 16 doanh nghiệp, chuyển đổi 5 doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc thành công ty TNHH một thành viên để thực hiện cổ phần hóa.
Năm 2013, kinh doanh của Vinalines bị thua lỗ và hiện số nợ phải trả của tổng công ty cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Theo VnEconomy