Đà Nẵng trở lại vị trí quán quân về năng lực cạnh tranh

Thứ năm, 20/03/2014, 14:30
Quảng Ninh cũng lần đầu tiên có mặt trong Top 4 bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố sáng nay.

năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thành phố Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh.

Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013. Theo đó, Đà Nẵng trở lại dẫn đầu, từ vị trí 12 năm ngoái. Trước đó, địa phương này từng có 3 năm liên tiếp (2008–2010) giữ vị trí quán quân.

Nhận lại ngôi đứng đầu, Chủ tịch UBND Đà Nẵng - Văn Hữu Chiến cho rằng chỉ số PCI không tạo ra cuộc chơi thắng thua mà là cơ hội giúp các nhà hoạch định chính sách hoàn thiện mình, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư tại Đà Nẵng, gây dựng hình ảnh thành phố năng động, sáng tạo.

Cùng với trung tâm kinh tế tại miền Trung, Quảng Ninh năm nay lần đầu tiên vươn lên nhóm 4 tỉnh xếp hạng PCI cao nhất với 63,5 điểm. Ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch tỉnh chia sẻ có được kết quả này là do tỉnh đã chú trọng tới công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và theo dõi sát những khó khăn của doanh nghiệp.

Theo đó, Quảng Ninh đã thuê tư vấn từ Nhật Bản, Mỹ để lập quy hoạch thành phố. "Có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, có dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt", lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phát biểu.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng nhận xét, điểm tích cực năm nay là các thành phố lớn đã tăng hạng, như Hà Nội vươn từ vị trí 51 năm ngoái lên 33 năm nay, với sự cải thiện mạnh mẽ ở chi phí tiếp cận đất đai. Tuy nhiên, vị trí này vẫn chưa tương xứng với hình ảnh thủ đô. “Tôi biết là chính quyền Hà Nội cũng chưa hài lòng với việc này”, ông nói. Bên cạnh đó, Huế, TP.HCM và Cần Thơ cũng đều nằm trong Top 10 các tỉnh có năng lực cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, kết quả PCI năm nay cho thấy sự phân hóa mạnh giữa các vùng. Khu vực miền núi phía Bắc năm nay tiếp tục có 5 tỉnh bị xếp vào nhóm có năng lực cạnh tranh thấp do cơ sở hạ tầng, chất lượng điều hành bị cộng đồng đánh giá ở mức thấp. Trong khi đó, đồng bằng Sông Cửu Long, nơi cũng có hạ tầng chưa phát triển lại có nhiều tỉnh nằm trong nhóm thứ hạng cao, như Đồng Tháp, Kiên Giang nhiều năm liền trong Top 10.

Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô, các chỉ số đều cho thấy Viêt Nam có dấu hiệu phục hồi, song doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp khó khăn và rất vất vả để duy trì hoạt động, báo cáo PCI nêu. Năm 2013, chỉ vỏn vẹn 6,4% doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư và 6,2% tăng quy mô lao động. Các doanh nghiệp cũng chưa thực sự lạc quan khi chỉ có 32,5% cho biết có ý định tăng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

Năm nay, VCCI lần đầu tiên tiến hành khảo sát về chỉ số môi trường cạnh tranh bình đẳng với mong muốn doanh nghiệp dân doanh được đối xử sòng phẳng so với các khu vực khác. Theo đại diện VCCI, hiện nay còn xảy ra tình trạng một số tỉnh đang ưu tiên các doanh nghiệp Nhà nước trong tiếp cận đất đai, hoặc một số nơi ưu tiên doanh nghiệp doanh nghiệp nước ngoài  hoặc đơn vị quen biết.

"Chính phủ cần nới lỏng, không nên o bế doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa để doanh nghiệp dân doanh được tự do cạnh tranh", ông Edmund Malesky, thành viên nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Liên quan đến khảo sát về doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ông Malesky cũng cho biết Việt Nam đang tự thụt lùi so với chính bản thân mình, trong khi sự cạnh tranh với các quốc gia khác ngày càng gay gắt.

Theo số liệu khảo sát, hơn một nửa doanh nghiệp FDI trước khi lựa chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các quốc gia khác, chủ yếu là Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia. Con số này tăng lên so với giai đoạn 2011–2012, khi chỉ một phần ba doanh nghiệp FDI cân nhắc địa điểm đầu tư khác bên cạnh Việt Nam.

“Con số này tự thân là một chỉ báo quan trọng về thứ hạng của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam có thể không là điểm đến ưu ái nhất với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007–2010, mà hiện giờ đang phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực và các quốc gia mới nổi”, báo cáo cho hay.

Ông Malesky chia sẻ các doanh nghiệp FDI đều có chung cảm nhận là môi trường kinh doanh Việt Nam kém hấp dẫn hơn các đối thủ cạnh tranh do gánh nặng các quy định pháp luật, tính minh bạch, chất lượng dịch vụ hành chính công và đặc biệt là cơ sở hạ tầng.

“Cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ tốt hơn Myanmar và bị đánh giá ngang bằng với các nước láng giềng là Lào, Campuchia. Song, lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng pháp luật, Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn hai quốc gia này”, vị chuyên gia nhận định.

Đặc biệt, việc chuyển giá đang là mối quan ngại của Việt Nam thời gian qua. Nhóm nguyên cứu cho biết khoảng 20% doanh nghiệp FDI thực hiện việc chuyển lợi nhuận nhằm giảm gánh nặng thuế. Tuy nhiên, ông Malesky nhận định tình trạng này không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác.

“Với các doanh nghiệp đa quốc gia thì việc chuyển giá trong nội bộ sẽ nhiều hơn, bản chất thuật ngữ chuyển giá là không xấu. Chuyển giá chỉ xấu khi doanh nghiệp nhằm mục tiêu giảm lợi nhuận tại tại một số quốc gia có mức thuế cao để giảm phần đóng thuế”, ông phân tích.

Do vậy, vị này khuyến nghị Việt Nam có chính sách thuế phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và đưa ra một lộ trình tăng thuế có thể dự đoán được, giúp doanh nghiệp ước lượng đầy đủ gánh nặng thuế trong tương lai, như vậy động cơ chuyển giá mới giảm bớt.  

Theo công bố của VCCI, Báo cáo PCI năm nay được thực hiện trên cơ sở khảo sát tại hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh trên 63 tỉnh, thành cả nước.

Theo VnExpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích