Xin tăng ưu đãi để bauxite bớt lỗ

Thứ sáu, 21/03/2014, 10:57
Báo cáo giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây của Bộ Công thương về hai dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ đưa ra lộ trình lần lượt đến năm 2016 - 2020 hai dự án này sẽ hết lỗ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu này rất khó khả thi.

Theo Bộ Công thương, năm 2013 dự án Tân Rai lỗ 258 tỉ đồng, dự kiến năm 2014 sẽ lỗ 176 tỉ đồng, năm 2015 lỗ 252 tỉ đồng. Tới năm 2016, dự án này mới bắt đầu có lãi với con số khiêm tốn là 9,3 tỉ đồng. Dự án Nhân Cơ dự kiến lỗ kéo dài từ năm 2015 đến 2020, mức lỗ thậm chí gấp đôi so với Tân Rai. Cụ thể, năm 2015 Nhân Cơ lỗ tới 671 tỉ đồng, đến năm 2020 mức lỗ vẫn là 237 tỉ đồng.

bauxite tân rai
Chuyển quặng tinh từ Nhà máy tuyển quặng về Nhà máy alumin.

Lãi vay lớn, giá bán thấp

Trao đổi với PV, lãnh đạo Tập đoàn Than khoáng sản VN (Vinacomin) cho rằng, so với doanh thu hàng nghìn tỉ đồng của mỗi dự án, thì số lỗ này vẫn chấp nhận được và đã nằm trong tính toán.

Cũng theo ông này,  sau 12 năm kể từ khi đi vào hoạt động Tân Rai mới có khả năng hoàn vốn, và Nhân Cơ ít nhất là sau 13 năm. Trong khi đó, tổng mức đầu tư cho cả hai dự án đều đã phải điều chỉnh tăng trên 30%, Tân Rai tăng thêm tới 3.889 tỉ đồng lên 14.886 tỉ đồng, Nhân Cơ tăng 4.318 tỉ đồng đưa tổng mức đầu tư lên 15.683 tỉ đồng. Ngoài chi phí xử lý hồ bùn đỏ phải xây dựng lại theo các tiêu chuẩn an toàn cao hơn tăng thêm hơn 238 tỉ đồng, tổng mức đầu tư mỗi dự án tăng thêm vài nghìn tỉ do chậm tiến độ, chi phí lãi vay cao, giá bán alumin thấp hơn nhiều so với dự tính. Thậm chí, Bộ Công thương còn cho rằng lỗi khiến hai dự án trên chậm tiến độ do… áp lực dư luận.

Trước đó, dưới áp lực của dư luận và câu chuyện vỡ hồ bùn đỏ Hungary, Bộ Công thương và Vinacomin đã phải phê duyệt điều chỉnh tăng mức độ an toàn của hồ bùn đỏ. Nhưng nay lại vì hiệu quả kinh tế, họ lại đòi giảm hệ số an toàn hồ bùn đỏ.

TS Nguyễn Thành Sơn

Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp khiến đội vốn thêm hàng nghìn tỉ do áp lực trả lãi vay quá lớn và giá bán alumin thấp. Cụ thể, vốn vay chiếm tới 70% (gồm cả VND và vay ngoại tệ), chênh lệch tỷ giá trong nhiều năm xây dựng dự án đã khiến tổng mức đầu tư của hai dự án phình to. Lãnh đạo Vinacomin cũng thừa nhận, trong các năm đầu vòng đời dự án, khi chưa phải trả nợ gốc thì lãi vay hằng năm phải trả là rất lớn.

Đáng nói hơn, phương án giá bán alumin được đặt ra quá lạc quan so với thực tế. Trong dự toán giá ban đầu của Vinacomin, giá bán alumin khoảng 380 USD/tấn cho vòng đời 30 năm của các dự án. Lãnh đạo Vinacomin vẫn lạc quan cho rằng xu hướng tăng giá alumin là chắc chắn. Nhưng thực tế, giá xuất khẩu ban đầu của alumin Tân Rai chưa đạt nổi 300 USD/tấn. Năm 2014 hợp đồng dài hạn Vinacomin ký với các đối tác xuất khẩu cũng chỉ đạt mức giá 320 - 330 USD/tấn (xuất từ cảng Gò Dầu).

Giá bán alumin thấp làm tăng thêm mức độ rủi ro cho dự án, bởi đây là yếu tố quan trọng và quyết định vòng đời dự án.

Xin ưu đãi "cứu" thua lỗ

Trong báo cáo giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Thứ trưởng Lê Dương Quang ký, Bộ Công thương tiếp tục đề xuất nhiều ưu đãi cho dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ như bỏ thuế VAT, giảm phí môi trường, giảm giá điện cho nhà máy luyện nhôm, thậm chí giảm tiêu chí an toàn của hồ bùn đỏ…

Bộ Công thương cho rằng, chi phí hồ bùn đỏ chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của hai dự án, trong khi tính toán thiết kế lại có “độ an toàn quá cao, gây lãng phí đầu tư không cần thiết”, nên cần giảm bớt tiêu chí an toàn hồ bùn đỏ.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Công thương và Vinacomin xin các ưu đãi về thuế, phí cho dự án bauxite. Với lý do đây là sản phẩm chế biến sâu, qua 3 công đoạn khai thác nên phải thuộc diện chịu thuế VAT bằng 0%, phí môi trường phải giảm xuống chỉ còn 4.000 đồng/tấn (hiện nay áp khoảng 40.000 đồng/tấn). Lãnh đạo Vinacomin cho rằng, đề xuất giảm thuế, phí không phải do hai dự án lỗ.

Theo TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia về bauxite, việc xin ưu đãi như giảm VAT về 0% để “cứu” hiệu quả của hai dự án trên là bất hợp lý. Các chuyên gia đã dự báo và thực tế cũng chứng minh, giá alumin khó lòng đạt mục tiêu lạc quan mà Vinacomin và Bộ Công thương đề ra. Cách duy nhất để dự án có hiệu quả hơn về mặt kinh tế là nhà nước phải hy sinh thuế, phí và đánh đổi yếu tố an toàn môi trường. “Đề xuất giảm bớt hệ số an toàn hồ bùn đỏ của Bộ Công thương đang mâu thuẫn với chính bộ này. Trước đó, dưới áp lực của dư luận và câu chuyện vỡ hồ bùn đỏ Hungary, Bộ Công thương và Vinacomin đã phải phê duyệt điều chỉnh tăng mức độ an toàn của hồ bùn đỏ. Nhưng nay lại vì hiệu quả kinh tế, họ lại đòi giảm hệ số an toàn hồ bùn đỏ”, ông Sơn nhìn nhận.

Một đề xuất của Bộ Công thương cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là quá khó hiểu. Theo bộ này, về khả năng sản xuất nhôm trong thời gian tới, Công ty TNHH thương mại Trần Hồng Quân đã được cho phép lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện phân nhôm công suất 300.000 tấn/năm tại Đắk Nông và đã được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định hiện hành. Ngoài ra, Vinacomin và Công ty Dongyang Gangchul (Hàn Quốc) cũng đã ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện phân nhôm công suất 300.000 tấn/năm. Bộ Công thương cho rằng giá điện cho hai nhà máy này quá cao so với các nước trong khu vực (6,5 cent/kWh so với 4,5 cent), nên để đảm bảo dự án có hiệu quả thì giá điện chỉ nên tính khoảng 5,3 - 5,4 cent/kWh.

Nhận xét về yêu cầu này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lập luận: “Bộ Công thương nhiều lần đòi tăng giá điện vì giá bán điện cho sản xuất xi măng, sắt thép thấp dẫn đến các doanh nghiệp tận dụng chính sách điện giá thấp và lãng phí điện. Nhưng nay lại đòi giảm giá điện cho dự án điện phân nhôm. Trong khi cả thế giới khủng hoảng về năng lượng thì đây là ý tưởng không thể chấp nhận được”.

Ưu tiên dự án bauxite sẽ tạo sự bất bình đẳng với các dự án khác

Trao đổi với PV, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Trần Tân Văn cho rằng: “Các đề xuất ưu đãi cho hai dự án bauxite là không hợp lý và các lý do mà người ta đưa ra là không thuyết phục. Khai thác bauxite cũng chỉ là các dự án trong rất nhiều dự án đang triển khai. Bây giờ đòi hỏi ưu tiên này ưu tiên kia, các dự án khác cũng đòi ưu tiên này ưu tiên nọ thì có ổn không? Nếu hai dự án khai thác bauxite được hưởng ưu đãi, đương nhiên sẽ tạo ra sự bất bình đẳng với các dự án, các doanh nghiệp khác không chỉ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản”.

Giảm phí môi trường là "ăn vay" tương lai

Về đề xuất giảm phí môi trường cho dự án khai thác bauxite, ông Hoàng Cao Phương, Phó vụ trưởng Vụ Khoáng sản - Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, phân tích: “Nói chung ở các dự án khai thác khoáng sản, đối với môi trường, chúng ta đang “ăn vay” của tương lai. Vì vậy, có thể giảm cái gì chứ giảm phí môi trường là bất hợp lý”.

Theo Thanh Niên

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích