Giới hạn cuối của lãi suất

Thứ sáu, 21/03/2014, 17:17
Giá vốn vay đã rẻ và sẽ còn rẻ hơn, nhưng lời giải cho bài toán tăng trưởng tín dụng sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp và rộng hơn là sức mua của xã hội, sức tiêu thụ của cả nền kinh tế.

Trần lãi suất huy động ngắn hạn 6%/năm, lãi suất cho vay tái cấp vốn 6,5%/năm và lãi suất tiền gửi ngoại tệ 1%/năm được áp dụng bắt đầu từ tuần này. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kỳ vọng lãi suất cho vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng sẽ giảm xuống còn 7%/năm.

Sự tăng trưởng âm 1,05% của tín dụng từ đầu năm đến ngày 13/3/2014 so với cuối năm ngoái đã khiến cơ quan quản lý và cả các ngân hàng thương mại bất an. Tạm tính về con số tuyệt đối, tín dụng đã giảm 35.118 tỉ đồng (dư nợ tín dụng đến cuối tháng 11/2013 được NHNN công bố là hơn 3,3 triệu tỉ đồng - NV).

Tình trạng các ngân hàng canh cánh nỗi lo nợ xấu và chỉ giải ngân đối với các dự án có khả năng thu hồi được tiền vay đã làm lu mờ phần nào nỗ lực của NHNN kêu gọi các tổ chức tín dụng tăng cường cung ứng vốn, kể cả cho vay những doanh nghiệp được tái cơ cấu nợ theo Quyết định 780. Tín dụng của các ngân hàng lớn như Vietcombank từ đầu năm đến thời điểm này vẫn âm. Một số ngân hàng cổ phần có tín dụng dương, song cũng ở mức thấp so với cùng kỳ và so với mức trung bình hàng tháng theo kế hoạch đề ra.

hạ trần lãi suất
Những cố gắng đơn phương của lĩnh vực tiền tệ nhằm giảm chi phí tài chính cho khu vực sản xuất đã không trung bình hóa được tổng chi phí nói chung mà doanh nghiệp phải trả.

Ở phía tài chính, Bộ Tài chính chưa công bố số tiền giải ngân chi cho đầu tư phát triển từ đầu năm đến nay. Theo dự toán ngân sách năm 2014, chi cho đầu tư phát triển cả năm được ấn định mức 163.000 tỉ đồng. Con số này tương đương chưa đầy 5% dư nợ tín dụng năm ngoái. Ngay cả khi ngân sách chi cho đầu tư phát triển có đột biến, thì thời gian qua nó cũng không đủ bù đắp sự sụt giảm của tín dụng. Như vậy nếu tín dụng không tiến triển khả quan, tăng trưởng kinh tế sẽ gặp nhiều trắc trở, đặc biệt với một nền kinh tế mà sự tăng trưởng phụ thuộc phần lớn vào vốn đầu tư như Việt Nam.

Sau đợt điều chỉnh lần này, có vẻ như lãi suất đã đi đến giới hạn cuối cùng. Một khi bị tận dụng quá mức, nó có thể bật ngược trở lại rất nhanh.

Hạ lãi suất là dấn thêm một bước về phía trước để tháo van tín dụng trên tính toán lạm phát của năm nay được dự báo xoay quanh 6% sau khi chỉ số CPI của tháng 1 và tháng 2 vừa rồi tăng ở mức thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng một thập kỷ qua.

Tuy nhiên những cố gắng đơn phương của lĩnh vực tiền tệ nhằm giảm chi phí tài chính cho khu vực sản xuất đã không trung bình hóa được tổng chi phí nói chung mà doanh nghiệp phải trả, từ đó giúp họ giảm giá thành sản phẩm để nâng sức mua.

Nhìn vào báo cáo tài chính của các công ty niêm yết có thế thấy rõ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp (trong đó có tiền lương công nhân) tăng khá cao so với các năm trước. Đây là hệ lụy của chi phí nhân công không còn rẻ, của việc liên tục tăng giá xăng, giá điện, giá nước và hàng loạt nguyên liệu đầu vào khác. Nhà sản xuất muốn có lãi, phải tăng giá bán sản phẩm tương ứng. Còn nếu giữ giá để bán được hàng, họ chắc chắn không có lời hoặc thua lỗ. Chìa khóa của vấn đề tăng trưởng hiện nay nằm ở đây.

Sau đợt điều chỉnh lần này, có vẻ như lãi suất đã đi đến giới hạn cuối cùng. Một khi bị tận dụng quá mức, nó có thể bật ngược trở lại rất nhanh. Cùng thời gian trên, NHNN cho biết huy động vốn tăng 1,92% so với cuối năm ngoái, con số tuyệt đối khoảng 69.120 tỉ đồng (tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế đến tháng 11/2013 là 3,6 triệu tỉ đồng).

Theo các ngân hàng, dù lãi suất hạ, tiền gửi vẫn không giảm. Phần lớn các tổ chức tín dụng đều tin tiết kiệm tiếp tục là kênh được ưa thích hiện nay khi vàng, ngoại tệ, bất động sản chưa hấp dẫn trở lại. Họ dự đoán người gửi tiền sẽ chuyển từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài để được hưởng lãi suất cao hơn.       

Tác động mạnh nhất đến sự bật ngược có thể có của lãi suất không ai khác chính là lạm phát. Sự biến động của các hàng hóa nguyên liệu trên thế giới là bất khả kháng. Nếu giá dầu, giá khí, giá nguyên liệu sữa... lên xuống, là giá trong nước cũng phải “nhảy nhót” theo bởi sự can thiệp của các quỹ bình ổn không phải vô tận. Chưa kể quá trình điều chỉnh chi phí giáo dục, chi phí y tế của một số địa phương chưa hoàn tất.

Để bớt gánh nặng cho tiền tệ, đã đến lúc đầu tư công, nhất là cơ sở hạ tầng, phải vào cuộc. Có thể không phải là các gói kích cầu, mà nỗi ám ảnh làm bùng phát lạm phát của nó trong quá khứ chưa tiêu tan, mà là việc điều tiết chính sách, khơi thông các nguồn vốn trong xã hội. Giải quyết vấn đề nợ đọng vốn xây dựng cơ bản; bán cổ phần nhà nước ở những doanh nghiệp nơi Nhà nước còn nắm giữ tỷ lệ quá cao ở mức không cần thiết; ưu đãi thuế ở mức tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội để mau chóng tạo nguồn cung cho thị trường, giải ngân gói 30.000 tỉ đồng... Tất cả những giải pháp ấy cần được cân nhắc trên quan điểm vì lợi ích của người dân, của doanh nghiệp, của nền kinh tế, chứ không phải chỉ của Nhà nước.

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn