Vấn đề hiệu quả
Trong cuộc họp giao ban tháng 11.2011, lãnh đạo Bộ Công thương đã yêu cầu Vinacomin phải đánh giá lại hiệu quả kinh tế dự án này. Theo đó, Vinacomin sẽ phải làm rõ tính minh bạch về các khoản đầu tư nâng cấp tỉnh lộ 725 và 769 để vận chuyển alumin cho xuất khẩu, cũng như hiệu quả kinh tế khi dự án bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, ông Dương Văn Hòa, Phó TGĐ Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản (Vinacomin) cho biết, đến nay tập đoàn này vẫn chưa có đánh giá lại hiệu quả kinh tế dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng).
|
Dự án alumin Tân Rai có tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD. Theo thiết kế, khi chưa có cảng Kê Gà, alumin sẽ được vận chuyển từ Nhà máy Tân Rai theo lộ trình: đường 725 - Bảo Lộc (Lâm Đồng) - QL 20 - ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) - đường 769 - cảng Gò Dầu (Đồng Nai), toàn tuyến đường này có chiều dài 210 km.
Tuy nhiên, Vinacomin không đồng ý chi trả hay góp vốn đầu tư nâng cấp quốc lộ 20 (hơn 7.600 tỉ đồng), mà chỉ đồng ý hạ tải vận chuyển bằng xe 25 tấn. Ông Hòa cho biết, Vinacomin sẽ bỏ ra hơn 400 tỉ đồng hỗ trợ để nâng cấp hai tuyến 725 và 769 (trong đó vốn nâng cấp cho đường 725 là hơn 180 tỉ đồng - PV). Chi phí làm đường, Vinacomin cũng đề xuất được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh chung của toàn tập đoàn, nhằm giảm bớt tổng mức đầu tư mà dự án phải gánh. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được chấp thuận. Trên thực tế, chi phí đầu tư dự án Tân Rai đã tăng lên khá nhiều so với ban đầu, do trượt giá, và đầu tư thêm nhiều hạng mục như đập chắn bùn... Trả lời câu hỏi, nếu phải bổ sung chi phí làm hai con đường trên thêm vào chi phí dự án Tân Rai, hiệu quả kinh tế của dự án có được như tính toán ban đầu, ông Hòa cho hay: “Mẫu số lớn lên thì hiệu quả dự án sẽ bị ảnh hưởng”.
Lãnh đạo Vinacomin cũng đề xuất được giảm thuế xuất khẩu alumin từ 20% xuống còn 0 - 5%, để tăng “tính hiệu quả” cho dự án. Một quan chức Bộ Công thương cho rằng, giảm thuế mới chỉ là đề xuất của tập đoàn, xuất phát từ cơ sở alumin chưa có trong danh mục các loại hàng hóa xuất khẩu. Nhưng muốn được hưởng mức thuế thấp hơn thì Vinacomin phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) bổ sung tên sản phẩm alumin vào khung thuế và TVQH quy định khung thuế, trên cơ sở đó Bộ Tài chính mới tính toán lại mức thuế.
Trước đó, trong dự toán ban đầu, Vinacomin khẳng định dự án có hiệu quả kinh tế, dù phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa đường vận chuyển bauxite. Tuy nhiên, việc tập đoàn này muốn “gạt” chi phí làm đường vận chuyển ra khỏi tổng vốn đầu tư dự án, cũng như yêu cầu giảm thuế xuất khẩu bauxite cho thấy, hiệu quả kinh tế dự án không hẳn như những gì Vinacomin khẳng định trước đó.
Vấn đề an toàn
Theo thiết kế, ngoài 8 khoang chứa bùn đỏ có thêm một đập để ngăn chặn sự cố tràn bùn theo nguyên lý, một khoang hoạt động sẽ có một khoang dự phòng, nếu xảy ra tràn bùn, đập ở cuối hồ chứa sẽ cản lại. Những hóa chất độc hại sẽ được thu gom vào một hệ thống riêng, được kiểm soát trước khi cho vào hồ chứa bùn đỏ.
Nhưng tháng 9.2011 đã xảy ra sự cố lượng xút tàn dư từ công trình bauxite Tân Rai chảy ra môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sử dụng của hàng trăm hộ dân xung quanh khu vực. Theo ông Dương Văn Hòa, nguyên nhân sự cố do sơ suất của công nhân khi pha xút rắn đã để bao bì đựng xút ra ngoài trời, nên khi trời mưa đã làm rửa trôi lượng xút còn sót lại. Ngay sau vụ việc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Vinacomin phải kiểm điểm rút kinh nghiệm, cũng như có các giải pháp phòng ngừa cao nhất để tránh xảy ra các sự cố tương tự. Một lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, Bộ đã yêu cầu tập đoàn phải lập phương án xử lý sự cố nếu xảy ra rò rỉ hóa chất tại dự án.
Sau sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ tại Hungary năm 2010, trước yêu cầu của cơ quan chức năng, Vinacomin đã bổ sung thêm biện pháp an toàn là xây đập ngăn tại hồ chứa bùn đỏ. Các biện pháp khác vẫn giữ nguyên công nghệ theo thiết kế ban đầu. Cụ thể, để tránh chảy tràn giữa trong và ngoài hồ, xung quanh hồ chứa bùn sẽ có hệ thống kênh chống tràn rộng 2m và sâu 2m. Về chống thấm, dưới cùng nền hồ là lớp á sét được lu lèn dày 250 mm, bên trên là lớp vải địa kỹ thuật, tiếp đó là lớp màng chống thấm HDPE có tuổi thọ 30 năm, rồi thêm một lớp vải địa kỹ thuật nữa trước khi trải lớp đáy hồ bằng cát thô dày 60 cm với những ống thu hồi nước.
Hoàn thành các hạng mục chính Theo ông Trần Dương Lễ, hiện các hạng mục chính của công trình dự án tổ hợp bauxite cơ bản đã hoàn thành và chỉ còn tiếp tục thi công một số hạng mục nhỏ như đường đi, bồn hoa... Riêng công trình hồ bùn đỏ, hiện đã thi công xong khoang số 1, còn khoang số 2 dự kiến đến cuối tháng 3 hoàn thành. Nhà máy nhiệt điện cơ bản cũng xây dựng xong và đã thực hiện đóng điện vào trạm biến áp 110/6,3kV cấp điện cho nhà máy alumin, hòa lưới điện quốc gia tổ máy số 1 thành công; đã tiến hành chạy thử hệ thống bằng nước các khu vực nhà máy alumin bằng điều khiển tại chỗ; chạy thử hệ thống bằng nước các khu vực nhà máy bằng điều khiển liên động, đồng thời tiến hành chạy thử nghiệm nhiệt vào các khu vực nhà máy alumin... Cùng lúc, công tác cung cấp vật tư để phục vụ cho việc chạy thử có tải nhà máy alumin cơ bản đã chuẩn bị xong (gồm các chất trợ lắng, dầu nhẹ, mầm thô, xút, than...). Công trình nhà máy tuyển quặng (gồm cả hệ thống băng tải vận chuyển quặng tinh) cũng cơ bản xong, đã chạy thử có tải 2 dây chuyền và đã tuyển ra sản phẩm quặng tinh được hơn 50.000 tấn. Hiện nay, tại công trình có khoảng 160 lao động người Trung Quốc và 1.600 lao động người Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết tất cả số lao động Trung Quốc này là chuyên gia điều chỉnh máy, cán bộ quản lý và họ có giấy phép lao động đầy đủ. Cũng theo ông Triệu, đến khi đưa vào sử dụng hoàn thiện (sản xuất trên 600.000 tấn alumin/năm) thì dự kiến mỗi năm dự án bauxite này đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 400 - 450 tỉ đồng và đóng phí môi trường khoảng 20 - 30 tỉ đồng. Gia Bình |
Theo Thanhnien